Theo dự kiến, ngày mai (8.1), TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy” xảy ra tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông.
Yêu cầu xử nghiêm chủ cơ sở kinh doanh
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Văn Hưởng - nguyên Bí thư Quận ủy Dương Kinh (TP.Hải Phòng) - bố đẻ của nạn nhân Vũ Thị Hương (SN 1983, chức danh khi xảy ra vụ việc là Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Hải Phòng) cho biết, gia đình rất đau đớn khi sự việc xảy ra và bức xúc trước thái độ của chủ cơ sở kinh doanh quán karaoke 68 Trần Thái Tông.
“Điều mà gia đình thực sự bức xúc đó là sự cố xảy ra suốt từ năm 2016 đến nay nhưng gia đình chưa hề nhận được một lời thăm hỏi, động viên hay chia sẻ gì từ phía chủ cơ sở hay người thân liên quan cơ sở kinh doanh karaoke tại phố Trần Thái Tông, Hà Nội. Gia đình mất đi người con đã là một sự thiệt thòi lớn, nhưng cách xử sự của cơ sở kinh doanh nêu trên thực sự không có lương tâm và thiếu tình người” - ông Hưởng nói.
Bố đẻ nạn nhân Hương cho biết, gia đình cũng đã đề xuất lên cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình trong tình cảnh con nhỏ, bố mẹ già yếu.
Đồng thời, ông cũng mong phiên tòa xử vụ cháy quán karaoke nêu trên thật công minh nhằm xử lý nghiêm chủ cơ sở bởi họ đã kinh doanh ngành nghề khi chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật dẫn đến hậu quả khôn lường.
Giây phút kinh hoàng
13h30 chiều 1.11.2016, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu vực số nhà 39-45 đường Trần Thái Tông (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) khiến cả một vùng trời quanh con đường này mù mịt khói và lửa.
Ngọn lửa bắt nguồn từ việc ngôi nhà số 68 do Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, Hà Đông, TP.Hà Nội) thuê để mở quán karaoke tiến hành sửa chữa.
Ngọn lửa bùng lên nhanh chóng nuốt gọn nhiều ngôi nhà khiến việc cứu hỏa diễn ra cực kỳ khó khăn. (Ảnh: Zing.vn)
Ngôi nhà có 9 tầng, 1 tum này được Linh thuê thợ đến để nâng cấp quán. Vào sáng cùng ngày, Trương Văn Tuyên – một người trong nhóm thợ thi công phần vách, tường cách âm – đã tự tìm Lê Thị Thì (SN 1962, Cầu Giấy, TP.Hà Nội) để thỏa thuận làm khung sắt tại khu vực trần, nhằm lấy điểm ốp gỗ.
Tới đầu giờ chiều 1.11.2016, Thì dẫn Hoàng Văn Tuấn (SN 1993) và một nhân viên khác tên Viện mang theo máy hàn điện, máy cắt sắt đến quán thực hiện việc hàn cắt, trong khi cả Tuấn và Viện đều không được đào tạo, cấp chứng chỉ về hàn điện.
Mặc dù quán đang sửa chữa, chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, chưa được cấp giấy phép kinh doanh, nhưng Linh vẫn chỉ đạo nhân viên quản lý quán cho 2 nhóm khách vào hát.
Lê Thị Thì chỉ đạo Hoàng Văn Tuấn dùng máy hàn, máy cắt điện thổi lửa vào bản lề cửa ra vào tầng 2 để cắt bản lề. Trong khi thực hiện không có dụng cụ che chắn, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy nên lửa bén vào vách phòng gây cháy.
Lực lượng cảnh sát PCCC đã rất vất vả trước độ phức tạp của đám cháy.
Ngọn lửa bất ngờ bùng lên khiến cả khu vực náo loạn. 20 phút sau, 3 chiếc xe cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) xuất hiện khẩn trương cứu hỏa. Phía bên ngoài người dân đành bất lực trước ngọn lửa lớn nuốt trọn mặt tiền của ngôi nhà 68 và các nhà liền kề.
Cảnh sát PCCC đeo mặt nạ phòng độc, dùng xe thang tiếp cận các tầng cao để tìm kiếm một số nạn nhân được cho là mắc kẹt trong nhà. Một số khách thoát ra ngoài cho biết bạn mình có thể kẹt trong nhà vệ sinh của quán nhưng cảnh sát vẫn chưa tìm thấy. Bên trong quán karaoke, lúc này là 14h lửa lúc này vẫn cháy ngùn ngụt.
Lực lượng cứu hỏa tiếp tục tăng cường thêm xe và nước để giải cứu tới hiện trường. Tiếng còi hú liên tục vang lên. Các xe cứu thương cũng được điều tới ứng trực. Khoảng 30 cảnh sát cứu hỏa đang tăng cường phía sau nhà để đập cửa sổ, phun vòi rồng và bắc thang tìm kiếm người bên trong.
Sau hơn 5 giờ, đám cháy cơ bản được khống chế. (Ảnh: Zing.vn)
Phía bên ngoài, 4 căn nhà liền kề bị cháy rụi toàn bộ, chỉ còn trơ lại khung sắt và những mảng tường loang lổ bám đầy muội đen. Hàng loạt xe máy dựng trước cửa các căn nhà bị hỏa hoạn cũng bị thiêu rụi. Cách hiện trường khoảng 200m một chiếc ôtô 5 chỗ cũng đang bốc cháy.
Sau các nỗ lực của lực lượng chức năng, khoảng hơn 5 giờ, đám cháy mới được dập tắt. Đến 23h đêm cùng ngày, các lực lượng chức năng tiếp tục di chuyển các nạn nhân xấu số về nhà tang lễ Cầu Giấy, thực hiện các thủ tục cần thiết để xác định danh tính.
Các xe cấp cứu hoạt động hết công suất để ứng cứu cho những nạn nhân vụ cháy.
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an), cho biết có 13 nạn nhân tử vong.
Người gây tội sắp lĩnh án
Theo kết luận điều tra, căn nhà số 68 Trần Thái Tông kết cấu 9 tầng, 1 tum do ông Trần Văn Lương (SN 1958, trú quận Cầu Giấy) là chủ sở hữu. Nguyễn Diệu Linh ký hợp đồng thuê lại căn nhà này 10 năm (từ ngày 1.7.2016 đến 1.7.2026) với giá hơn 155 triệu đồng/tháng, để làm trụ sở kinh doanh và dịch vụ karaoke. Sau khi thuê nhà, Linh làm thủ tục với UBND quận Cầu Giấy xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh karaoke.
Ngày 13.10.2016, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế PCCC, Linh thuê Công ty CP Đầu tư Thiện An Phú để thiết kế và thi công hạng mục PCCC với giá 340 triệu đồng.
Ngày 31.10.2016, công trình hoàn thiện 90% tiến độ nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, Linh đã nhờ Nguyễn Hữu Long (SN 1980, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thuê Phạm Văn Thiên (SN 1980, quê tỉnh Thái Bình) làm phần cách âm tại các phòng hát ở tầng 2, 7 và 8 với giá 3 triệu đồng/m2.
Thiên thuê tiếp nhóm thợ của Trương Văn Tuyên và Chu Văn Hoàng (cùng quê tỉnh Thái Bình) thi công với giá 500.000 đồng/m2. Do phải hàn các khung sắt tạo thành giá đỡ khoan ốc để ốp gỗ lên nhưng bị vướng cửa, ngày 1.11.2016 Tuyên tự thuê Lê Thị Thì với giá 500.000 đồng.
Đến trưa 1.11.2016, mặc dù chưa được nghiệm thu về PCCC và cấp giấy phép kinh doanh karaoke nhưng Linh vẫn chỉ đạo Hoàng Ngọc Kỳ, quản lý quán hát, cho khách vào phòng 601, 502 để thu lợi.
Mặc dù quán đang sửa chữa nhưng quản lý vẫn cho 2 nhóm khách vào hát gây ra thương vong.
Khoảng 13h30 cùng ngày, Lê Thị Thì dẫn Hoàng Văn Tuấn và Phạm Quốc Viện (đều quê tỉnh Nghệ An) đến quán, thực hiện công việc hàn cắt như đã thỏa thuận với Tuyên (cả Viện và Tuấn đều không được đào tạo, cấp chứng chỉ về nghề hàn điện).
Thì chỉ đạo Tuấn dùng máy hàn, cắt điện thổi lửa vào bản lề cửa ra vào tầng 2 để cắt nhưng không có dụng cụ che chắn, bảo đảm an toàn PCCC nên lửa bén vào vách phòng gây cháy.
Kết quả trưng cầu Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an giám định kết luận điểm xuất phát cháy ở khu vực góc Tây Nam cửa ra vào, bên trong phòng phía ngoài cửa tầng 2 quán karaoke đã làm bắn các vẩy hàn có nhiệt độ cao vào phần cách âm gắn trên tường gây ra cháy, sau đó cháy lan sang các khu vực khác.
Cơ quan CSĐT TP.Hà Nội đã trưng cầu Hội đồng Định giá trong tố tụng để thực hiện việc xác định tài sản thiệt hại, đề nghị các chủ nhà số 66, 68, 70, 72, 74 cung cấp các hồ sơ giấy phép xây dựng, bản thiết kế quyết toán để hội đồng định giá nhưng các chủ hộ gia đình nêu trên từ chối định giá. Riêng hồ sơ nhà 66 và 74 Trần Thái Tông không đủ cơ sở để hội đồng xem xét.
Cơ quan chức năng xác định có 13 người tử vong trong vụ cháy. (Ảnh: Zing.vn)
Trị giá tài sản chỉ định giá được 10 xe máy, 1 xe đạp điện, tổng giá trị gần 140 triệu đồng. Đối với 12 gia đình nạn nhân, Nguyễn Diệu Linh đã tự nguyện khắc phục cho mỗi gia đình 10 triệu đồng; bồi thường 2,5 tỷ đồng cho chủ nhà hàng Ginza về thiệt hại trang thiết bị.
Theo quy kết của Viện KSND TP.Hà Nội, Nguyễn Diệu Linh đã tự ý thay đổi, không làm đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy theo bản thiết kế đã thẩm duyệt; không kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công. Hành vi của Nguyễn Diệu Linh đã vi phạm Điều 17 Nghị định số 46 ngày 22.5.2012 của Chính phủ, vi phạm Thông tư 47/2015 ngày 6.10.2015 của Bộ Công an và Nghị định 79/2014 ngày 31.7.2014 của Chính phủ xác định quán karaoke thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ.
Trong khi việc sửa chữa, lắp đặt quán karaoke vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa được nghiệm thu, chiều 1.11.2016, Nguyễn Diệu Linh vẫn chỉ đạo nhân viên quản lý cho 2 tốp khách vào hát. Hành vi này đã vi phạm khoản 6 Điều 13, khoản 1 Điều 16 Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2013: đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy nổ khi chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC.
Hoàng Văn Tuấn là thợ hàn không có chứng chỉ về công việc hàn điện, chưa được huấn luyện về an toàn lao động, chưa được cấp thẻ an toàn, không có biện pháp phòng chống cháy, dùng máy hàn thổi lửa trực tiếp vào bản lề cửa mục đích dùng nhiệt cắt bản lề ra dẫn đến lửa bén vào vách phòng và gây cháy.
Hành vi của Tuấn đã vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy, vi phạm mục 2.1.4 và 3.4.2.1 Quy chuẩn Việt Nam 3:2011/BLĐTBXH, vi phạm khoản 8 Điều 13 Luật PCCC.
Các thợ được thuê để sửa chữa nâng cấp quán karaoke đều không có bằng cấp hay được đào tạo chuyên môn, do đó đã gây ra vụ hỏa hoạn với hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Lê Thị Thì là chủ sử dụng lao động Hoàng Văn Tuấn, sử dụng lao động khi không có chứng chỉ hành nghề, không tuân theo các quy định an toàn phòng chống cháy nổ, biết rõ công việc hàn có thể dẫn đến cháy nổ, không có biện pháp phòng chống cháy nhưng vẫn đồng ý để Tuấn dùng máy hàn để nung, cắt bản lề cửa, dẫn đến cháy. Hành vi này của Lê Thị Thì đã vi phạm mục 2.1.4 và 2.2.17 Quy chuẩn Việt Nam 3:2011/BLĐTBXH, vi phạm khoản 8 Điều 13 Luật PCCC.
Với các hành vi trên, 3 bị cáo bị truy tố về tội danh “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo quy định tại khoản 3 Điều 240 Bộ luật Hình sự. Với tội danh bị truy tố, 3 bị can đối diện với khung hình phạt từ 7 đến 12 năm tù giam.
Danh sách 13 nạn nhân tử nạn trong vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông:
1. Trần Quốc Khánh (SN 1993, số 10, ngõ 40, Cổ Nhuế 2, Hà Nội)
2. Lê Hồng Chung (SN 1982, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Bảng, Hà Nam)
3. Hoàng Văn Dương (SN 1980, Phó phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng)
4. Phạm Minh Hiển (SN 1979, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn)
5. Trần Duy Hiền (SN 1980, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Ý Yên, Nam Định)
6. Nguyễn Xuân Định (SN 1981, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Lương Sơn, Hòa Bình)
7. Nguyễn Thị Huyền (SN 1981, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Bình, Thái Nguyên)
8. Nguyễn Duy Hưng (SN 1982, Phó phòng Nước, Biển và Hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An)
9. Vũ Thị Hương (SN 1983, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Hải Phòng)
10. Hoàng Xuân Lâm (SN 1986, Bắc Ninh)
11. Lưu Đình Minh (SN 1984, Giám đốc Điện lực Văn Giang, Hưng Yên)
12. Huỳnh Trung Nam (SN 1984, Phòng Kinh tế, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam)
13. Trần Xuân Toản (SN 1982, Phó Trưởng BQL Dự án 1, Công ty Đầu tư XD số 2 Hà Nội, Tổng công ty Phát triển nhà Hà Nội)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.