"Biệt động Sài Gòn" ra đời năm 1982 với 4 tập là Điểm hẹn, Tình lặng, Cơn giông và Hãy trả lại tên cho em do hai nhà biên kịch Lê Phương và nhà báo Nguyễn Thanh viết, Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất, đạo diễn Long Vân thực hiện.
Bộ phim được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh Việt, từng “làm mưa làm gió” khắp các rạp chiếu từ thành phố tới lưu động khắp cả nước suốt thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước. Cho đến thời điểm này, dù đã trải qua 33 năm nhưng đến cả lứa khán giả 9x cũng vẫn có thể kể tên vanh vách những Tư Chung, Huyền Trang, Ngọc Mai, Sáu Tâm, Năm Hòa…
Nghệ sĩ ưu tú Bùi Cường trong phim "Biệt động Sài Gòn"
4 năm làm phim dài đằng đẵng, nghệ sĩ ưu tú Bùi Cường đã từng kể trên báo chí: "Làm sao quên được dù đã gần 30 năm rồi. Vai Năm Hòa dựa theo nhân vật có thật ngoài đời là Năm Nè. Lúc quay phim, ông Năm Nè cùng nhiều chiến sĩ khác cũng theo đoàn phim làm cố vấn về quân sự.
Khi chưa gặp mặt, trong đầu tôi cứ hình dung những chiến sĩ biệt động thành tướng tá, mặt mày phải lạnh lùng, dữ tợn lắm, ai ngờ tiếp xúc rồi mới hay họ quá hóm hỉnh, rất có cảm tình và đậm chất Nam Bộ".
Nghệ sĩ Bùi Cường và những chiến sĩ biệt động thực thụ đã trở thành bạn thân. Bao nhiêu năm qua tình bạn đó vẫn vững bền theo thời gian. Bận việc thì thôi chứ có cơ hội liên lạc là hẹn gặp nhau. Riêng ông Năm Nè giờ là cán bộ một công ty tại TP.HCM.
Vai Năm Hòa- chiến sĩ biệt động của nghệ sĩ Bùi Cường trong phim "Biệt động Sài Gòn" được nhiều người yêu mến.
"Anh Năm Nè chân tình và hiền lắm. Tôi không nghĩ con người như thế lại cầm súng chiến đấu quá kiên cường và anh dũng khi đánh vào Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Tôi chỉ là diễn viên mà diễn lại cảnh đó còn toát mồ hôi, nhọc nhằn lắm! Cảnh quay làm như thật, cũng khói lửa ngút trời, tôi vào vai Năm Hòa tham gia đánh chiếm Tòa đại sứ Mỹ nhưng sau đó hy sinh.
Trong phim, đạo diễn Long Vân để Năm Hòa và Sáu Tâm bị địch giết làm khán giả nhớ thương mãi. Đây là vai diễn khán giả cả nước nhớ đến tôi cho đến tận bây giờ", nghệ sĩ Bùi Cường nhớ lại.
Thời điểm ấy, anh Năm Nè vẫn toát lên một khí tiết, bản lãnh của người lính biệt động. Tất cả như đã truyền cho nghệ sĩ Bùi Cường một ý chí và niềm tin vào vai diễn. "Phim quay kéo dài 4 năm, những lúc chưa tới vai, anh em thường rủ nhau lai rai nên vất vả nhất là giữ mình không được… mập để không sai rắc co. Là người Bắc vào nên chuyện lái xe ô tô cũng rất vất vả. Trên phim, chúng tôi lái xe thành thạo. Hậu trường, ai biết rằng, nằm dài dưới sàn là một lái xe chính hiệu điều khiển.
Cảnh nguy hiểm mà tôi nhớ nhất là hình ảnh Năm Hòa thoăn thoắt leo cầu thang ở tòa đại sứ Mỹ, ném lựu đạn vào phòng rồi nhanh tay đóng cửa sắt. Khi đó, khói phong tỏa mịt mù, cay xè mà cảnh quay không cho phép thực hiện lần thứ hai. Tôi nhớ lúc đó mình như một chiến sĩ biệt động thực sự, sẵn sàng làm hết mình để cảnh đó thành công. Sau này dù xem lại bao lần, tôi vẫn xúc động nhớ lại sự vô tư, hồn nhiên, chẳng chút tính toán thời đó…"- nghệ sĩ Bùi Cường đã từng nói về vai diễn Năm Hòa trong phim "Biệt động Sài Gòn" của anh như thế.
Giờ thì nghệ sĩ ưu tú Bùi Cường không còn nữa. Sáng 3.8, con rể anh cho biết, nghệ sĩ đã ra đi sau một cơn tai biến, để lại nỗi tiếc thương bàng hoàng trong lòng khán giả và đồng nghiệp.
Nghệ sĩ Bùi Cường vào vai giang hồ trong phim "Hiền Cá sấu"
Được tin nghệ sĩ Bùi Cường qua đời, rất nhiều cư dân mạng đã chia sẻ nỗi xúc động khi nhớ lại vai diễn của anh. Bạn Trần Nam Phương viết: "Vĩnh biệt chú, một gương mặt gạo cội của điện ảnh Việt Nam. Chúng cháu sẽ nhớ mãi vai diễn Chí Phèo kinh điển. Vai anh biệt động Năm Hòa cũng làm cháu khóc rất nhiều khi chú hy sinh trên màn ảnh. Chắc chắn trong tim khán giả, hình ảnh của chú vẫn còn mãi".
Diễn viên Thanh Quý - bạn học cùng lớp diễn viên khóa II với nghệ sĩ Bùi Cường không giấu nổi sự buồn bã khi chia sẻ cảm xúc với VietNamNet. Bà nhớ lại: "Khi còn đi học, anh Bùi Cường lớn tuổi nhất lớp và là lớp trưởng. Chúng tôi rất quý, coi anh như người anh cả trong lớp. Giờ dù mỗi người một cuộc sống nhưng chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ tốt, có vui buồn gì cũng hay chia sẻ với nhau.
Về nghề nghiệp, tôi có cơ hội làm chung hai phim với anh: Không có đường chân trời và Thời hiện tại. Anh là người nhiệt tình với công việc, cực kỳ đam mê, máu lửa với nghề. Anh ra đi là sự đáng tiếc. Tôi thật sự bàng hoàng và không bao giờ nghĩ chuyện đó có thể xảy ra sớm như thế. Mới vài tháng trước tôi còn gặp anh, anh em ngồi ăn uống nói chuyện với nhau vui vẻ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.