Những câu nói dễ gây chạnh lòng ngày Tết

Theo Minh Hương/ Lao Động Thứ năm, ngày 26/01/2023 07:50 AM (GMT+7)
Tổng kết 3 ngày Tết Nguyên đán 2023, câu nói gây chạnh lòng, khó xử với nhiều người thuộc về vấn đề so sánh thu nhập, chuyện lập gia đình...
Bình luận 0
Chia sẻ về chuyện ngày Tết, chị Phạm Thị Ngọc Mai (27 tuổi, quê Thanh Hoá) cho biết, trong mâm cơm gia đình mùng 1 Tết, mọi người cùng quây quần bên nhau.

Nâng chén rượu chúc nhau ngày Tết, chị Mai kể, câu đầu tiên chúc nhau sức khoẻ, câu thứ hai hỏi han công việc, đến câu thứ ba hỏi về thu nhập của nhau.

Rồi tiếp đến là so sánh ai kiếm tiền được ít ai kiếm tiền được nhiều, lương của người này gấp mấy lần người kia.

Những câu nói dễ gây chạnh lòng ngày Tết - Ảnh 1.

Chuyện tiền lương, lập gia đình ngày Tết là những vấn đề dễ khiến người trẻ chạnh lòng. Ảnh: Minh Hương.

"Một người bác ruột hỏi về lương của tôi, tôi trả lời chỉ được hơn 5 triệu đồng/tháng. Rồi bác so sánh con gái của bác lương gấp 3 lần tôi, ngày xưa tôi học giỏi trong trong dòng họ nhưng lương chỉ 3 cọc 3 đồng. Bác hỏi thêm, ngoài lương ra tôi có kiếm thêm bên ngoài nữa không... Tôi không biết bác hỏi vì tò mò hay đang muốn soi mói, tọc mạch" - chị Mai nói.

Với chị Mai, những câu nói như vậy khiến chị khá tổn thương và xấu hổ.

Mâm cơm ngày đầu năm vốn dĩ phải vui vẻ, sum họp nhưng lại trở nên nặng nề bởi những câu nói vô hình nhưng đầy sát thương đó.

Còn với chị Nguyễn Thị Nhàn (29 tuổi, quê Nam Định), câu hỏi khiến chị chạnh lòng và cảm thấy khó chịu đó là họ hàng gần xa quá để ý đến chuyện bao giờ chị lập gia đình.

Chị Nhàn cho hay, ở độ tuổi gần 30, bạn bè đồng trang lứa hầu hết đều đã lập gia đình, người sớm nhất cũng đã có con 10 tuổi.

Còn cô gái trẻ, từ ngày rời quê ra thành phố học tập rồi sinh sống làm việc, chưa bao giờ dẫn bạn trai về ra mắt bố mẹ. Chị Nhàn quan niệm, nếu xác định tiến tới hôn nhân, chị mới dẫn người yêu về thăm nhà.

"Tuy nhiên, người thân trong gia đình, họ hàng hai bên lại không hiểu hết, nghĩ rằng tôi không ai theo đuổi nên đã giới thiệu, làm mối cho tôi hết người này đến người khác. Tôi giống như một món hàng; còn trẻ, vậy mà làm mối cho tôi với người đã có tuổi..." - chị Nhàn nói.

Dù trong lòng không vui nhưng chị Nhàn cũng đã khéo léo trả lời để mọi người không lấy mình ra làm tiêu điểm bàn luận.

Anh Nguyễn Khắc Tâm (35 tuổi, quê Ninh Bình) cho rằng, với những câu nói gây "mất đoàn kết" ngày Tết, nên có cách đối đáp hài hước để không làm mất lòng người khác.

Anh Tâm nói, nên thông cảm với những người hay tò mò. Đơn giản vì họ chẳng thể hiểu hết về cuộc sống của chúng ta. Họ đa phần đều là anh em trong thân tộc, không gây khó khăn mà chỉ sống theo bản năng, câu hỏi cũng chỉ để làm quà.

Vậy nên, với câu hỏi về lương thưởng, anh Tâm chia sẻ kinh nghiệm trả lời: "Cũng như nhiều người khác, cũng đủ ăn, không thừa, không thiếu"; hỏi về cân nặng thì nói "mập mạp mới có nhiều lộc"; hỏi về chuyện lập gia đình, "cuối năm cháu cưới, bác cứ chuẩn bị tinh thần...".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem