Những “đại thụ” vùng biên cương (bài 1): Ngọn cờ mở đầu
Những “đại thụ” vùng biên cương (bài 1): Ngọn cờ mở đầu
Mai Nguyên
Thứ năm, ngày 28/01/2021 06:00 AM (GMT+7)
Trong phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia", những thế hệ già làng trưởng bản có thể được xem như thế hệ đi đầu, những người mở đường.
Những câu chuyện của họ từ thời của những cánh rừng chưa có lối đi, những bãi đất đầy bom mìn, hay từ những ngôi làng bị đốt rụi... không chỉ ghi dấu ấn của chính họ, mà còn là một đoạn lịch sử không thể quên của người Việt.
Lá cờ trên đỉnh cao nhất phía Bắc Lũng Cú, hay những bản làng trù phú vùng biên giới phía Bắc, không phải sự hình thành đơn giản. Phía sau đó, là những gương mặt góp công đặt nền móng, mở đường.
Sự tích lá cờ 54m2
Sáng ngày 12/1/1978, xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang) có một sự kiện lịch sử: Khánh thành tuyến đường từ Ma Lé và trung tâm xã. Đó là lần đầu tiên có một con đường ôtô có thể đi tới nơi được coi là "đầu trời" phía Bắc. 36 xe ôtô từ các tỉnh về dự lễ khánh thành. Ông Hùng Đình Quý - khi đó là Phó Chủ tịch huyện Đồng Văn nhớ lại: "Phó Trưởng ban Dân tộc Trung ương Nhị Quý, ông Triệu Khánh Phương – Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu tự trị Việt Bắc cũng có mặt. Xe ôtô đỗ kín gần 2km đường". Chưa bao giờ xã vùng cao thấy nhiều ôtô thế.
Đó không phải câu chuyện riêng một lá cờ, đó là câu chuyện của người mở đường góp phần tạo nên một dải từ Bắc – Nam trên đất Việt. Cột cờ Lũng Cú có thể thay đổi diện mạo nhiều lần, nhưng lá cờ 54m2 chưa từng thay đổi.
Trong lễ khánh thành, trên đỉnh núi, người ta dựng một cột cờ làm từ một cây thông cao 15m, đường kính 20cm với lá cờ diện tích đúng 54m2. Từ đằng xa, lá cờ nổi bật trên nền trời. Không ai nghĩ sau này, vị trí đó đã trở thành trọng điểm du lịch quốc gia. Và con số 54m2, thành con số tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam.
Nhắc lại câu chuyện ấy, ông Hùng Đình Quý cười xòa, nói khi đó chỉ nghĩ phải làm một lễ khánh thành long trọng. Khi đi đặt may lá cờ ở Phó Bảng, người ta tư vấn ông nên may một chiều 9m, một chiều 6m cho đúng chuẩn kích thước vải: "Không ngờ lại đúng 54m2, chứ ban đầu tôi hình dung nó tầm 40-50m2 cơ đấy". Thanh niên trong xã được huy động vác cây thông lên đỉnh núi treo cờ, mất đúng một ngày công. "Đưa được lá cờ lên núi vất vả lắm, vì làm gì có bậc thang như bây giờ. Nhưng rồi nhìn lại thấy cả một lá cờ to bay trên đỉnh núi, đẹp lắm"- ông Quý bồi hồi.
Lá cờ sẽ không ý nghĩa đến thế, nếu không có con đường từ Sa Phìn đi thẳng tới Lũng Cú. Trước đó, đoạn đường từ Sa Phìn tới Ma Lé mất tới 5 năm mới hoàn thành. Ông Quý là người đề xuất phương án khoán việc cho người trong xã hoàn thành 13km còn lại từ Ma Lé vào đến chân núi Rồng, với tâm niệm phải làm được con đường lên cực Bắc. Con đường với tốc độ bình thường mất 5 năm làm xong, huyện Đồng Văn chỉ mất đúng 1 năm.
Bốn năm sau ngày khánh thành, cây thông mục ruỗng, Chủ tịch huyện Đồng Văn lúc ấy là Vương Mí Và quyết định cho xây một cột cờ bê tông. Từ đó, Lũng Cú có một cột cờ biểu tượng.
Có thể coi như ông Quý cùng những người Đồng Văn ngày đó đã đặt một ngọn cờ mở đường lên nơi "đầu trời ngất đỉnh Hà Giang". Đó không phải câu chuyện riêng một lá cờ, đó là câu chuyện của người mở đường góp phần tạo nên một dải từ Bắc – Nam trên đất Việt. Cột cờ Lũng Cú có thể thay đổi diện mạo nhiều lần, nhưng lá cờ 54m2 tung bay trên đỉnh núi chưa từng thay đổi.
Thế hệ mở lối
Ở những vùng biên giới phía Bắc, có nhiều gương mặt mà chỉ cần nhắc tên đã đủ thấy dấu ấn những năm tháng xáo động. Họ có mặt trong những ngày cam go nhất, là những người đi đầu nhưng giây phút quyết liệt nhất để giữ gìn những mảnh đất ông cha. Ở Phong Thổ, Lai Châu, lính biên phòng vẫn nhắc tới vợ chồng ông Đồng Văn Bơn và bà Vàng Thị Bum. Ông Bơn đi đánh Pháp suốt những năm tuổi trẻ. 54 tuổi, ông cùng vợ lại xung phong lên Pa Nậm Cúm (xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ, Lai Châu) làm kinh tế. Hai vợ chồng khăn gói đi bộ 33km từ nhà cũ ở Mường So đến bản mới, tự tay phát những mét đường đầu tiên. "Lúc đó có đường nhựa nhưng cây cối mọc che lấp cả, lâu quá không ai đi, nên mình vừa đi vừa phát cây, rồi dựng nhà. Chung quanh chỗ này ngày đó toàn rừng cây thôi"- ông Bơn từng kể. Bà Cúm thì bảo rằng mình phải lên làm gương, mà quả thật, sau vài năm làm đủ ăn, bà con mới lục tục lên theo. Ông Bơn, những năm tháng ấy cũng là một trong những người đầu tiên ào xuống dòng suối biên giới một ngày giáp tết gần 20 năm trước, kiên quyết không cho phía bên kia đổ đất lấn sang Việt Nam.
Ông Giàng A Chu (ở bản Pô Tô, xã Huổi Luông, Phong Thổ, Lai Châu) lại là một ngọn cờ đặc biệt khác. Ông bảo mình đã đi hết các cột mốc biên giới ở nơi mình sinh sống. Năm 1979, ông là Bộ đội Biên phòng ở Dào San, trải qua giai đoạn mà ông tự mô tả "suốt ngày dưới hầm hào". Phục viên, ông lại là người đầu tiên xung phong trở về nhà cũ sau chiến tranh. Những năm tháng đó, ông cuốc đất một bên, phía bên kia công binh dò mìn. Nhiều người ngần ngại vì sợ bom mìn thì ông đi tiên phong. Ông cuốc những nhát cuốc đầu tiên trên nền toàn cỏ gianh. Phải có những lá cờ đi đầu như thế, cuộc sống mới tiếp tục sinh sôi và yên bình như hiện tại.
Lá cờ Lũng Cú bây giờ là một biểu tượng, ông Quý nói rằng từ lúc cột cờ mới tôn tạo, ông chưa quay lại. "Sau này, người ta tôn tạo nó thành di tích quốc gia, rồi thành cột cờ quốc gia, tôi thấy thế cũng là một phần thưởng của mình rồi", cây đại thụ đất Hà Giang Hùng Đình Quý cười. Còn Pa Nậm Cúm giờ đã có hơn 140 hộ dân, với con đường nhựa thẳng tắp và cửa khẩu khang trang. Bản Pô Tô của ông Chu bây giờ còn có cả triệu phú, có trường học khang trang. Ông Chu bảo ông nói mọi người đều nghe, bởi vì ngày đó, ông đã chứng minh được về làng cũ là quyết định đúng đắn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.