Nhộn nhạo lò đào tạo ca sĩ

Chủ nhật, ngày 03/07/2011 07:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở TP.HCM, tính sơ sơ hiện cũng có gần 50 "lò" đào tạo ca sĩ lớn nhỏ. Không ít trong số đó chỉ giỏi vẽ vời viễn cảnh đầu ra khiến nhiều học viên “đâm đầu” vào để rồi nhanh chóng tan vỡ giấc mộng thành sao.
Bình luận 0

Cầm trên tay tờ rơi quảng cáo khóa đào tạo ca sĩ của Công ty CP giải trí Ngôi sao trẻ có trụ sở tại phường Tân Kiểng (quận 7), cha con ông Huỳnh Văn Tính từ xã Phú Mỹ (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) bắt xe đò lên để "tầm sư học đạo", với mong muốn con ông ngày mai thành ca sĩ...

img
Ca sĩ Đan Trường đang giảng dạy cho các học viên của Music Box. 

Trên là trời, dưới là... lò

Nghĩa - con trai ông Tính năm nay 19 tuổi, yêu thích ca hát và thi không đậu đại học nên nhất quyết đòi ba mẹ phải chu cấp tiền cho cậu đi học làm ca sĩ. Ông Tính than thở: "Một khóa học căn bản 3 buổi/tuần, được học trong vòng hai tháng mà đã hết 3,9 triệu đồng, còn nếu học chuyên nghiệp thì học trong vòng 6 tháng hết 12 triệu đồng. Tại con tôi mê đi hát và cứ đòi theo học thôi, chứ tôi chẳng biết học xong ra có chỗ nào thuê nó đi hát rồi kiếm được miếng nào mà ăn...".

Các lò luyện ca sĩ ở TP. HCM ngày càng nhiều như nấm mọc lên sau mưa, rải đều ở tất cả các quận, chứng tỏ nhu cầu của xã hội về "ngành nghề" này thực sự lớn. Nếu không thể thi vào các trường chính quy, bạn trẻ yêu thích ca hát vẫn có thể tìm đến các "lò" của các ca sĩ, nhạc sĩ hoặc đến các trung tâm để nuôi giấc mơ thành sao.

Tính đến thời điểm này, đã có khoảng gần 30 ca sĩ , nhạc sĩ thuộc loại "có số có má" đứng ra mở lò đào tạo ca sĩ dưới hình thức trung tâm hay "đỡ đầu" cho một nhóm học viên có khả năng thực sự. Điểm qua có thể thấy "lò" của các ca sĩ Nam Khánh, Siu Black, Thanh Thảo, Lương Bằng Quang, Ngô Thanh Vân, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Quỳnh Hương, Tạ Minh Tâm... hay "lò" của các nhạc sĩ Đức Trí, Nguyễn Hải Phong...

Để được các ca sĩ có tên tuổi nhận "truyền nghề", học viên phải có năng khiếu thực sự hoặc đã có giải ở một vài cuộc thi nho nhỏ, còn với các lò không mấy tên tuổi, không có ca sĩ nổi tiếng "đỡ đầu" thì học viên được tuyển theo kiểu khá xô bồ, "càng đông càng vui" vì như thế chủ lò càng có thêm tiền.

Hạt chắc, hạt lép

Trong khi việc đào tạo ca sĩ, nhóm nhạc ở các nước có nền công nghiệp giải trí phát triển được thực hiện khá nghiêm ngặt, quy củ, thì ở ta là kiểu mạnh ai nấy làm, chẳng theo một đường hướng gì và hầu như cũng chưa có cơ quan nào đứng ra quản lý chất lượng.

Ở Hàn Quốc, để đào tạo ra một nhóm nhạc nữ ăn khách như SNSD, công ty quản lý cho biết đã phải bỏ ra khoảng 2 triệu USD cho mỗi một thành viên với chế độ đào tạo toàn diện và khá hà khắc. Các học viên học viện giải trí của xứ Hàn chỉ được ngủ từ 3- 5 tiếng mỗi ngày, thời gian còn lại họ phải học thanh nhạc, vũ đạo, rèn luyện thể chất...

Ca sĩ Siu Black mới đây đã chính thức khai trương học viện âm nhạc mang tên chị, nhận đào tạo tất cả các học viên có tình yêu với âm nhạc từ 15 tuổi trở lên. Các lớp học có sự tham gia của chính chị và những chuyên gia thanh nhạc hàng đầu trong ngành, mỗi lớp học không quá 5 học viên và có giáo trình cụ thể cho từng người.

Còn ở ta, với các khóa học tuần 3 buổi, tuần 2 buổi với giá khá "chát" từ 2 - 4 triệu đồng thì việc các học viên được đào tạo ra sao cũng có thể hiểu được.

Bạn Thanh Lê ở phường Đa Kao (quận 1, TP.HCM) cho biết: "Tôi đang theo học một khóa ở Trung tâm đào tạo K bên quận 4, lúc đầu nghe quảng cáo là trong quá trình học sẽ có nhiều ca sĩ ngôi sao đến giảng dạy, được xuất hiện trong nhiều chương trình ca nhạc trên truyền hình, cuối khóa học sẽ được ký hợp đồng để trở thành ca sĩ độc quyền của trung tâm... Nhưng trong suốt quá trình học thì không phải vậy. Chỉ có mỗi ca sĩ Quang Vinh đến giảng một buổi, rồi còn lại là học vũ đạo, học thanh nhạc mãi cũng chán, tôi tính đòi lại tiền mà không biết sao bây giờ".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với các trung tâm đào tạo theo kiểu truyền nghề hiện nay, chẳng có một giáo trình nào có mẫu số chung. Có nơi như "lò" của ca sĩ Nam Khánh thì giảng dạy theo giáo trình của nhạc viện, có nơi thì tổ chức chuyên nghiệp lo cho học viên từ chỗ ăn ở, sống theo kiểu "ký túc xá" như nhóm 365 của ca sĩ Ngô Thanh Vân, hoặc trường của Lương Bằng Quang thì học theo kỹ năng sư phạm vốn có của anh...

Mình làm cho tốt rồi mới làm thầy

Sự kiện Công ty Music Box của cặp đôi Thanh Thảo- Thúy Vinh mới tan rã gần đây sau khi 2 "thầy" lên báo tố nhau theo kiểu "không còn gì để mất" đã làm khá nhiều học viên thất vọng. Giờ thì Thanh Thảo - Thúy Vinh đã đường ai nấy đi, Thanh Thảo quyết định thành lập một trung tâm đào tạo mới để làm lại từ đầu. Rõ ràng việc mở lò đào tạo ca sĩ nhưng chính các "sư phụ" lại đối đãi với nhau không được "văn hóa" cho lắm cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của các học viên.

Ca sĩ Nguyên Vũ đã có lần tâm sự: "Tôi thấy các ca sĩ đàn anh, đàn chị ngày nay nhiều khi đối xử với nhau không ra gì, vậy thì làm sao có thể bảo ban được đàn em của mình". Không ai ngăn cấm ước mơ được trở thành "sao" của các bạn trẻ yêu ca hát, nhưng chọn theo ai, chọn học nghề thế nào để không "tiền mất tật mang" thực sự là một quyết định khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem