Nhu cầu nhập khẩu của toàn cầu lên đến 230 tỷ USD, mặt hàng thế mạnh của Việt Nam tăng cơ hội chiếm thị phần
Nhu cầu nhập khẩu của toàn cầu lên đến 230 tỷ USD, mặt hàng thế mạnh của Việt Nam tăng cơ hội chiếm thị phần
P.V
Thứ tư, ngày 14/08/2024 14:43 PM (GMT+7)
Theo nhận định của Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), nhu cầu thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của thế giới khoảng 230 tỷ USD/năm, trong khi, hiện nay kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam mới chỉ chiếm trên 6% thị phần toàn cầu, nên các doanh nghiệp còn nhiều cơ hội mở rộng.
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong 7 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,361 tỷ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: sản phẩm gỗ đạt 5,967 tỷ USD, tăng 22,2%; gỗ đạt 2,785 tỷ USD, tăng 20,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 609 triệu USD, tăng 4,6%.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 7 tháng năm 2024 ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2023. Với kết quả trên, xuất siêu của toàn ngành sau 7 tháng ước đạt 7,86 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang 157 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ Việt vẫn tập trung ở 5 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU, giá trị xuất khẩu sang 5 thị trường này đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 88,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam thị trường Mỹ đạt 3,98 tỷ USD, chiếm trên 54,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.
Mặt hàng đồ gỗ là các sản phẩm chính Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này đạt 3,56 tỷ USD, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này trong 6 tháng đầu năm 2024, 10% còn lại là nhóm gỗ và sản phẩm nguyên liệu khác.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 2 của Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt 1,07 tỷ USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 14,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam.
Các sản phẩm thuộc nhóm gỗ và sản phẩm nguyên liệu gỗ là các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này đạt 1,05 tỷ USD, chiếm trên 98,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và Việt Nam sang thị trường này.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ khởi sắc
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mặc dù chưa phải mùa cao điểm nhưng sự phục hồi của thị trường tiêu thụ đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong quý II/2024 đạt kết quả tích cực.
Điều này cho thấy, các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tại thị trường lớn trên thế giới. Để làm được điều này, các doanh nghiệp ngành gỗ đã đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa mẫu mã.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng chú trọng đến việc sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững và cải thiện quy trình sản xuất để bảo vệ môi trường, giúp gia tăng giá trị sản phẩm và thu hút khách hàng tại các thị trường khó tính.
"Triển vọng xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 sẽ khởi sắc hơn, khi nhu cầu tiêu dùng đối với nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ sẽ tăng cao, nhằm phục vụ cho thị trường nhà ở hoàn thiện, mùa lễ hội vào cuối năm. Bên cạnh đó, kinh tế, thương mại toàn cầu đang trên đà hồi phục và sẽ tăng trưởng tốt hơn vào năm 2025. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (tháng 4/2024), khối lượng thương mại hàng hóa thế giới tăng trưởng 2,6% năm 2024 và dự báo tăng 3,3% năm 2025. Các tín hiệu tích cực từ nền kinh tế toàn cầu sẽ góp phần thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu, trong đó có mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST, đến thời điểm này, Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, điều này có nghĩa các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.
Nhận định về tình hình xuất khẩu của ngành trong 5 tháng cuối năm, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, theo yếu tố chu kỳ, các đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng về đồ nội thất bằng gỗ thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, khi thị trường nhà cửa, bước vào giai đoạn hoàn thiện và sửa sang, thay đổi nội thất để đón chào năm mới.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ đang có nhiều lợi thế từ nguồn lao động có tay nghề cao, nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, gỗ nhập khẩu hợp pháp có khả năng sản xuất ra các sản phẩm truy xuất được nguồn gốc.
“Nhu cầu thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của thế giới khoảng 230 tỷ USD/năm. Trong khi, hiện nay kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam mới chỉ chiếm trên 6% thị phần nhu cầu toàn cầu, nên các doanh nghiệp còn nhiều cơ hội mở rộng, phát triển thị phần”, ông Lực nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.