Tính đến thời điểm hiện tại, Bình Dương là tỉnh có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất với 99,86%. Các tỉnh khác như Quảng Bình, Quảng Trị kết quả này cũng cao hơn năm trước.
Hiện tại, một số Sở GD-ĐT đã hoàn tất công tác chấm thi tốt nghiệp và công bố kết quả tạm thời cho thí sinh.
Trong đó, Quảng Bình là tỉnh đầu tiên công bố với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 99,3% (hệ THPT) và 96% (hệ GDTX).
Tại Bình Dương, nếu không tính thí sinh tự do, tỷ lệ tốt nghiệp năm 2014 khối phổ thông của tỉnh là 99,86 (năm 2013, tỷ lệ này là 99,34); hệ giáo dục thường xuyên, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 84,30, tăng 20%.
Trong số 32 trường phổ thông trên toàn tỉnh, có tới 26 trường có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%. Ngoài ra, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Dầu Tiếng cũng có đạt tỷ lệ tuyệt đối.
Thủ khoa của tỉnh năm nay là em Nguyễn Thị Thoại Anh, học sinh trường THPT Trịnh Hoài Đức, đạt 38,5/40 điểm.
Hiện tại, cổng thông tin điện tử của Sở GD-ĐT Bình Dương đã chính thức mở chức năng tra cứu điểm thi tốt nghiệp năm học 2013-2014.
Tỉnh Quảng Trị, theo thông tin sơ bộ, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm nay khá cao, trên 98%. Sở GD-ĐT đang hoàn tất khâu cuối cùng để công bố điểm vào ngày 16/6.
Một số nơi dù chưa công bố kết quả nhưng theo dự kiến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng xấp xỉ 100% và cao hơn năm trước.
Tỉnh Bắc Ninh, việc chấm thi đã hoàn tất, Sở đang ghép điểm và gửi kết quả lên Bộ. Qua đánh giá sơ bộ, lãnh đạo Sở GD-ĐT dự đoán tỷ lệ tốt nghiệp sẽ cao hơn năm ngoái (năm 2013 là 99,27%).
Còn lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình dự báo tỷ lệ tốt nghiệp cũng sẽ tương đương với năm ngoái (hơn 97%).
Sau khi công bố điểm, các thí sinh có thể nộp đơn xin phúc khảo bài làm cho trường phổ thông trong vòng 7 ngày.
Đối với các môn tự luận, hội đồng phúc khảo sẽ làm phách mới; tổ chức chấm lại, đảm bảo đúng nguyên tắc hai giám khảo chấm độc lập trên một bài thi.
Khi điểm chấm lại chênh lệch so với điểm chấm trước từ 1 điểm trở lên đối với môn Ngữ văn và từ 0,5 điểm trở lên đối với các môn khác, thì điểm phúc khảo là điểm mới của bài thi.
Nếu chênh lệch 2 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại giữa cặp chấm của Hội đồng chấm thi và phúc khảo để thống nhất.
Thời hạn phúc khảo bài thi do giám đốc Sở GD-ĐT quyết định, chậm nhất 10 ngày kể từ ngày niêm yết kết quả của kỳ thi. Thời gian làm việc của Hội đồng phúc khảo không kéo dài quá 10 ngày.
Kết quả phúc khảo được niêm yết công khai ngay sau khi hội đồng hoàn tất công việc.
(Theo Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.