Lo lắng vì nhiều trẻ phản ứng sau tiêm
Những ngày qua, trên mạng xã hội đã có nhiều chia sẻ lo lắng về trẻ phản ứng sốt cao, khó thở sau tiêm vaccine ComBE Five. Thông tin lan truyền khiến nhiều phụ huynh khác hoang mang không biết có nên cho con đi tiêm ComBE Five hay không? Chị Nguyễn Thị Hòa (Hoài Ân, Bình Định) cho biết, con chị mới hơn sinh hơn 1 tháng và dự định đưa con đi tiêm ComBE Five miễn phí tại trạm y tế xã. Nhưng chị thấy nhiều thông tin về trẻ phản ứng nặng sau tiêm ComBE Five nên chị khá lo lắng.
“Nghe nói vaccine 5 trong 1 dịch vụ giá gần 1 triệu một mũi, mà tiêm phải đủ 3 mũi. Vợ chồng mình chỉ làm ruộng, 3-4 triệu là cả khoản tiền lớn. Nhưng mà tiêm chủng mở rộng lại sợ con bị phản ứng nặng nên hoang mang quá” – chị Hòa nói.
Tiêm chủng cho trẻ em tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Ảnh: D.L
Trước đó, ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, trong đợt tiêm chủng vaccine ComBE Five cho trẻ toàn tỉnh này vào các ngày 25, 26 và 27.12 vừa qua, có gần 30 trẻ phải nhập viện do phản ứng sau tiêm chủng. “Hầu hết, các trường hợp vào viện với tình trạng sốt cao, có 5 trường hợp nặng với biểu hiện tím tái, khó thở. Tất cả các trường hợp vào viện, hiện sức khỏe đã ổn định và đều xuất viện” - ông Hùng nói.
Tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm các vaccine chứa thành phần ho gà toàn tế bào (vaccine Quinvaxem, ComBE Five):
Sốt từ 38-39 độ C: 44,5%
Phản ứng: 38,5%
Nóng đỏ tại chỗ tiêm: 56,3%
Đau: 25,6%
Quấy khóc kéo dài: 3,5%
|
Đây là đợt thứ 2 ngành y tế Bình Định tiến hành tiêm chủng loại vaccine này cho trẻ trong toàn tỉnh. Theo đó, đợt đầu tiên vào tháng 10.2018, đã tiêm chủng cho hơn 970 trẻ, sau đó có khoảng 60 trẻ bị sốt (trong đó có 3 trường hợp phản ứng rất nặng). Tuy nhiên, do theo dõi chặt chẽ, được điều trị kịp thời nên các trẻ đều đã khỏe mạnh.
Trong khi đó, theo báo cáo của Trung tâm y tế huyện Ứng Hòa (Hà Nội), tính đến ngày 2.1, 29/29 xã, thị trấn tổ chức tiêm chủng thường xuyên theo tuần. Tổng số trẻ được tiêm vaccine ComBE Five là 497 trẻ. Các bà mẹ đều được các bác sĩ tư vấn, trước, trong và sau tiêm. Sau tiêm, trẻ được giữ lại trạm y tế 30 phút để theo dõi phản ứng và không có trẻ nào biểu hiện bất thường tại trạm.
Sau vài ngày tiêm cũng đã có 21 trẻ gặp các phản ứng sốt, với tỷ lệ là 4,22%, trong đó có 10 trường hợp nặng đã được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Vân Đình.
Tỷ lệ phản ứng “cho phép”
Trước các lo lắng về trẻ bị phản ứng sốt cao, co giật sau tiêm ComBE Fie và đặt vấn đề dừng tiêm vaccine này, GS-TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tỷ lệ phản ứng sau tiêm vaccine ComBE Five vẫn nằm trong giới hạn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo.
Từ tháng 10.2016, nhà sản xuất thông báo ngừng sản xuất vaccine phối hợp 5 trong 1 Quinvaxem trên quy mô toàn cầu. Được sự khuyến cáo của WHO và Liên minh tiêm chủng vaccine toàn cầu (GAVI), Bộ Y tế đã có quyết định về việc sử dụng vaccine ComBE Five do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất có thành phần tương tự để thay thế vaccine Quinvaxem. Vaccine ComBE Five phối hợp 5 trong 1 phòng các bệnh tương tự như vaccine Quinvaxem, đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO và đã được sử dụng ở 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều.
|
Cụ thể, trong tháng 10 và 11.2018, Bộ Y tế đã triển khai tiêm ComBE Five tại 7 tỉnh: Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đã có 17.356 trẻ được tiêm chủng vaccine này, với phản ứng thông thường sau tiêm chủng là 5,5%.
Từ tháng 12.2019, tiếp tục có thêm 12 tỉnh, thành phố triển khai tiêm ComBE Five. Đến ngày 6.1.2019, vaccine này đã được triển khai được 19 tỉnh trên phạm vi toàn quốc với 101.862 trẻ được tiêm. Theo báo cáo của các địa phương thì tỷ lệ trẻ phản ứng sau tiêm ComBE Five là 1,73%. Ngoài ra, cũng ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài với tỷ lệ khoảng 0,05%. Các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Trong khi đó, theo khuyến cáo của WHO, tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm các vaccine chứa thành phần ho gà toàn tế bào (vaccine Quinvaxem, ComBE Five) là: Sốt từ 38-39 độ C chiếm tới 44,5%, phản ứng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%. Các phản ứng nặng có thể gặp như co giật, giảm trương lực cơ, sốc phản vệ (20 trường hợp trên 1 triệu liều vaccine sử dụng).
Về 2 trường hợp trẻ tử vong sau tiêm vaccine ComBE Five ở Nam Định vào ngày 25.12.2018 (một cháu tử vong ngày 26.12 sau tiêm 1 ngày, 1 cháu tử vong ngày 27.12), GS Đặng Đức Anh cho biết, đây là 2 trẻ tử vong có triệu chứng xuất hiện 36 giờ sau tiêm. Hội đồng chuyên môn họp và xác định cháu bé tử vong không liên quan đến thực hành tiêm chủng, không sốc phản vệ. “Nguyên nhân tử vong vẫn còn đang xem xét” – ông Đức Anh nói.
Khi được hỏi so sánh tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng giữa vaccine ComBE Five và Quinvaxem, ông Đức Anh cho biết, Quinvaxem được tiêm từ năm 2010 – 2018 đến nay với số lượng sử dụng lớn tới hơn 30 triệu liều cho hơn 10 triệu trẻ. Trong khi đó, vaccine ComBE Five mới sử dụng từ tháng 11.2018 đến nay với khoảng 100.000 liều nên không so sánh được chính xác. “Tuy nhiên, sơ bộ tỷ lệ phản ứng sau tiêm thường gặp của vaccine ComBE Five nằm trong giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới” - GS Đức Anh nói.
Do vậy, GS Đức Anh khẳng định không có việc dừng tiêm vaccine ComBE Five. Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo các tỉnh thành tiêm vaccine này theo đúng kế hoạch trên phạm vi toàn quốc. Dự kiến cuối tháng 1.2019, cả 63 tỉnh thành sẽ tổ chức tiêm vaccine ComBE Five.
GS Đức Anh chia sẻ thêm, không chỉ riêng việc tiêm ComBE Five mà với tất cả các loại vaccine, đều có lớp tập huấn và cán bộ tham gia tiêm chủng đều phải có chứng chỉ. Những cơ sở tiêm dịch vụ cũng được tập huấn giống như tập huấn với trạm y tế xã, phường. Ngoài ra, tất cả vaccine nhập khẩu về Việt Nam nói chung và ComBE Five nói riêng đều được chuyển về theo lô, được kiểm định riêng biệt không phải kiểm định một lần. Các vaccine đưa vào tiêm đều đạt tiêu chuẩn an toàn qua kiểm định, được cấp giấy phép lưu hành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.