40 năm báo NTNN: Nhớ mãi ngày đầu tác nghiệp về trận lũ quét lịch sử ở Tây Bắc

Thiên Long Thứ sáu, ngày 29/03/2024 13:30 PM (GMT+7)
Người khóc không thành tiếng, người thẫn thờ như mất hồn, mắt đăm đắm nhìn xa xăm bên dòng suối đục ngầu nước lũ, trông chờ phép màu đưa người thân quay lại với gia đình… là những ký ức ám ảnh tôi mãi trong chuyến tác nghiệp sau cơn lũ quét lịch sử ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La tháng 8/2017.
Bình luận 0

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế nông nghiệp Trường Đại học Lâm Nghiệp Hà Nội, tôi cầm tấm bằng cử nhân gõ cửa khắp nơi nhưng không có chỉ tiêu nên chán nản. 

Thấy vậy, năm 2017, bố đưa tôi xuống thành phố Sơn La gặp bạn bố là bác Kiều Thiện (Nhà báo Kiều Văn Thiện, Trưởng Văn phòng Đại diện Tây Bắc/Báo Nông Thôn Ngày Nay-NV) để học viết báo.

Vừa nhìn gương mặt non choẹt cũng như tận thấy tính rụt rè của tôi, bác Kiều Thiện thẳng thắng "cảnh báo" với bố: "Nghề báo vất vả lắm, không sướng như chú nghĩ đâu! Con chú chắc ở vài tuần rồi chạy khỏi văn phòng thôi. Nhìn mặt nó anh biết ngay". 

Cuối cùng, vì tình bạn lâu năm với bố nên bác Thiện vẫn nhận tôi ở lại học việc.

40 năm báo NTNN: Nhớ mãi ngày đầu tác nghiệp về trận lũ quét lịch sử ở Tây Bắc- Ảnh 1.

Tác giả tác nghiệp mưa lũ tại xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu vào cuối tháng 6 năm 2018. Ảnh: P.V

Những ngày đầu ở Văn phòng Tây Bắc, tôi chỉ học công thức 5W 1H và đọc báo. Thú thật, tôi chẳng thấy hứng thú với nghề báo chút nào. Đang tập tành viết bản tin còn chưa xong thì rạng sáng ngày 3/8/2017, cơn lũ quét lịch sử bất ngờ ập đến khiến hơn 10 người chết tại xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Lúc đó tôi là cộng tác viên trẻ nhất Văn phòng, lại là người dân tộc Mông có tố chất đi bộ khỏe nên được bác Kiều Thiện Trưởng Văn phòng giao trọng trách hỗ trợ 2 phóng viên khác đi viết bài ghi nhận về hình ảnh tang thương sau trận lũ quét ở Mường La.

40 năm báo NTNN: Nhớ mãi ngày đầu tác nghiệp về trận lũ quét lịch sử ở Tây Bắc- Ảnh 2.

Tác giả (bên phải) cùng đoàn công tác của Báo NTNN tặng quà cho người dân xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La sau trận lũ quét lịch sử xảy ra vào sáng ngày 3/8/2017. Ảnh: NVCC

Sáng 4/8, trời mưa to, tôi mặc vội bộ quần áo mưa cùng với phương tiện tác nghiệp là chiếc điện thoại thông minh, quyển sổ, cây bút, phi xe máy vào Mường La. Tuyến Quốc lộ 279D từ thành phố Sơn La vào Mường La sạt lở khắp nơi nên rất khó di chuyển và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Chúng tôi phải vòng vèo mãi để tránh điểm ngập lụt, sạt lở... rồi cũng đến thị trấn Ít Ong, huyện Mường La. Trời càng ngày càng mưa to nên 2 anh phóng viên đi cùng lên UBND huyện Mường La xin thông tin ban đầu để kịp gửi tin về tòa soạn. Còn tôi chẳng biết làm gì nên loay hoay ở quán nước ngồi chờ đồng nghiệp và nghĩ xem mình nên làm gì lúc này.

40 năm báo NTNN: Nhớ mãi ngày đầu tác nghiệp về trận lũ quét lịch sử ở Tây Bắc- Ảnh 3.

Anh Lò Văn Uẩn cúng vợ và 2 con bằng chiếc chậu bên ban thờ tạm. Ảnh: S.T.L

Ngồi một lúc, tôi lại nhớ đến câu dặn dò trước lúc PV lên đường tác nghiệp của lãnh đạo Văn phòng: "Bằng mọi cách các cháu phải tiếp cận được người nhà của những nạn nhân bị lũ cuốn mất tích, ghi lại những câu chuyện, hình ảnh chân thực ở hiện trường để gửi về tòa soạn. Nếu trời mưa to quá, nước lũ dâng cao, điều ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho bản thân, sau đó mới tính tới chuyện tác nghiệp".

Nhưng là một thanh niên còn trẻ, nghe con tim mách bảo, mặc cho trời mưa tầm tã, tôi vẫn quyết tâm cuốc bộ vào các bản bị lũ càn quét thiệt hại nặng đang bị cô lập như bản Hua Nặm, Huổi Liếng, Huổi Hốc, Pá Piệng...

Tuyến tỉnh lộ 109 từ bản Hua Nặm đi lên các bản còn lại bị lũ cuốn phăng cả mặt đường. Vì vậy để tiếp cận được vùng bị cô lập, tôi phải đi bộ bằng con đường mòn trơn trượt mà quân đội mở để cung cấp mì tôm cho bà con.

40 năm báo NTNN: Nhớ mãi ngày đầu tác nghiệp về trận lũ quét lịch sử ở Tây Bắc- Ảnh 4.

Đoàn từ thiện của Báo Nông Thôn Ngày Nay thăm hỏi, động viên anh Uẩn. Ảnh: P.V

Di chuyển được một giờ đồng hồ, tôi có mặt tại bản Huổi Liếng. Khung cảnh trước mắt thật tan hoang: Những hậu quả khủng khiếp do trận lũ quét rạng sáng ngày 3/8 gây ra ngoài sức tưởng tượng của một chàng trai mới hơn 20 tuổi như tôi. Nhà cửa đổ nát, ruộng lúa bị vùi lấp trong đống đất đá ngổn ngang,  những tảng đá khổng lồ to bằng gian nhà lăn xuống nằm giữa bản...

Đặc biệt, những hình ảnh, âm thân như ám ảnh tôi lúc đó: Tiếng người kêu gào thảm thiết, người khóc không thành tiếng, người thẫn thờ như mất hồn, mắt đăm đắm nhìn xa xăm bên dòng suối đục ngầu nước lũ, trông chờ phép màu đưa người thân quay lại với gia đình… khiến tôi không kìm được nước mắt.

40 năm báo NTNN: Nhớ mãi ngày đầu tác nghiệp về trận lũ quét lịch sử ở Tây Bắc- Ảnh 5.

Tác giả bên trái chụp ảnh cùng Nhà báo Kiều Văn Thiện - Trưởng Văn phòng Đại diện Tây Bắc/Báo Nông Thôn Ngày Nay.

Vốn không phải dân học báo nên tôi cũng chẳng biết phải bắt đầu tác nghiệp từ đâu, như thế nào, bởi quá nhiều hình ảnh tang thương hỗn loạn trước mắt mình. Tôi chỉ biết lấy điện thoại trong túi áo ra vừa chụp, vừa quay, vừa ghi chép tên nhân vật vào sổ. Thấy người nào khóc, tôi hỏi thăm, động viên chia sẻ với người đó... Trong số những nhân vật tôi ghi hình thì anh Lò Văn Uẩn (SN 1987), ở bản Huổi Liếng – là nhân vật khiến tôi nhớ mãi đến giờ.

Chia sẻ với tôi, anh Uẩn vừa khóc vừa kể: "Khoảng 0 giờ ngày 3/8, trời mưa rất to, tôi cùng anh em trong bản đang xếp đá làm đê ngăn lũ ở đầu bản. Thấy mưa càng ngày càng lớn, tôi nói với vợ đưa 2 con ra ngoài, đến nơi an toàn chứ mưa to lũ về không kịp đâu. 

Song, chắc vợ mệt và thương chồng ở lại một mình nên cô ấy bảo: "Tý trời mưa to hơn thì anh bảo em rồi em đưa 2 con ra. Ngày hôm nay làm hơi mệt nên em ngủ tý đã". 

40 năm báo NTNN: Nhớ mãi ngày đầu tác nghiệp về trận lũ quét lịch sử ở Tây Bắc- Ảnh 6.

Tác giả giúp người dân nấu cơm trong vụ sạt lở đất kinh hoàng xảy ra vào đêm ngày 26/6/2018 tại bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo đã vùi lấp 25 trên tổng số 28 ngôi nhà trong bản.

Tuy nhiên, sau đó vài phút, trong lúc anh Uẩn đang cùng mọi người kê những hòn đá to để chắn nước lũ tràn vào bản thì nghe thấy một tiếng nổ rất lớn. Ngay sau đó, một cơn lũ ống khủng khiếp với cột nước cao tới mấy mét ập đến, nhanh như chớp nuốt trọn toàn bộ căn nhà đang có vợ và 2 con của anh đang nằm ngủ. Cơn lũ dữ đã cướp đi 3 người thân yêu nhất của anh Uẩn...

Khi về đến văn phòng, tôi mở điện thoại cop hình ảnh, clip vào máy tính, còn lại mọi thông tin về anh Uẩn tôi đều thuộc lòng. Tôi bắt đầu viết tác phẩm báo chí đầu tiên của mình bằng cách kể lại câu chuyện mình thu thập được tại rốn lũ Nậm Păm. Sau đó bài báo đầu tiên của tôi được xuất bản với tít: "Ám ảnh cảnh vợ con bị lũ cuốn phăng ngay trước mắt".

Bài báo sau đó đã được chia sẻ khắp các trang mạng xã hội và được bạn đọc đón nhận, chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội chia sẻ với lượng view gần 2 triệu lượt xem.

Mấy ngày sau, tôi cùng với đoàn công tác của Báo Nông Thôn Ngày Nay vào rốn lũ Nậm Păm thực hiện công tác từ thiện. Nhìn thấy nhiều nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện ở xa đã trực tiếp đến lán của anh Uẩn tặng quà, tiền mặt tiếp sức cho anh Uẩn ổn định cuộc sống chính là nhờ thông tin trên bài báo "Ám ảnh cảnh vợ con bị lũ cuốn phăng ngay trước mắt". Lúc đó, tôi cảm thấy thật lòng thanh thản, nhẹ nhõm hơn chút so với ngày đầu gặp anh Uẩn.

Cái cảm giác lo âu, hồi hộp khi lần đầu vào rốn lũ tác nghiệp cho đến khi vỡ òa hạnh phúc khi tác phẩm được ra đời, thấy tên tác giả bài viết là tên mình thật sự vui sướng và tự hào; nhất là lại giúp đỡ được người yếu thế có thêm động lực tiếp tục sống. 

Sau chuyến tác nghiệp này, tôi không biết mình đã yêu nghề báo từ bao giờ. Và những nỗ lực, cố gắng của tôi đã được lãnh đạo Ban Biên tập và lãnh đạo Văn phòng ghi nhận. 

Năm 2018, tôi chính thức trở thành thành viên của Báo Nông Thôn Ngày Nay và tiếp tục có cơ hội để đi nhiều nơi hơn, được lắng nghe và ghi nhận nhiều câu chuyện buồn vui ở khắp vùng núi Tây Bắc để cùng chia sẻ với bạn đọc thân yêu của NTNN/Dân Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem