Nhớ về cái Tết đầu tiên Hà Nội im bặt tiếng đạn bom nửa thế kỷ trước!
Nhớ về cái Tết đầu tiên Hà Nội im bặt tiếng đạn bom nửa thế kỷ trước!
Nguyễn Văn Ất
Thứ ba, ngày 17/01/2023 15:18 PM (GMT+7)
Tôi không bao giờ quên cái thời điểm biết tin ký Hiệp định Paris để đem lại hòa bình cho miền Bắc khi ấy. Đó là những ngày giáp Tết Quý Sửu mấy ngày áp Tết ấy khoa đã cho học viên về nghỉ Tết.
Năm 1972 sau thi khi tốt nghiệp Phổ thông và trải qua kỳ thi Đại học, chúng tôi được chọn đi học nước ngoài. Trước khi đi, chúng tôi có 1 năm học dự bị tại khoa Lưu học sinh Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Ngày ấy khoa Lưu học sinh này sơ tán về các làng Vô Ngại, Phúc Miếu, Nho Lâm… của huyện Mỹ Hào, Hải Hưng. Qua con kênh đào Bắc Hưng Hải bên kia là thị trấn Kẻ Sặt, nơi có Nhà thờ Công giáo rất lớn.
Tháng 12/1972 từ nơi sơ tán, đêm đêm chúng tôi vẫn hướng về Hà Nội nhìn cảnh bom B-52 của Mỹ dội xuống và tên lửa, đạn phòng không đỏ rực trời Hà Nội mà lòng quặn đau, lo cho gia đình và người thân vẫn còn ở đó…
Chưa đầy một tháng sau khi trận "Điện Biên Phủ trên không" kết thúc, ngày 27 tháng 1 năm 1973, ký hiệp định Pari. Hoà bình trên miền bắc. Lần đầu tiên sau gần 10 năm chiến tranh phá hoại của không quân Hoa Kỳ, nay Hà Nội có cái Tết đầu tiên im tiếng bom đạn. Tết Quý Sửu năm 1973 ấy khỏi phải nói, vui mừng đến nhường nào…
Tôi không bao giờ quên cái thời điểm biết tin ký Hiệp định Pari để đem lại hòa bình cho miền bắc khi ấy. Đó là những ngày giáp Tết Quý Sửu. Mấy ngày áp Tết ấy khoa đã cho học viên về nghỉ Tết.
Ngay sau Tết ông Công ông Táo, sáng 24 tháng Chạp (tức ngày 28-1-1973), đi chỗ nào trong phố cũng thấy dân đứng đông nghịt dưới các loa truyền thanh công cộng đón nghe tin Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết hôm 27-1-1973. (Ngày ấy đài cá nhân gia đình rất ít, chủ yếu nghe qua loa đài công cộng).
Mặc dù đêm qua đài đã đưa tin, nhưng nhiều người vẫn muốn nghe lại bản tin quan trọng này. Hòa bình rồi! Hà Nội hết bom đạn rồi! Ai nấy đều phấn khởi, mừng vui khôn tả.
Các gia đình tất tả đón trẻ con từ nơi sơ tán trở về thành phố để chuẩn bị đón Tết. Các cửa ngõ dẫn vào thành phố ùn ùn người xe. Chủ yếu là xe đạp, xích lô, lác đác một ít xe ô tô khách.
Loa truyền thanh khắp nơi sau phần đưa tin ký Hiệp định là bài hát: "Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng/Của núi sông hôm nay và mai sau"…
Đường phố đỏ rợp cờ hoa, pano áp phích cổ động chiến thắng B52 vẫn căng khắp các ngã tư. Dân chúng bắt đầu diện những bộ quần áo sáng màu, không cần phải mặc áo màu xanh, màu cỏ úa, màu tối để đánh lừa máy bay địch như thời chiến nữa.
Giao thừa năm ấy, có một sự kiện vô cùng đặc biệt là sau bao nhiêu năm chiến tranh bom đạn, Hà Nội bắn pháo hoa đón xuân mới, mừng hòa bình.
Nhưng ấn tượng nhất là việc nhiều người Hà Nội lần đầu tiên được nhìn tận mắt cái máy "vô tuyến truyền hình"! Thành phố cho đặt 3 chiếc máy vô tuyến truyền hình (thời đó tivi được gọi như vậy), một cái tại Câu lạc bộ Đoàn Kết (cuối phố Cổ Tân), một ở đền Bà Kiệu và một trước cửa Nhà văn hóa 16 Lê Thái Tổ.
Máy truyền hình khi đó với người dân quá mới lạ nên công an và dân phòng phải căng dây và gác xung quanh sợ dân chen nhau xem làm vỡ!
Ăn Tết xong chúng tôi lại quay về nơi sơ tán để học nốt. Anh em học viên chúng tôi chờ từng ngày để được quay về thủ đô!
Thế mà cũng mãi đến tháng 5/1973 anh chị em mới được rời nơi sơ tán về Thanh Xuân, Hà Nội.
Tưởng về cơ sở chính của trường ở Thanh Xuân thì sinh hoạt sẽ đỡ vất vả! Ai ngờ thiếu thốn đủ thứ, từ những cái tối thiểu nhỏ nhất cũng không có: Cả lớp hơn 20 người sống chung một phòng, không giường chiếu, nằm sàn xi măng, điện lúc có lúc không, nước tắm giặt thiếu, ghẻ, hắc lào đầy da...
Thêm vào đó là tư tưởng của một số người có trách nhiệm cho rằng "bọn chúng nó sắp đi nước ngoài, sắp sướng rồi, chịu khổ thế chứ khổ nữa chúng nó cũng không dám kêu đâu! Kệ chúng nó!.."
Khổ nhưng vô cùng vui! Nhiều hôm không có việc gì thì rủ các anh em cùng lớp nhưng là dân ngoại tỉnh nhẩy tầu điện vào Hà Đông hoặc ra Bờ Hồ chơi. Và trước ngày lên đường cả lớp chúng tôi, hơn hai chục anh chị em đã kịp ra "Hiệu ảnh Quốc tế" phố Hàng Khay làm mấy "pô" ảnh chung cả lớp.
Điều này rất đáng quý, không phải lớp nào cũng nghĩ ra, và đến hôm nay nhìn các tấm ảnh ấy sau gần nửa thế kỷ mới thấy bồi hồi làm sao…
Tết qua đi. Khóa học năm ấy cũng đến kỳ kết thúc…
Tối ngày 02/8/1973 lên tàu ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội.
Dù đã hòa bình được mấy tháng, ga Hàng Cỏ sau các trận bom B-52 cuối tháng 12/1972 mới chỉ được dọn dẹp các phần bị bom đổ vỡ, chưa được tu sửa lại.
Khoảng 8 giờ tối, tầu hoả lừ đừ chuyển bánh trong tiếng thở "phì phò" của đầu máy hơi nước. Tất cả chúng tôi ai cũng cố ngoái ra cửa sổ để như tạm biệt Thủ đô, tạm biệt quê hương…
Hà Nội trong ánh đèn tù mù và cái nóng ngột ngạt tháng 6 âm lịch từ từ lùi lại phía sau…
Cái Tết đầu tiên của Hà Nội im tiếng bom đạn máy bay Hoa Kỳ và những tháng hòa bình đầu tiên ở Thủ đô đã qua đi 50 năm, đúng nửa thế kỷ. Nhưng với tôi còn đọng mãi đến bây giờ…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.