Để tránh nguy cơ mai một nghề đan võng ngô đồng, người dân và chính quyền thành phố Hội An đang cố gắng vực dậy bằng con đường du lịch.
Nguyên liệu đan võng được lấy từ cây ngô đồng.
Lắm công phu
Theo những vị cao niên trên đảo Cù Lao Chàm, sở dĩ võng có tên ngô đồng vì được làm từ sợi của thân cây ngô đồng, loài cây này mọc khắp nơi trên vách núi cheo leo của đảo.
Theo ông Mai Văn Luận (62 tuổi, trú thôn Cấm, Cù Lao Chàm), công đoạn tìm kiếm nguyên liệu ngô đồng rất khó khăn. Làm công việc này chủ yếu là thanh niên, trai tráng trong làng, có sức khỏe và kinh nghiệm băng rừng, vượt núi. Từ tờ mờ sáng, người dân Cù Lao Chàm đã hối hả mang theo nước uống và thức ăn đi sâu vào rừng, tìm chặt những cây ngô đồng để mang về nhà. Sau đó, dùng búa dập nát theo thớ của thân cây, tước vỏ rồi đem ngâm nước khoảng 1 tuần, sau đó mới vớt lên.
“Phải tước lớp vỏ mục cứng lấy lớp xơ màu trắng đục, đem giặt sạch bằng nước suối, mang ra phơi nắng cho thật khô đến khi chuyển thành màu trắng. Khi ấy chỉ còn lại xơ của vỏ cây, xơ này sau khi rửa sạch và phơi khô sẽ cứng, chắc và bóng như cước vậy. Đến lúc đó mới bắt đầu đan võng” - Ông Luận cho hay.
Nhiều trăn trở
Bắt đầu làm nghề đan võng ngô đồng khi vừa 15 tuổi, bà Mai Thị Rài (72 tuổi, thôn Cấm) là một trong những nghệ nhân có thâm niên cao nhất trên đảo Cù Lao Chàm.
Cụ Mai Thị Rài (72 tuổi) bên võng ngô đồng.
Bà Rài cho biết: “Để đan được chiếc võng ngô đồng cần khoảng 2 tháng, bán 2,5 triệu đồng/ chiếc, đa phần người mua là khách du lịch tứ phương. Khác với các loại võng khác, võng ngô đồng cực bền và khi nằm cảm giác rất dễ chịu”.
Trên mảnh đất Cù Lao Chàm chỉ còn vỏn vẹn gần 10 người làm nghề đan võng ngô đồng, đa phần đều là phụ nữ đang ở độ tuổi cao. Không giống những loại võng khác, võng ngô đồng được đan theo kỹ thuật riêng từ chính bàn tay cần mẫn của người dân Cù Lao Chàm. Từ những sợi xơ vỏ cây, người đan dùng tay xe chúng lại thành những sợi dài, rồi khéo léo, cần mẫn bện chúng thành chiếc võng chắc chắn, đẹp mắt. Khi đan, người thợ cẩn trọng từng công đoạn, phải đan cho chặt và không được phép đan lỗi vì nếu lỗi thì sẽ không tháo để sửa lại được.
“Tính ngày công thì thu nhập từ nghề đan võng ngô đồng, thấp hơn nhiều so với việc đánh bắt trên biển nên rất nhiều người dân từ chối việc lấy nghề đan võng để mưu sinh. Tôi muốn truyền nghề của cha ông cho con cháu nhưng xem ra bọn trẻ bây giờ không mặn mà mấy”. - Bà Rài buồn bã.
Mới đây, thành phố Hội An đã cho khai trương sản phẩm du lịch “Đêm Cù Lao” (vào thứ 7 hàng tuần) để giữ chân du khách qua đêm trên đảo. Trong đó, có trình diễn các sản phẩm làng nghề truyền thống như đan, vá lưới, đan võng ngô đồng… Đây là hướng đi nhằm kích cầu du lịch, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời giữ được nghề truyền thống lâu đời trên đảo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.