Nhọc nhằn xóa nghèo

Thứ hai, ngày 10/01/2011 06:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nỗi lo hết gạo vào những ngày giáp Tết của người Dao ở xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, Yên Bái đã trở thành một điệp khúc quen thuộc.
Bình luận 0

Những ngày mưa rét đầu năm 2011, chúng tôi lội qua dòng sông cuồn cuộn nước để vào thôn Bản Chang, xã Tô Mậu. Bản Chang hiện ra với những mái nhà xác xơ nằm nép mình bên sườn đồi.

Cả làng đều nghèo

Bản Chang có 31 nóc nhà thì tới 28 hộ nghèo, trong đó có 15 hộ năm nào cũng thiếu đói 5-7 tháng. Dẫn chúng tôi ra diện tích trồng lúa nước phía trước làng, ông Trương Văn Đày - Trưởng bản xót xa: "Cả bản chỉ có 2ha trồng lúa nước thôi. Vụ thì lũ lớn làm mất trắng, vụ thì không có nước nên bà con ở đây thiếu ăn triền miên".

img
Để trồng được cây lúa, cây khoai, người Dao phải rất vất vả vì cánh đồng khô hạn

Toàn bộ diện tích lúa nước này do bà con tự khai hoang và đào mương để dẫn nước từ khe núi về tưới. Nước ở đầu nguồn đã ít, mương là mương đất nên về đến bản chẳng còn là bao, không đủ để phục vụ cho đồng ruộng. Do cánh đồng lúa nằm sát sông Chảy nên hàng năm đến mùa lũ, nước lại ngập hết cánh đồng. Năm nào lũ ít còn vớt vát được vài ba phần, năm nào lũ lớn thì mất trắng. Hạn hán, mất mùa rồi lũ lụt kề đuôi nhau.

Bản Chang với 100% đồng bào dân tộc Dao. Không có đường giao thông nên đồng bào rất ít khi ra khỏi bản, trồng được cây gì, nuôi được con gì cũng không ai vào mua nên đói nghèo cứ đeo đẳng. Không chỉ vậy, vì đi học phải qua suối nên chuyện trẻ em bỏ học vào ngày mưa lũ xảy ra như "cơm bữa”. Cố gắng lắm mới có em theo học hết cấp II nhưng rồi cũng đành bỏ, theo cha mẹ lên nương lên rẫy. Đến nay bản vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Để có điện thắp sáng, cả bản cùng nhau góp tiền, góp công kéo điện từ xã Minh Chuẩn sang và phải chấp nhận mua điện với giá cao.

Đến Tết là hết gạo

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết là hầu hết các gia đình trong bản lại thiếu ăn. Mỗi năm bản chỉ cấy được một vụ lúa mùa, may ra 2-3 sào mới được 1-2 tạ thóc, ăn dè dặt chưa đến Tết đã hết.

img Mỗi năm bản chỉ cấy được một vụ lúa mùa, may ra 2-3 sào mới được 1-2 tạ thóc, ăn dè dặt chưa đến Tết đã hết. img

Bà Lý Thị Pen

Chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi đến gia đình bà Lý Thị Pen. Bữa cơm trưa của gia đình bà là nồi sắn luộc. Vợ chồng bà Pen năm nay đã ngoài 60, còn phải nuôi thêm mẹ già 90 tuổi và tất nhiên bà cụ 90 tuổi cũng phải ăn sắn, ăn khoai, thậm chí nhịn đói cùng các con. Vợ chồng bà Pen sinh được 2 người con, không có ruộng, có trâu nên 2 con của bà đã bỏ đi làm ăn xa. Bà Pen đắng lời: "Năm nào cũng vậy, nhà tôi phải ăn sắn, ăn khoai 6-7 tháng. Ở đây không trồng được lúa để ăn đâu, đói lắm, muốn mua gạo ăn nhưng không có tiền. Nhiều khi hết sắn, hết khoai là phải nhịn đói thôi".

Gia đình ông Đặng Văn Chang có 9 người con. Các con lớn đã lập gia đình, ra ở riêng. Hiện nhà ông có 6 miệng ăn, vụ vừa rồi thu được 1 tạ thóc. Để có gạo lo cho cậu con trai làm đám cưới vào tháng 1 này, nhà ông không dám động đến 1 hạt gạo. Không có gạo ăn, gia đình ông phải quần quật làm thuê làm mướn, lên rừng đào củ măng, củ sắn về ăn. Ông Chang nghẹn lời tâm sự: "Người lớn nhịn đã đành, khổ nhất là lũ trẻ, đói chúng cũng chỉ biết khóc".

Ông Nguyễn Xuân Bùi - Phó Chủ tịch UBND xã Tô Mậu cho biết: "Xã Tô Mậu có 3 thôn bản đặc biệt khó khăn đều là của đồng bào Dao ở thôn Cửa Ngòi, Nà Hỏa và Bản Chang. Cả 3 thôn này chỉ có thôn Bản Chang đã có dự án làm đường nhưng mới chỉ làm được một đoạn rất ngắn. Hiện 3 thôn này mới chỉ được nhà nước hỗ trợ cây, con giống. Vì vậy, việc giúp người dân thoát nghèo là rất khó".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem