"Nhốt" cá vào lồng thả nuôi trên biển, mênh mông sóng nước nhưng hiệu quả bất ngờ

Thiên Ngân Thứ ba, ngày 01/12/2020 21:07 PM (GMT+7)
Bên cạnh những loài cá nuôi biển phổ biến như cá bóp, cá mú, cá chim, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng…, thời gian gần đây ngư dân tỉnh Kiên Giang và nhiều tỉnh thành ven biển đã thử nghiệm nuôi thành công cá khế vây vàng, cá bè cụp, cá bè vẫu, cá háo..., đem lại thu nhập hấp dẫn.
Bình luận 0

Nhiều mô hình nuôi biển cho giá trị cao

Trước đây gia đình anh Nguyễn Minh Được ở ấp Bãi Chướng, xã Hòn Nghệ (Kiên Lương, Kiên Giang) sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Vào thời điểm 2007, trong khi các phương tiện đánh bắt ngày càng tăng lên, nguồn lợi hải sản tự nhiên lại ngày càng khan hiếm nên anh quyết định bán 2 chiếc ghe cào và chuyển sang nuôi cá lồng bè.

"Nhốt" cá vào lồng thả nuôi trên biển, mênh mông sóng nước nhưng hiệu quả bất ngờ - Ảnh 1.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá lồng bè trên biển của hộ ông Nguyễn Đức Minh, xã Hòn Nghệ (Kiên Lương, Kiên Giang).

Thời gian đầu, do chưa nắm bắt được kỹ thuật nuôi nên hiệu quả mang lại không cao, nhưng nhờ vào giống cá nuôi chủ yếu do người dân khai thác tự nhiên trên biển, cộng với nguồn thức ăn dồi dào, nên trong những lần nuôi thử nghiệm gia đình anh vẫn có lời. Từ đó giúp anh có thêm kinh nghiệm và động lực để tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi, đến nay gia đình anh có trên 25 lồng nuôi các loại cá bóp, mú đen, mú trân châu...

"Mỗi năm tôi thả nuôi 25 lồng với hàng trăm ngàn con giống các loại, sau khi trừ chi phí đầu tư, cộng với nguồn thu từ mua bán cá giống bán cho bà con trên xã đảo, mỗi năm gia đình lãi từ 500 - 700 triệu đồng", anh Được nói.

Ông Nguyễn Đức Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương cho biết, nghề nuôi cá lồng bè hiện đang là ngành kinh tế chủ lực của xã đảo và đang phát triển mạnh. Năm 2010 toàn xã đảo chỉ có trên 100 lồng nuôi, đến nay tăng lên hơn 1.200 lồng với hơn 100 hộ nuôi, sản lượng cá thương phẩm trong 5 năm gần đây đạt hơn 1.700 tấn.

Báo cáo tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: "Giải pháp nuôi cá lồng bè trên biển đạt hiệu quả cao và bền vững" tổ chức tại Kiên Giang vừa qua cho biết, nước ta có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi biển, với diện tích khoảng 500.000ha, sản lượng nuôi biển có thể đạt 2 triệu tấn/năm. 

Năm 2019, tổng diện tích nuôi biển đạt 57.000ha và 4,5 triệu m3 lồng nuôi; sản lượng đạt 470.000 tấn. Năm 2020, diện tích nuôi biển ước đạt 70.000 ha và 5 triệu m3 lồng nuôi; sản lượng khoảng 600.000 tấn.

"Nhốt" cá vào lồng thả nuôi trên biển, mênh mông sóng nước nhưng hiệu quả bất ngờ - Ảnh 2.

Ban cố vấn và các chuyên gia trả lời câu hỏi tại diễn đàn.

Cả nước hiện có khoảng 7.447 cơ sở nuôi biển, trong đó số cơ sở nuôi biển vùng bờ đến 3 hải lý là 6.506 cơ sở. Một số tỉnh có nghề nuôi biển phát triển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận, Kiên Giang…

Tại Kiên Giang, nghề nuôi biển phát triển rất nhanh những năm gần đây, với các loài cá cho giá trị cao như cá bớp, múa sao (mú cọp), mú đen, cá chim... Trong đó, nuôi cá lồng bè hình thành từ việc ngư dân ven biển đánh bắt cá tạp về nuôi vỗ béo, sau đó mới bán ra thị trường.

Hay như tại Khánh Hòa, năm 2019 cũng có tới 9.973 lồng bè nuôi cá biển, sản lượng đạt 3.972 tấn. 

Đặc biệt, có 2 đơn vị đang nuôi biển với quy mô công nghiệp lồng tròn Nauy là Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, nuôi cá chẽm với sản lượng 3.000- 4.500 tấn/năm và Cơ sở Nuôi trồng thủy sản của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I tại vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh), nuôi cá chim vây vàng với sản lượng 250 - 300 tấn/năm. Đáng chú ý sản phẩm cá biển của 2 đơn vị này đã được xuất khẩu đi một số thị trường nước ngoài.

Ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển bền vững

Mặc dù nghề nuôi biển tại nước ta đã có những bước phát triển đáng kể theo hướng hàng hóa với quy mô công nghiệp, nhưng theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nghề nuôi biển vẫn còn nhiều khó khăn bởi phần lớn các cơ sở nuôi cá lồng bè còn ở quy mô nhỏ, áp dụng công nghệ truyền thống, kết cấu lồng bè khá thô sơ (bè gỗ, phao nổi bằng thùng nhựa, lồng lưới có chất liệu nhựa kích cỡ nhỏ...) nên dễ bị thiệt hại khi có sóng to gió lớn.

Công nghệ nuôi lồng công nghiệp đã được ứng dụng thành công trong nuôi cá chẽm và cá chim vây vàng, nhưng chi phí đầu tư tương đối cao, do nguyên liệu làm lồng, thiết bị phụ trợ chủ yếu nhập từ nước ngoài. 

Kỹ thuật nuôi của ngư dân khá đơn giản, nguồn giống chủ yếu khai thác từ tự nhiên, thức ăn phần lớn là cá tạp nên dễ bị dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường, nhất là thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, giá cả bấp bênh…

"Nhốt" cá vào lồng thả nuôi trên biển, mênh mông sóng nước nhưng hiệu quả bất ngờ - Ảnh 4.

Mô hình nuôi cá biển theo công nghệ Na Uy tại vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hoà). Ảnh: T.L

Tại diễn đàn "Giải pháp nuôi cá lồng bè trên biển đạt hiệu quả cao và bền vững", các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với nghề nuôi cá lồng biển; kiểm soát chất lượng cá giống, địa chỉ cung cấp cá giống chất lượng; giải pháp kỹ thuật quản lý lồng nuôi (lựa chọn vị trí đặt lồng, quản lý lồng nuôi để hạn chế rủi ro); chăm sóc cá nuôi (nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiện tượng cá nuôi chậm lớn, chăm sóc và phòng trị bệnh cho cá, sử dụng thức ăn công nghiệp…); biện pháp kiểm tra hàm lượng hữu cơ và mức độ ô nhiễm nước trong khu vực nuôi lồng bè…

Ông Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang chia sẻ, để nghề nuôi cá lồng bè trên biển hiệu quả, bước đầu tỉnh đã quy hoạch khu vực nuôi phù hợp với điều kiện môi trường biển tự nhiên, tìm con giống từ đánh bắt tự nhiên, sinh sản nhân tạo và nhập khẩu; hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao quy trình công nghệ nuôi cá cho ngư dân; nuôi cá lồng bè trên biển kết hợp phát triển du lịch sinh thái biển đảo; đào tạo cán bộ chuyên ngành; nghiên cứu khoa học, công nghệ gắn với triển khai thực hiện hàng chục đề tài, dự án nuôi cá lồng bè trên biển; đầu tư lưới điện quốc gia ra một số xã đảo…

Tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát triển nuôi cá lồng bè trên biển trong thời gian tới theo hướng ổn định, an toàn, bền vững và hiệu quả, góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

"Để nuôi biển hiệu quả, bền vững, tôi cho rằng công tác giống phải thật tốt. Nhà nước phải đầu tư mạnh hơn để có đủ con giống phục vụ nuôi biển. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ổn định đầu ra để bà con yên tâm đầu tư" - ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem