Cơn mưa, cơn gió đầy đồng
Ngoài lễ hội trang trọng có tính chất “Nhà nước” là Lễ Tịch điền xuất phát từ tập tục tín ngưỡng “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” thời Văn Lang thì người nông dân Việt Nam rất tôn sùng các lễ hội cầu mưa cho đồng ruộng.
Bởi vì các cụ đã nói: “Tháng 4 mồng 8 không mưa/Bỏ cả cày bừa mà lấp lúa đi”, hay “Mồng 9 tháng 9 không mưa/Thì con bán cả cày bừa mà ăn” để nói về sự khát mưa của những cánh đồng trước khi vào 2 vụ lúa chiêm, lúa mùa trong năm.
|
Lễ Tịch điền Đọi Tam, Hà Nam. |
Trong tâm thức người Việt, mưa không chỉ đem tới nước đầy ắp cho cánh đồng, mà còn biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở, cho sự mát nhuần trong quan hệ lứa đôi, láng giềng làng xóm. Thế nên để nói về quan hệ vợ chồng, quan hệ trước, sau, trên, dưới, người Việt mới dùng hình ảnh bóng bẩy: “Một trận mây mưa” hay là “ơn mưa móc”.
Lễ cầu mưa cho ruộng đồng được tìm thấy ở phong tục khắp nơi, từ vùng núi cao đến đồng bằng, từ trung du tới những rẻo đất bồi ven biển, đâu đâu cũng có lễ hội cầu mưa.
Tục cầu mưa xuất phát từ tục thờ Tứ Pháp của người Việt với 4 vị nữ thần Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Vũ và Pháp Điện. Đề cao sự quan trọng của tục cầu mưa trong nông nghiệp, ông bà ta đã “đánh tráo khái niệm” một cách tài tình khi lấy ngày 8 tháng Tư là ngày Phật đản trong quan niệm của nhà Phật để làm ngày sinh của Phật Tứ Pháp.
“Dân dĩ thực vi thiên” (dân coi chuyện ăn uống như Trời) nên người nông dân hơn ai hết rất tôn kính hạt gạo - ngọc thực trời ban.
Trong lễ hội chùa Pháp Vân ở Bắc Ninh bao giờ cũng có một đoàn rước vừa đi vừa hát vui vẻ: “Hai bà xuống chơi Chùa Vân/Cơn mưa cơn gió xoay vần/Để cho thiên hạ dễ làm ăn... Ba bà ngự ba ngai rồng/Cơn mưa cơn gió đầy đồng/Để cho thiên hạ dễ làm ăn/Ta cùng vui vẻ già ơi già...”.
Ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, trước khi mở đầu một mùa vụ hay một năm sản xuất, nông dân cũng thường làm lễ khai canh động thổ. Giữa sân đình rộng là những thửa ruộng được đắp be bờ bằng bùn, người nam đóng thợ cày dắt trâu (cũng do người đóng), các chị thợ cấy ăn mặc đẹp chít khăn mỏ quạ diễn tích cấy cày. Bác thợ cày dong trâu đi cày, va chạm vào vai, vào lưng các chị thợ cấy một cách cố ý như muốn hướng tới sự sinh sôi, “mắn đẻ” cho cây lúa trên đồng.
Tôn kính hạt gạo
Trong văn hóa người Kinh ở đồng bằng, tín ngưỡng cầu lúa biểu hiện trong rất nhiều lễ: Lễ thờ lúa, lễ rước mạ, lễ gọi gạo, lễ chăm bón, lễ gọi hồn lúa, cúng cơm mới, thi thổi cơm, thi làm bánh...
Người Việt có một câu chuyện cổ tích về hạt gạo, vào những ngày đầu tiên sinh ra loài người, người ta không phải làm lụng vất vả mà chỉ đợi chờ hạt gạo được Ông Trời ban tặng. Khi trời hừng sáng, những hạt gạo ngọc ngà bắt đầu buông mình rời bỏ trời cao rồi tự động lăn vào cửa của từng gia đình với một điều kiện là vào mỗi sáng sớm, người ta phải quét dọn nhà cửa để đón nhận hạt gạo. Nhưng do một lần có nhà nọ để nhà cửa bẩn thỉu, và bắt đầu từ đó, Ông Trời không gửi gạo ngọc xuống trần thế nữa. Bởi thế, con người phải làm lụng vất vả mới có hạt gạo trắng tinh thơm nồng.
Lễ hội cơm mới có trong văn hóa của hầu như tất cả các dân tộc. Sự khéo léo, tinh tế trong bàn tay của người phụ nữ, sự nhanh nhẹn, khỏe mạnh trong bước chân những chàng trai tham gia hội thi thổi cơm thi là một minh chứng rõ ràng nhất cho sự hài hòa của âm dương trời đất.
Ngoài ra, tục thờ mang đậm ý nghĩa tín ngưỡng nông nghiệp như thờ thần lúa, cây lúa có bông, hoặc buộc một ít xôi vào bó lúa có người gánh chạy vòng quanh sân. Ở Thanh Đình (TP. Việt Trì) trong lễ rước, người đóng vai ông Khiu, bà Khiu được ngồi trên kiệu với những bó lúa xung quanh, sau khi rước xong, ông Khiu tung ngũ cốc xuống cho dân tranh nhau nhặt cầu may.
Bao tháng năm qua đi, từ thủa người Việt cổ bắt đầu biết “bới đất lật cỏ” tìm kế sinh nhai trên đất phù sa, những lễ hội tôn vinh nhịp mùa cày cấy theo nhau đi suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Và con cháu đời đời sau này không được phép lãng quên.
Nhà nghiên cứu Đức Thịnh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.