Nhìn lại hơn 1 tháng xét xử đại án gần 200 triệu lít xăng lậu với 74 bị cáo hầu tòa

Nha Mẫn Thứ tư, ngày 07/12/2022 11:34 AM (GMT+7)
Trước tòa, đa số các bị cáo đều tỏ ra ân hận vì hành vi của mình đã kéo theo nhiều người khác liên lụy. Chỉ vì lòng tham, cha con, tình nhân cùng vướng vào “tù tội”, cựu lãnh đạo chống buôn lậu tự đưa mình vướng vào lao lý, mất hết 40 năm cống hiến...
Bình luận 0

Đại án xăng lậu: Thu lợi khủng từ buôn xăng lậu

Đại án gần 200 triệu lít xăng lậu được TAND tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử từ ngày 25/10 và đến nay sau hơn 1 tháng phiên xử đã vào phần tuyên án. Như vậy, đại án sẽ kết thúc sau khoảng trên 40 ngày xét xử với nhiều điều còn hối tiếc của các ông trùm và nguyên “sếp đội 3”.

Nhìn lại hơn 1 tháng xét xử đại án gần 200 triệu lít xăng lậu với 74 bị cáo hầu tòa - Ảnh 1.

"Ông trùm" Phan Thanh Hữu tại phiên tòa xét xử đại án xăng lậu. Ảnh: Tuệ Mẫn

Đây được xem là một vụ án rất lớn tại Đồng Nai từ trước đến nay với số bị cáo lên đến 74 người. Ngoài ra, còn có 53 cá nhân, tổ chức là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đặc biệt, có 81 luật sư tham gia bào chữa và 43 người làm chứng.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đồng Nai, thông qua các mối quan hệ, Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH Phan Lê Hoàng Anh) biết được Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụ TP.HCM) đang điều hành hoạt động Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng (TP.Hải Phòng). Công ty này chuyên mua bán và vận chuyển xăng dầu và có quan hệ với một số cán bộ nên Hữu đã liên hệ với Viễn để bàn bạc, thỏa thuận góp vốn thực hiện hành vi buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ. 

Nhìn lại hơn 1 tháng xét xử đại án gần 200 triệu lít xăng lậu với 74 bị cáo hầu tòa - Ảnh 2.

"Ông trùm" Đào Ngọc Viễn. Ảnh: Tuệ Mẫn

Viễn có trách nhiệm sử dụng tàu vận chuyển xăng từ Singapore về Việt Nam. Sau đó, Hữu sẽ điều động tàu khác vận chuyển số xăng này đến khu vực nhà nuôi yến của Nguyễn Hữu Tứ (trên sông Hậu thuộc thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) để bán cho Tứ và Trần Thị Thanh Vân (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vân Trúc, tỉnh Bình Dương). 

Với số xăng dầu này, Tứ đã cung cấp cho 7 đầu mối khác nhau tại nhiều tỉnh, thành: An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long…  Từ 7 đầu mối này, xăng dầu lậu tiếp tục được phân phối cho các cơ sở bán lẻ xăng dầu khác ở nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai.

Nhìn lại hơn 1 tháng xét xử đại án gần 200 triệu lít xăng lậu với 74 bị cáo hầu tòa - Ảnh 3.

Huy động nhiều lực lượng hỗ trợ phiên xét xử. Ảnh: Tuệ Mẫn

Tính từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Hữu và Viễn cùng các đối tượng đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.900 tỷ đồng và đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, Viễn thu lợi hơn 46,7 tỷ đồng, Hữu hơn 156,2 tỷ đồng; Tứ thu lợi gần 83 tỷ đồng; Vân thu lợi bất chính gần 18 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng đã tạm giữ, kê biên hơn 2,5 ngàn lít xăng, 17 tàu thủy, 22 xe bồn, 3 xe ô tô, 65 điện thoại di động, hàng chục nhà ở đất ở; tạm giữ số tiền hơn 221 tỷ đồng. 

Riêng Ngô Văn Thụy là Đội trưởng Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) bị truy tố tội “Nhận hối lộ” với số tiền hơn 830 triệu đồng.

Nhìn lại hơn 1 tháng xét xử đại án gần 200 triệu lít xăng lậu với 74 bị cáo hầu tòa - Ảnh 4.

Phan Thanh Hữu ân hận vì đưa con trai cùng vướng vào vòng lao lý. Ảnh: Tuệ Mẫn

Trong vụ án này, trước tòa "ông trùm" Phan Thanh Hữu luôn trăn trở nhất về việc đã kéo con trai là bị cáo Phan Lê Hoàng Anh cùng vướng vào vòng lao lý. 

Quá trình buôn lậu xăng, Hữu đã nhiều lần nhờ con trai chuyển khoản, nhận tiền giao dịch xăng lậu từ các chân rết trong đường dây. Khi nói về lời khai của mình, Hữu cũng khẳng định bị cán bộ điều tra “mớm”, khai theo với mục đích để con trai được tại ngoại. Tuy nhiên đến ngày đưa ra xét xử, con trai của Hữu vẫn bị tạm giam, không được tại ngoại như mong muốn.

Dắt díu nhau vướng vào lao lý vì buôn xăng lậu

Hữu khẳng định chỉ tiêu thụ khoảng 127 triệu lít xăng lậu tại Việt Nam, số còn lại tiêu thụ ở Campuchia và bị cáo thu lợi khoảng 63 tỷ đồng chứ không phải 156 tỷ, do phải chi trả nhiều loại phí trong đó có phí lót tay cho các cán bộ hải quan, bô đội biên phòng. 

Nhìn lại hơn 1 tháng xét xử đại án gần 200 triệu lít xăng lậu với 74 bị cáo hầu tòa - Ảnh 5.

Hiện nay phiên xét xử đại án xăng lậu đã đến phần tuyên án. Ảnh: Tuệ Mẫn

Khi được nói lời nói sau cùng, dù ốm yếu, bệnh tật nhưng Hữu lại lau nước mắt không xin gì cho bản thân, chỉ cúi xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho con trai, để con trai sớm được về nhà, chăm sóc cho mẹ già bị bệnh tật (tức là vợ của Hữu, bị mù). 

Tương tự, Đào Ngọc Viễn lại khai rằng khi nghe tin anh em bị bắt, Viễn đã tự đến cơ quan công an để đầu thú. Viễn còn gọi điện cho các anh em khác đang ở trên tàu về bờ, động viên anh em ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật. 

Viễn khai rằng bản thân đồng ý với hành vi trong cáo trạng nêu. Tuy nhiên số tiền thu lợi bất chính từ buôn lậu xăng thì Viễn khẳng định chỉ thu lợi khoảng 36 tỷ đồng, không phải 46 tỷ như cáo trạng nêu. Bởi tiền chiết khấu thực chất chỉ 1.500 đồng/lít chứ không phải 2.000 đồng/lít vì Viễn cũng phải chi “tiền này tiền kia”.

Nhìn lại hơn 1 tháng xét xử đại án gần 200 triệu lít xăng lậu với 74 bị cáo hầu tòa - Ảnh 6.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tứ. Ảnh: Tuệ Mẫn

Còn bị cáo Nguyễn Hữu Tứ khai nhận sau khi nhập xăng lậu về chủ yếu bán lại cho bị cáo Lê Thanh Trung (Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam) với mức chiết khấu 2.700 - 3.300 đồng/lít. 

“Bị cáo mua xăng của bị cáo Hữu và bán cho Trung là đúng, nhưng không tham gia bàn bạc, không có tổ chức thực hiện mà chỉ tự phát mua bán”, bị cáo Tứ trình bày. 

Nhìn lại hơn 1 tháng xét xử đại án gần 200 triệu lít xăng lậu với 74 bị cáo hầu tòa - Ảnh 7.

Bị cáo Thanh, tình nhân của Tứ. Ảnh: Tuệ Mẫn

Tứ cũng khai việc cho người tình là bị cáo Trần Ngọc Thanh mỗi tháng 2 tỷ (tổng 12 tỷ) là để trả ơn Thanh vì Thanh thường cho Tứ mượn tiền để thanh toán giúp tiền mua bán xăng cho các ông trùm.

Viễn cũng nói rằng giờ không mong gì khác, chỉ mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Thanh vì Thanh không được hưởng lợi, không được Tứ chia chác trong quá trình buôn lậu. Thanh chỉ là giúp Tứ, hỗ trợ Tứ khi Tứ khó khăn.

Nhìn lại hơn 1 tháng xét xử đại án gần 200 triệu lít xăng lậu với 74 bị cáo hầu tòa - Ảnh 8.

Bị cáo Ngô Văn Thụy. Ảnh: Tuệ Mẫn

Về phần Thanh, được xác định đã 92 lần chuyển tổng số tiền 377 tỷ đồng cho cha con ông trùm Phan Thanh Hữu, trước tòa Thanh khai chỉ cho Tứ mượn tiền rồi chuyển khoản giúp Tứ, không liên quan, không hưởng lợi từ việc buôn xăng lậu của Tứ. 

Trước lời khai của Tứ là cả hai sống chung như vợ chồng thì bị cáo Thanh lại phủ nhận, chỉ thừa nhận “là bạn bè, mối quan hệ hơi thân một xíu”.

Riêng Ngô Văn Thụy trước HĐXX liên tục nói rằng bản thân không biết các bị cáo khác để lại tiền tại nhà, khi biết đã không báo cáo cho tổ chức mà sử dụng vào việc riêng. Bị cáo nghĩ rằng việc đó có thể xử lý được nên định chờ ra Tết xử lý, cho anh em tìm hiểu rồi đưa lại tiền cho các bị cáo nhưng không ngờ mọi việc lại đi quá xa. 

Khi được nói lời nói sau cùng, Thụy đã nói: "Bị cáo xin lỗi lãnh đạo Tổng cục Hải quan và anh em đồng nghiệp vì hành vi của mình làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Từ giờ đến cuối đời bị cáo không có thời gian để khắc phục, mong HĐXX cho mức án nhẹ nhất có thế để sớm về với gia đình. Bản thân đánh mất hết tất cả là bài học rất đau xót của bị cáo…”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem