Những thông điệp cuối cùng gửi đến những người thân yêu đã được chuyển đi qua con đường được xem là nhanh nhất của bưu điện từ hơn một thế kỷ nay. Có những bức điện chan chứa lời yêu thương, nhưng cũng có những bức điện chỉ kèm theo những dòng chữ ngắn ngủi, đầy tiếc nuối.
Bắt đầu từ ngày 15.7, dịch vụ điện tín đã bị khai tử, và với nhiều người Ấn Độ họ đã xem đó là “một thời đại đã kết thúc”, “một quá khứ đầy ắp kỷ niệm đã khép lại” và là “một phần của lịch sử Ấn Độ”.
Thời Ấn Độ bị chia cắt vào năm 1947, đã có khoảng 20 triệu bức điện tín được gửi đi từ Ấn Độ. Vào những thời kỳ đỉnh cao của những năm 1980, mỗi năm có đến 60 triệu bức điện được gửi đi và ngành dịch vụ này đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 12.000 người. Tuy nhiên, ngày nay, chỉ có một bộ phận ít ỏi dân chúng vẫn còn dùng dịch vụ đánh điện, đó là những vùng xa xôi hẻo lánh, nơi mà mạng lưới internet chưa phủ sóng đến cộng đồng dân cư. Từ năm 2008, nhân viên dịch vụ này phải đổi việc, và trước ngày đóng cửa, dịch vụ này chỉ còn 968 nhân viên cho cả một đất nước rộng gần như một lục địa.
Ngành bưu điện Ấn Độ đã dự kiến trước số lượng người ồ ạt đến đánh điện tín vào ngày 14.7, cho nên đã cho tăng cường nhân viên. Bưu điện tiếp nhận tin gửi đi cho đến 10 giờ tối (giờ địa phương) để nhân viên có thể nhanh chóng chuyển đi trong ngày và nếu không kịp thì sẽ phát đi vào sáng ngày sau đó.
Các bức điện tín với giá tối thiểu 29 rupia (0,5 USD) sẽ được các nguời đi xe đạp phát tận tay người nhận. Một nhân viên tiết lộ, anh chưa bao giờ thấy có đông người đi gửi điện tín như vậy. Có người gửi đến 20 bức điện một lúc. Có người tiếc nuối: “Nếu trong năm mà có được một lượng khách hàng như thế thì có lẽ dịch vụ này sẽ được cứu vãn”.
Hạ Anh (tổng hợp) (Hạ Anh (tổng hợp))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.