1.
Tôi về xứ Đoài. Anh trai tôi cưới vợ cho con. Mẹ tôi móm mém răng đen dặn dò: “Con nhớ chọn những buồng cau thật đẹp, thật ngon về cho các cụ têm trầu đãi khách. Mà cau trầu phải mua, đừng xin nhà ai, ai cho cũng không nhận”. Mẹ cũng còn dặn, nhớ kiểm tra cái bình vôi góc nhà lâu nay mẹ vẫn sử dụng xem có còn nhiều không, nếu thấy ít thì phải chuẩn bị thêm vôi cho các cụ têm trầu. Cũng đừng quên mua thêm những chiếc dao bổ cau thật sắc…
Chợ Nủa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội) ngày giáp Tết. Ảnh: Lê Bích
Mẹ tôi có kinh nghiệm chọn cau trầu. Kinh nghiệm được tích lũy trong suốt mấy chục năm với gánh cau trầu đi khắp chợ Nủa, chợ Chàng, chợ Doi… ở mạn xứ Đoài. Tôi vẫn gọi thế hệ của mẹ là thế hệ răng đen còn sót lại. Bây giờ, những người có hàm răng đen lấp lánh hồi nào đang dần thưa vắng, nhường chỗ cho những thế hệ khác - răng trắng, và cũng không mấy tha thiết với miếng trầu.
Thế nhưng, chuyện cưới hỏi, chuyện Tết nhất, rồi những ngày tuần ngày lễ, cơi trầu quả cau vẫn không thể thiếu vắng trong mỗi gia đình ở quê tôi.
Mẹ kể rằng, trước đây, nhà ai cưới con gái còn đi chia cau khắp làng. Nếu người làng thì chia một quả, người trong cành, trong họ thì chia ba quả. Thông qua việc chia cau cưới ấy, để báo với cả làng rằng, con gái đã lấy chồng, đừng ai nhòm ngó hay lời ra tiếng vào gì nữa. Nét đẹp ấy rất tiếc giờ đã không còn được duy trì, nhưng tôi tin, đến một ngày không xa, sẽ trở lại…
Hôm đám cưới cháu tôi, anh trai tôi xếp bộ bàn ghế cổ lại, trải chiếu hoa ở phòng khách để các bà, các cụ móm mém răng đen ngồi têm trầu. Nhìn những đĩa cau được các cụ bày biện, sắp xếp cho cháu con bê ra đãi khách, thấy nguyên vẹn một nếp sống đã hằn in trong tâm trí, làm nên văn hóa làng, văn hóa sống của cả một thế hệ. Những nghi thức cau trầu ấy, đã nối dài một tập tục văn hóa của người Việt, làng Việt. Đó là chút duyên quê đã được níu giữ, tiếp nối và trao truyền cho thế hệ sau.
2.
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, tục nhuộm răng đen của người Việt Nam trước đây thể hiện văn hóa bản địa, không chỉ là quan điểm thẩm mỹ mà còn thể hiện tri thức dân gian về vệ sinh răng miệng và niềm tin về tín ngưỡng.
|
Với người Việt Nam dù sống ở miền ngược hay miền xuôi, miền biển hay đồng bằng, ăn trầu không đơn thuần chỉ là một thói quen, một tập tục, mà còn là yếu tố cấu thành nên những giá trị văn hóa truyền thống. Các nhà nghiên cứu văn hóa cũng thống nhất ở một điểm: Trầu cau vừa là biểu hiện của phong cách Việt, vừa thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo. Trước tiên, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, giúp cho mối quan hệ giữa người với người trở nên gần gũi, cởi mở hơn. Quả cau, lá trầu còn như sợi dây kết nối tình cảm giữa con cháu với tổ tiên, ông bà vào những dịp lễ trọng…
Tôi không rõ tục ăn trầu của người Việt có từ khi nào. Lần mở sách thì thấy nói có từ thời Vua Hùng. Nhưng có dịp đi đó đi đây, dù cho mỗi vùng miền có điều khác biệt, nhưng nghi lễ trầu cau vẫn có nhiều nét chung, được nhiều nơi gìn giữ và làm nên những nét Việt rất đáng trân trọng.
Ngay ở xứ Đoài quê tôi cũng vẫn duy trì một tập tục được trao truyền thông qua miếng trầu, quả cau. Ấy là vào ngày Tết, anh em, họ hàng thường đến chúc Tết nhà nhau. Và thứ không thể thiếu đó là quả cau, lá trầu dâng lên ban thờ cúng tổ tiên ông bà. Nghi lễ này đã có từ lâu và đến nay vẫn được duy trì như một tập tục văn hóa đầu năm mới.
Về làng, bây giờ không còn nhiều những bà, những mẹ răng đen. Ảnh: Thanh Bình
Ở quê tôi, chợ Nủa phiên 27 Tết, góc bán trầu cau luôn tấp nập. Ngày trước, mẹ tôi cũng thường gánh cau trầu đi bán ở phiên chợ này. Tôi vẫn nhớ như in hồi ấy, những lều chợ lợp mái rơm giản dị, có khi bị lũ trẻ chăn trâu rút mất một góc để đốt lửa xua tan cơn gió bấc buốt lạnh mùa đông; còn những người bán cau trầu khi ấy ai nấy đều cao tuổi, môi luôn đỏ như tô son và đều có hàm răng đen lấp lánh...
Bây giờ, những hàm răng lấp lánh của “thế hệ răng đen” đã ngày một thưa vắng. Tiếng cười cũng không còn vang xa. Những phiên chợ Tết, những buổi hội làng cũng ít gặp những cụ bà môi đỏ như son, hàm răng đen lấp lánh. Nhưng, chút duyên quê ấy vẫn còn khi ta về lại với làng Việt, ngồi xuống bậc thềm lắng nghe những câu chuyện của người già. Bởi không quá lâu nữa đâu, thế hệ răng đen ấy sẽ chỉ còn trong ký ức, trong hoài niệm, và trong những bức ảnh...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.