Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Sau thời gian dài chờ đợi, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hay còn gọi là "Siêu uỷ ban" sẽ chính thức ra mắt vào ngày 30.9. Theo đó, 19 tập đoàn, tổng công ty lớn sẽ được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý (Siêu ủy ban).
Với quyết định chuyển 19 "ông lớn" Nhà nước về “Siêu ủy ban”, khoảng 1,5 triệu tỷ đồng tổng tài sản và 820.000 tỷ đồng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước mà các doanh nghiệp này đang nắm giữ sẽ được đưa vào thị trường theo đúng cam kết.
Vậy trước ngày về “Siêu ủy ban”, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hoạt động ra sao?
Lợi nhuận “ngược chiều” doanh thu
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018 doTập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) công bố, Tập đoàn đạt doanh thu thuần 25.499 tỷ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Song nhờ giá vốn giảm tới 5,8%, tương ứng 2.173 tỷ đồng, nên lợi nhuận thuần của do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đạt 6.931 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017.
Lợi nhuận sau thuế của VNPT tăng 13,8% lên 2.720.627 tỷ đồng so với cùng kỳ (Ảnh minh họa)
Sau 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu hoạt động tài chính của VNPT tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017, ghi nhận con số 1.074 tỷ đồng, tăng 91%. Song hành với đó, chi phí tài chính của VNPT cũng giảm 18,4%, chỉ ghi nhận 82,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước là hơn 101 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế của VNPT đạt 3.198 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn lợi nhuận sau thuế cũng tăng 13,8% lên 2.720.627 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 30.6.2018, tổng tài sản của VNPT đạt 93.946 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,8% so với hồi đầu năm. Phần lớn tài sản của VNPT tập trung ở tài sản cố định với 36.526 tỷ đồng và đầu tư tài chính ngắn hạn với 34.853 tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tính của Tập đoàn ở đạt 65.478 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,2% so với đầu năm. Nợ phải trả là 28.467 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 95%.
Tính đến thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản của Tập đoàn đạt trên 95.633 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng khá cân bằng giữa tài sản ngắn và dài hạn.
Cụ thể, tài sản ngắn hạn 51.570 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền 4.853 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, đầu tư tài chính ngắn hạn 35.044 tỷ đồng (không có thuyết minh). Tổng các khoản tiền, tương đương tiền cộng thêm đầu tư tài chính ngắn hạn là gần 39.000 tỷ đồng (khoảng trên 1,7 tỷ USD).
Một điểm đáng lưu ý là Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 do VNPT công bố không có đầy đủ phần Thuyết minh báo cáo tài chính theo quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP.
Nặng gánh với các công ty con
Tính đến 31.12.2017, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông sở hữu 4 công ty con 100% vốn gồm Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT – Vinaphone); Tổng công ty truyền thông (VNPT – Media); Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện và Công ty TNHH MTV Cáp quang. Đồng thời là 28 công ty con dưới dạng công ty cổ phần và Công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Theo Báo cáo Giám sát tài chính năm 2017 của VNPT vừa được công bố, tính đến thời điểm 31.12.2017, VNPT có vốn đầu tư tại 28 công ty con, trong đó 4 công ty con 100% vốn; 31 công ty liên kết và 10 khoản đầu tư tài chính khác.
Tổng số vốn mà VNPT đầu tư ra bên ngoài là 2.298 tỷ đồng theo giá trị sổ sách. Trong đó, đầu tư vào công ty TNHH MTV 100% vốn điều lệ là 5.105 tỷ đồng; đầu tư vào công ty con dưới 100% vốn điều lệ là 1.072,3 tỷ đồng; đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác là 1.226 tỷ đồng.
Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2017 của nhóm công ty con dưới 100% vốn điều lệ là 541,3 tỷ đồng. Trong 24 công ty con của nhóm này có 2 công ty thua lỗ trong năm 2017 là công ty cổ phần Vineco lỗ 4,777 tỷ đồng và công ty cổ phần Bất động sản Bưu chính viễn thông lỗ 924 triệu đồng. Cũng qua báo cáo Giám sát trên thì tính riêng hai công ty con VNPT đã lỗ gần 6 tỷ đồng.
Đối với nhóm các công ty liên kết và đầu tư tài chính, có tới 2 doanh nghiệp lỗ liên tiếp trong năm 2016, 2017. Được biết, 2 doanh nghiệp này nằm trong danh mục thoái vốn của VNPT theo Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2018-2020.
Trong năm 2018, Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF), công ty 100% thuộc sở hữu của Tập đoàn VNPT, đã chính thức về chung “một nhà” với Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank)
Trong năm 2018, Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF), công ty 100% thuộc sở hữu của Tập đoàn VNPT, đã chính thức về chung “một nhà” với Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).
Theo chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Tập đoàn VNPT đã tiến hành bán đấu giá toàn bộ cổ phần tại PTF. Đầu tháng 2.2018, SeABank tham gia phiên đấu giá công khai mua cổ phần PTF của VNPT và là đơn vị trúng đấu giá cao nhất với mức giá 710 tỷ đồng.
Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện được cấp phép thành lập vào tháng 10.1998 và là một trong những công ty tài chính đầu tiên của Việt Nam. Hiện PTF có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và tổng tài sản tại thời điểm kết thúc năm 2017 đạt 347 tỷ đồng.
BCTC năm 2017 của Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện và thông tin gửi các nhà đầu tư trước phiên đấu giá cho thấy tình hình hoạt động không mấy khả quan của doanh nghiệp này.
Năm 2017, Công ty doanh thu thuần đạt hơn 9,14 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2016. Lợi nhuận trước thuế gần cán mốc 40 tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm 2016. Còn lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 33,7 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm trước đó.
Ngoài ra, vốn chủ sở hữu của Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện vào cuối năm 2015 và 2016 đều âm hàng chục tỷ đồng, đến giữa năm 2017 nâng lên 414 triệu đồng.
Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2017 của PTF đạt gần 30,7 tỷ đồng, trong khi kết quả cả năm đạt 33,7 tỷ đồng. Mặc dù lợi nhuận cả năm khá cao so với cùng kỳ nhưng phần lớn lợi nhuận được tạo ra trong nửa đầu năm, nửa cuối năm chỉ đạt 3 tỷ đồng.
Với những khoản thua lỗ từ hoạt động của các công ty con, "siêu uỷ ban" quản lý 1,5 triệu tỷ đồng và ông Nguyễn Hoàng Anh còn nhiều việc phải làm với VNPT.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.