Những đại án được khám phá, xử lý thời Chủ tịch nước Tô Lâm làm Bộ trưởng Bộ Công an

Xuân Huy Thứ năm, ngày 23/05/2024 06:33 AM (GMT+7)
Dưới thời Đại tướng Tô Lâm làm Bộ trưởng Bộ Công an, đã có nhiều vụ đại án được khám phá, xử lý, điển hình như vụ Chuyến bay giải cứu, vụ Việt Á, vụ Vạn Thịnh Phát, vụ tập đoàn Phúc Sơn, vụ xảy ở tập đoàn Thuận An...
Bình luận 0

Sáng 22/5, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị đã tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 -2026, sau khi được Quốc hội bầu. Ông cũng được Quốc hội miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026.

Đại tướng Tô Lâm có thời gian công tác gắn với ngành Công an, trong đó có 9 năm làm Bộ trưởng Bộ Công an. Thời gian Đại tướng Tô Lâm đứng đầu Bộ Công an, có hàng loạt đại án đã được phát hiện, xử lý. Trong những vụ án này, có những cán bộ, lãnh đạo là Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy...đã bị khởi tố do liên quan đến sai phạm.

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên quan

Mới đây, ngày 15/4/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ. Đây là động thái đầu tiên khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Ngày 22/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Những đại án được khám phá, xử lý thời Chủ tịch nước Tô Lâm làm Bộ trưởng Bộ Công an - Ảnh 1.

Ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Bộ Công an

Sau đó, ngày 1/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt tạm giam với ông Dương Văn Thái, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (nay đã bị khai trừ Đảng và bãi nhiệm ĐBQH). Ngoài ra còn nhiều cán bộ khác bị khởi tố, vụ án này đang được điều tra.

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan

Mở đầu vụ án này, ngày 26/2/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam với Nguyễn Văn Hậu (tức "Hậu Pháo", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn) và 5 người khác về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là kết quả mà Bộ Công an điều tra vụ án Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty cổ phần đầu tư Thương mại và bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan.

Điều tra mở rộng, ngày 8/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam bà Hoàng Thị Thuý Lan, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc và ông Lê Duy Thành, lúc đó Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cùng về tội Nhận hối lộ (nay 2 người nay đã bị khai trừ Đảng).

Những đại án được khám phá, xử lý thời Chủ tịch nước Tô Lâm làm Bộ trưởng Bộ Công an - Ảnh 2.

Bà Hoàng Thị Thuý Lan, Bí thư Tỉnh ủy và ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Bộ Công an.

Cùng tội danh trên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam ông Cao Khoa, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Ông Đặng Văn Minh, lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi; ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi.

Đến ngày 27/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Viết Chữ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi và Phạm Hoàng Anh, lúc đó là Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để điều tra tội Nhận hối lộ. Ngoài ra trong vụ án này còn nhiều cán bộ khác bị khởi tố, vụ án đang trong quá trình điều tra.

Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh)

Mở đầu vụ án là ngày 15/1/2023, C03 khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Cao Trí, là chủ đầu tư dự án Sài Gòn - Đại Ninh.

Ông Nguyễn Cao Trí bị bắt khi đó vì có quan hệ làm ăn với bà Trương Mỹ Lan (chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát) liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh. Sau khi bà Lan bị bắt, ông Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo thực hiện các hoạt động nhằm chiếm đoạt tài sản của bà này.

Hai tháng sau, C03 khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng vì có liên quan đến quá trình xem xét, sửa đổi Kết luận Thanh tra số 929/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh. Đến tháng 8/2023, bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ I thuộc Văn phòng Chính phủ, bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn liên quan vụ án nhận hối lộ tại dự án này.

Những đại án được khám phá, xử lý thời Chủ tịch nước Tô Lâm làm Bộ trưởng Bộ Công an - Ảnh 3.

Ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bị bắt trong vụ án Công ty Sài Gòn - Đại Ninh.

Ngày 2/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về tội Nhận hối lộ do đã có hành vi nhận hối lộ liên quan đến dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng.

Đến ngày 24/1, ông Trần Đức Quận bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Mới đây nhất, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra khởi tố, bắt tạm giam ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, liên quan đến vụ án tại Dự án Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, vụ án trên thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương bị xộ khám trong vụ án Xuyên Việt Oil

Mở đầu vụ án này, ngày 8/9/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam và Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và Nguyễn Thị Như Phương, phó Giám đốc.

Đến ngày 19/12/2023, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM (nguyên cục trưởng Cục Thuế TP.HCM), bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra sai phạm trong vụ án này.

Những đại án được khám phá, xử lý thời Chủ tịch nước Tô Lâm làm Bộ trưởng Bộ Công an - Ảnh 4.

Ông Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Ba ngày sau, Cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Thắng Hải, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Công Thương để điều tra làm rõ sai phạm liên quan trong vụ án Xuyên Việt Oil.

Ngày 27/12, ông Đặng Công Khôi, Cục Phó Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cũng bị xộ khám trong vụ án Công ty xăng dầu lớn phía Nam Xuyên Việt Oil. Cùng ngày này, ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương, cũng bị bắt.

Ngoài ra, trong vụ án này, ông Trần Duy Đông, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Bộ Công Thương và 3 cán bộ khác của Bộ Công Thương cũng đã bị khởi tố.

Vụ Vạn Thịnh Phát

Đây là vụ án gây rúng động động dư luận, bởi sự tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng diễn ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) do bà Trương Mỹ Lan cầm đầu trong hơn 10 năm.

Vụ án này có 86 người bị truy tố. Tổng số tiền thiệt hại của vụ án lên tới 677.000 tỷ đồng (tương đương 27 tỷ USD). Đây là vụ án tham nhũng kinh tế lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

Vụ án này, bà Trương Mỹ Lan bị tuyên mức án cao nhất là tử hình; ông Trương Văn Thành (cựu Chủ tịch Ngân hàng SCB); Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) phải chịu mức án chung thân.

Bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) bị phạt mức án tù chung thân do đã nhận hối lộ tới 5,2 triệu USD vì đã bao che sai phạm tại SCB. Ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) 11 năm tù về tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ngoài ra, còn có 15 bị cáo khác là cán bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính Phủ cũng phải hầu tòa do có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Vụ án này đã được xét xử sơ thẩm.

Đại án Chuyến bay giải cứu

Trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" xảy ra giữa đại dịch Covid-19 (từ 4/2020-1/2022), đã có 54 người bị truy tố. Trong số này, có 21 bị can bị truy tố về tội Nhận hối lộ. Vụ án này đã được xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.

Trong vụ án này có một số cựu quan chức như cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; cựu Trợ lý Phó Thủ tướng là Nguyễn Quang Linh; Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội; Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng thuộc Bộ Công an); Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự); cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng; cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân...

Những đại án được khám phá, xử lý thời Chủ tịch nước Tô Lâm làm Bộ trưởng Bộ Công an - Ảnh 5.

Ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Đại án Việt Á

Trong vụ án xảy ra ở Công ty Việt Á và các đơn vị liên quan, có 38 người bị khởi tố, xét xử. Theo Viện kiểm sát nhận định, đại án kit test Việt Á là điển hình của lợi ích nhóm, tham nhũng có hệ thống, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước đặc biệt nghiêm trọng.

Vụ án này, có nhiều người là cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy bị xử lý.

Những đại án được khám phá, xử lý thời Chủ tịch nước Tô Lâm làm Bộ trưởng Bộ Công an - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế bị bắt trong vụ kit xét nghiệm Việt Á.

Tại Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Long, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế bị xét xử với tội danh Nhận hối lộ. Ngoài ra, có những thuộc cấp như ông Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế; ông Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính...

Tại Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng; ông Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bị khởi tố, xét xử về tội Vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ngoài ra, còn có một số người là lãnh đạo các tỉnh, thành, cán bộ quân đội cũng bị xử lý, điển hình như cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng, cựu PGĐ Viện nghiên cứu y dược học quân sự Hồ Anh Sơn...cũng bị bắt do liên quan sai phạm trong vụ án này.

Vụ án này đã được xét xử sở thẩm và phúc thẩm.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem