Vài chiếc xe máy trờ tới, rồi dừng lại trong những tiếng chào mời lao xao. Phố ốc hồ Tây bắt đầu từ 3 giờ chiều và nhộn nhịp đến tận 12 giờ đêm như thế.
Chẳng phải là nơi ngon nhất trong "bản đồ ốc" ở Hà Thành, nhưng nếu nói tới nơi “hay” nhất, có lẽ những tín đồ của “khều”, “chấm”, “mút” đều phải gật gù mà cho rằng chẳng đâu hơn được phố ốc hồ Tây.
Quán ốc bắt đầu sáng đèn ở hồ Tây - Ảnh: Tịnh Tâm
Bên mặt hồ lãng đãng lồng lộng gió, xuýt xoa gẩy con ốc béo múp nóng hổi chấm vào bát mắm ớt, gừng, sả cay xè, thật đúng là hợp cảnh, hợp tình. Từ phía đường Thanh Niên chạy ngược lên, bắt gặp đầu tiên là một dãy hàng hải sản khá đắt đỏ. Lui lên một chút nữa, qua lối rẽ vào đường Võng Thị mới là “thủ phủ” của những quán ốc bình dân.
Chừng chục quán ốc san sát nhau, thực đơn cũng na ná: ốc luộc to, nhỏ, ốc xào me, xào dừa, ngao hấp, sò nướng mỡ hành, nem rán, khoai tây, khoai lang chiên… Khách mới đến, dễ hoa mắt bởi một loạt biển hiệu, lui tới vài lần mới chọn ra được quán hợp gu.
Những quán ốc này tồn tại dễ cũng đến hàng chục năm, kể từ khi bờ hồ Tây được xây kè như bây giờ. Tiên phong là quán ốc Phượng Mực, quán đầu tiên nếu rẽ xuống hồ từ Lạc Long Quân. Bác Phượng, chủ quán Phượng Mực kể: “Quán mở ngay khi kè hồ Tây xây xong, tuy hồi ấy con đường ven hồ chưa được mở rộng như bây giờ nhưng khách cũng khá tấp nập. Các gia đình khác xung quanh thấy làm ăn được, nên cũng mở theo thành một dãy như bây giờ”.
Ốc mít luộc, món đắt hàng nhất ở đây - Ảnh: Tịnh Tâm
Hồi xưa, món chủ lực trong bếp của những quán ốc này là ốc đá hồ Tây. Được mang lên từ Nam Định, hợp nước hồ mà tạo thành giống ốc hồ tây nổi tiếng, ốc đá vỏ xanh, mỏng, thịt dày và thơm ngon. Bến ốc trên đường Lạc Long Quân, đoạn rẽ vào Võng Thị khi xưa là chợ ốc nhộn nhịp nhất Hà Thành một thời, mỗi ngày có vài tấn ốc tươi rói lấp lánh nước hồ đổ ra, tấp nập người mua.
Ăn kèm ốc không thể thiếu sung muối chua giòn - Ảnh: Tịnh Tâm
“Ốc rẻ lắm, chỉ có dăm bảy nghìn một cân. Bán ra cũng chỉ 10-15 nghìn một bát ốc luộc”, bác Phượng nhớ lại. Nhưng giờ bến ốc khi xưa chỉ còn là lối rẽ để người ra qua lại, hồ Tây tuyệt nhiên chẳng còn con ốc nào chứ đừng nói là ốc đá. Các bà chạy chợ bán ốc ngày ấy vẫn thường bảo nhau: “Cứ như là có ma ở dưới hồ ấy”.
Không còn ốc đá, các quán ốc ven hồ bây giờ chủ yếu nhập ốc mít từ các đại lý gom ốc từ miền Nam, Lào, Singapore… Ốc vặn thì nhập từ Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ… Cao điểm, giá ốc mít có khi lên tới 80-90 nghìn/kg. Thế nên bát ốc bán ra cũng phải tăng giá, khoảng 40-50 nghìn/bát. Đắt hơn, nhưng khách sành ăn vẫn gọi ốc mít, bỏi con ốc béo ngậy, thịt vàng óng đầy căng chỉ khêu ra đã thấy “đã”, ăn đứt giống ốc vặn vừa vụn vừa nhạt thịt.
Có thể gọi thêm đĩa nem rán lai rai - Ảnh: Tịnh Tâm
Ốc luộc, “ăn” nhau là ở bát nước chấm. Mỗi hàng có một bí quyết pha chế khác nhau, nhưng vẫn phải thuộc nằm lòng một nguyên tắc: nguyên liệu ngon, thì bát nước chấm thành phẩm mới ngon. Ấy là phải khéo từ khâu chọn gừng, sả, nước mắm… thứ gì cũng phải ở mức hoàn hảo nhất.
Lân la vào trong bếp của quán, tôi còn học được một bí quyết luộc ốc. Vừa múc những chú ốc mít vàng ươm ra tô cho khách, anh đầu bếp vừa giảng giải: “Ốc mít có hai loại, dày vỏ và mỏng vỏ. Với loại dày vỏ, phải cho quá lửa một chút thì ốc mới chín đều. Nhưng dù dày hay mỏng, khi luộc cũng phải cho lửa bùng to thì ốc mới giòn. Luộc ốc mà để lửa liu riu thì con ốc sẽ dai nhách, khều ra là đứt ngang thân”.
Ốc là món khoái khẩu của mùa đông, nhưng với những quán ốc ven hồ Tây thì ngược lại. Hè, khách chật kín, đến nỗi chủ quán phải trải thêm chiếu trên kè hồ cho khách ngồi, nhưng mùa đông thì thưa thớt vì gió lạnh. Hôm tôi đến đây, Hà Nội đang vào đợt rét nàng Bân, khách co ro dạt cả vào bên trong quán, có vẻ thưa thớt hơn mọi khi.
Sài Gòn Ẩm Thực (Theo Sài Gòn Ẩm Thực)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.