Bài 1: Kinh hoàng “hậu thảo quả”
Nỗi bất an
Thảo quả là loài cây đã được người nông dân vùng cao Lào Cai trồng từ cách đây cả trăm năm để sử dụng làm gia vị trong bữa ăn hàng ngày và làm vị thuốc chữa cảm mạo, đau bụng hiệu quả. Chỉ khoảng chục năm trở lại đây, khi thị trường Trung Quốc và Ấn Độ có nhu cầu lớn nhập loại quả này để làm gia vị và bào chế thuốc thì thảo quả mới được người nông dân trồng với số lượng tăng vọt, để cải thiện kinh tế.
|
Một góc vườn thảo quả trong rừng Bát Xát (Lào Cai). |
Tôi nhớ cách đây 3 năm, trong một chuyến đi xuyên rừng già Hoàng Liên để khám phá những rừng chè cổ thụ chưa có dấu chân người và những bãi đá cổ chưa một lần phát lộ, tôi đã được tận mắt chứng kiến những vùng thảo quả được người Mông trồng bạt ngàn ở những nơi rất sâu cách đường du lịch cả ngày cuốc bộ. Khi tôi đến thì những nương thảo quả đã được thu hoạch từ lâu và đập vào mắt tôi là một vùng cây cối xác xơ, cằn cỗi. Chẳng ai có thể tin được khung cảnh đó lại tồn tại giữa đại ngàn Hoàng Liên âm u, huyền bí.
Một người bản địa dẫn đường cho chúng tôi cho biết, thảo quả chỉ phát triển được dưới những tán rừng nguyên sinh mát mẻ, có độ ẩm và độ mùn cao, nếu ánh nắng soi trực tiếp vào thì cây phát triển không tốt. Vì thế bà con người Mông thường vào tận giữa rừng già để trồng thảo quả.
Đến mùa thu hoạch, người dân không vận chuyển quả tươi về vì đường đi lại rất hiểm trở, khó khăn, thảo quả dễ bị hỏng và giập nát. Họ đốt lò ngay trong rừng để sấy khô thảo quả rồi mới đóng bao vác về. Nguyên liệu đốt lò chính là những cây gỗ nhỏ mọc tự nhiên xung quanh khu vực trồng thảo quả. Vì thế khi hết gỗ để đốt, họ sẽ chuyển sang những vùng rừng nguyên sinh mới và bỏ lại một mảnh hoang tàn mà nhiều người đi rừng hay gọi là "hậu thảo quả".
Anh chàng người Mông này còn cho biết thêm, tại những vùng trồng thảo quả, loại cây này tiết ra một chất nhựa thơm ăn vào đất khiến cho những loại cây khác không thể sinh trưởng được và làm nên những vùng đất "chết". Theo kinh nghiệm của người nông dân thường xuyên ăn ở với rừng thì phải sau 4 - 5 năm, những thung lũng "chết" này mới có dấu hiệu hồi sinh.
Hiểm họa cho rừng
Lần này trở lại với Lào Cai, tôi đã bỏ cả ngày trời lặn lội vào khu vực rừng già ở xã vùng cao Y Tý để được tận mắt nhìn những bãi thảo quả xanh ngắt mọc chen lấn dưới gốc những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Theo quan sát của tôi, xung quanh khu vực trồng thảo quả, những cây gỗ nhỏ mọc tự nhiên đều bị đốn chặt tận gốc để sử dụng cho việc đốt lò sấy thảo quả tươi.
Khi chúng tôi có mặt ở khu vực này thì đã gần 12 giờ trưa nhưng vẫn nghe thấy tiếng cưa máy gào rú từ phía sau những nương thảo quả. Thấy tiếng chân người đến gần, những tiếng cưa máy chợt im bặt. Dẫu không thấy bóng của những "lâm tặc" trồng thảo quả nhưng chúng tôi vẫn có thể thấy trên mặt đất ngổn ngang những đoạn gỗ đang cắt xẻ dở để phục vụ cho việc đốt lò.
Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai: "Chúng tôi không khuyến khích người dân trồng thảo quả vì với ý thức kém, người dân sẽ phá rừng đầu nguồn để lấy đất trồng cũng như lấy gỗ sấy khô thảo quả".
Đồng chí Nguyễn Viết Huấn - kiểm lâm viên của Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết, trong quá trình đi kiểm tra, không ít lần cán bộ kiểm lâm đã phát hiện đồng bào dân tộc Mông phá trộm cây rừng để lấy đất trồng thảo quả. Họ chỉ để lại những cây cổ thụ có tán rộng để che bóng mát còn những cây gỗ nhỏ thì thẳng tay chặt phá rồi xếp ngay bên cạnh những lò sấy dã chiến.
Nhìn những lò sấy nằm ngay giữa vùng lõi của cánh rừng nguyên sinh, tôi lại rùng mình nhớ lại vụ cháy kinh hoàng kéo dài suốt 7 ngày 7 đêm thiêu sống hơn 700ha rừng vào đầu tháng 2.2010. Khu vực bị cháy có rất nhiều vạt thảo quả do người dân trồng, vì thế nguyên nhân cháy rừng có thể chỉ do một chút bất cẩn trong quá trình sấy quả.
Trao đổi với chúng tôi, bà Cao Thị Hòa Bình - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai - khẳng định: "Đúng là khi người dân vùng cao thiếu hiểu biết, chưa được các chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn thì có hiện tượng phá rừng già lấy đất trồng thảo quả hoặc chặt cây làm nguyên liệu sấy nông phẩm. Chính vì thế khi có chương trình phát triển loại cây này nhằm cải thiện đời sống của bà con dân tộc thì nhiều người đã kịch liệt phản đối vì cho rằng trồng thảo quả đồng nghĩa với việc phá rừng".
------------
Bài 2: Kiếm bạc tỷ vẫn nghèo
Nguyễn Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.