Đi mòn lốp xe mời học sinh đến lớp
Tu Mơ Rông là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Kon Tum, nơi đây được nhiều người ví von là “cổng trời” bởi độ cao chót vót. Dân cư ở đây phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều gia đình cũng chưa nhận thức được việc học của con cái nên tình trạng vắng học, bỏ học của các em học sinh ở các trường bán trú trên địa bàn huyện diễn ra thường xuyên. Lo các trò mất đi con chữ, thầy cô giáo đã băng rừng lội suối xuống từng nhà vận động các em đến trường.
Theo thầy Tưởng Văn Quang - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Măng Ri (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) cho biết, trường có 144 em học sinh, hầu hết các em ở xa phải đi bộ đến trường nên nhiều lúc trời mưa rét là học sinh lại vắng học, rồi ở nhà luôn.
Thầy Quang (bên phải) đang vận động Y Bưới (giữa) đi học. Ảnh Trần Hiền
“Chúng tôi phải chia nhau đi vận động các em đến trường, cũng chẳng nhớ là bao năm nay đi vận động bao nhiêu lần vì đi nhiều quá, đến nỗi lốp xe cũng phải thay thường xuyên vì bị đường rừng “ăn” mòn. Hễ thấy em nào nghỉ học là phải đi luôn.
Cách đây hai hôm tôi cùng thầy hiệu phó vừa vận động được em Y Bưới (học sinh lớp 8) trở lại trường. Nghe em tâm sự vì đường xa, nhà lại nghèo nên em phải ở nhà giúp bố mẹ làm rẫy mà thấy thương quá”, thầy Quang chia sẻ.
Ở các ngôi trường bán trú vùng cao ở huyện Tu Mơ Rông, hàng ngày giáo viên dạy chữ trong điều kiện hết sức thiếu thốn. Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tê Xăng (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông), bên cạnh vài phòng học bằng xi măng là 2 phòng học lụp xụp dựng bằng phên gỗ cũ kỹ. Cô Lê Thị Thao đang sử dụng 1 phòng để dạy chữ cho 14 học sinh lớp đặc biệt. Đây là lớp học bồi dưỡng cho các học sinh chưa biết đọc và viết từ lớp 1 đến lớp 5.
Phòng học tạm bợ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tê Xăng. Ảnh Trần Hiền
“Dạy ở phòng gỗ này trời nắng còn đỡ chứ trời mưa nước chảy vào lênh láng cả. Mùa đông thì gió rét lùa vào lạnh buốt. Có hôm buổi chiều, chó, gà vào phóng uế, sáng hôm sau cô, trò lại phải lấy nước tạt, rồi lau chùi để học tiếp”, cô Thao tâm sự.
Thiếu thốn trăm bề
Theo thầy A Vôn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tê Xăng (xã Xê Xăng), do thiếu phòng học nên ngoài việc dùng phòng tạm, nhà trường còn phải mượn 1 phòng trong trụ sở UBND xã để dạy. Ngoài ra còn mượn xã 2 phòng và mượn nhà sàn của dân làm chỗ ở cho giáo viên.
Ngược về Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Văn Xuôi (xã Văn Xuôi), chúng tôi thấy một số giáo viên đang mang can qua nhà dân xin nước rồi chở về trường sinh hoạt, nấu ăn. Thầy Lê Văn Giang - Hiệu phó nhà trường cho biết, trường có giếng khoan nhưng đang xây, hiện đang sử dụng giếng đào, nước không đủ. Thiếu nước nên có thời điểm phải hứng nước mưa hoặc xuống dân xin. Có lúc kẹt nước, giáo viên phải xuống suối tắm, giặt.
Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Văn xuôi đi xin nước về dùng
Trao đổi với chúng tôi, Ông Lê Văn Hoàn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Trên địa bàn có 34 trường học với 91 điểm trường, trong đó hơn 60 điểm trường thiếu nước và nhà vệ sinh xuống cấp. Nhiều nơi do thiếu phòng học nên phải mượn tạm phòng của trụ sở UBND xã hoặc nhà văn hóa để dạy, việc thiếu nước, cơ sở vật chất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học”.
Những giáo viên vẫn cắm bản vì không muốn các trò mất đi con chữ
Theo ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, địa phương rất quan tâm đến việc dạy và học của các em. Tại một số điểm trường thiếu phòng học, UBND huyện đã giao cho xã và phòng GD-ĐT tìm vị trí xây dựng. Riêng việc thiếu nhà vệ sinh và nước, UBND huyện đã đi khảo sát để từng bước khắc phục.
Trong năm 2017 đã đầu tư 3 tỷ đồng để sửa chữa và xây mới nhà vệ sinh, đường ống nước. Mới đây, UBND tỉnh đã cấp hơn 2,7 tỷ đồng để tiếp tục làm các nhà vệ sinh ở các điểm trường. Trong năm 2018, huyện tiếp tục đầu tư cho các điểm trường còn lại, dự kiến đến năm 2019 sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước và nhà vệ sinh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.