Những “đại thụ” vùng biên cương (bài 2): Những mảnh hồn làng
Những “đại thụ” vùng biên cương (bài 2): Những mảnh hồn làng
Mai Vân
Thứ năm, ngày 28/01/2021 13:00 PM (GMT+7)
“Bà con phải tin tôi, vì tôi là Sùng Đại Dùng” – đó là một câu nói đã đi vào huyền thoại ở vùng Mèo Vạc (Hà Giang) của vị nguyên Chủ tịch UBND huyện. Chỉ cần những cái tên như thế, đã thấy như cả thôn bản phía sau.
Ông Sùng Đại Dùng là một lão tướng đã góp công lớn trong quá trình xây dựng con đường Hạnh Phúc. Năm con đường bắt đầu khởi công, ông Dùng là Phó ban chỉ huy công trường. Nhiều TNXP vẫn nhớ, ông Dùng rất có uy với bà con ở đây. Thời điểm đầu tiên, khi đội TNXP lên nhận nhiệm vụ, điều khó khăn nhất là phối hợp được với bà con bản địa. Nhưng chỉ cần ông Dùng đứng ra, bà con đã rất sẵn lòng tiếp tế cho TNXP, tham gia hỗ trợ nhiều đoạn đường. Ông Hùng Đình Quý - nguyên Phó Chủ tịch huyện Đồng Văn kể lại, khi khánh thành con đường từ Ma Lé vào trung tâm Lũng Cú tháng 1/1978, ông Dùng - khi đó là Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc - cũng tới dự. Giữa buổi, ông nói với ông Quý, sẽ áp dụng cách khoán việc của Đồng Văn cho Mèo Vạc để làm đường. Rồi ông làm thật, với cái uy của mình, cũng chỉ trong một tháng Mèo Vạc đã hoàn thiện con đường từ cầu Tràng Hương tới xã Xín Cái - con đường mà trước đó được mệnh danh là mất mấy lượt nghỉ của ngựa mới đi hết. Ông Dùng đã đi về phía núi đá mấy năm trước, nhưng câu nói nổi tiếng ngày nào, thì người Mèo Vạc vẫn còn nhắc tới. Người ta còn nhắc nhau rằng không chỉ là một lãnh đạo quyết đoán, ông Dùng còn từng là một trong bốn nghệ sĩ khèn Mông nức tiếng Hà Giang.
"Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại", câu thơ như phản chiếu từ chính câu chuyện giữ làng của những người như ông Dùng, ông Xinh, ông Lùng, ông Sùng. Chính những con người ấy đã tạo thành "làng".
Ở thôn Lao Xa, xã Phố Bảng, huyện Đồng Văn có ông Vù Chừ Lùng, có thể coi như một nghệ nhân xếp đá ở Hà Giang. Mấy năm trước, bảo tàng tỉnh Hà Giang làm mô hình bờ rào đá của người Mông, ông Lùng được mời về thành phố hơn một tuần để xếp một hàng rào mẫu mực. Sinh từ đá, sống trong đá, ông Vù Chừ Lùng là một "mảnh hồn làng" giản dị ở mảnh đất Lao Xa. Kể lại câu chuyện xưa bằng thứ tiếng Kinh không không rõ ràng, nhưng những đoạn cần nhấn mạnh, người uy ín nhất Lao Xa vẫn rực lên nhiệt huyết. Mới còn lẫm chẫm, cậu bé Vù Chừ Lùng đã theo cha mẹ lên nương. Năm 1979, cụ Lùng cũng tham gia dân quân giữ đất. Căn nhà của Vù Chừ Lùng lại thành nơi gặp mặt của bộ đội và dân quân. "Cứ có chiến tranh là ăn ở cùng bộ đội, nhiều ngày lắm"-ông Lùng nhớ lại.
Thời kỳ cả làng sơ tán, bản mới không có nước, ông lẳng lặng cùng gia đình về làng cũ canh tác: "Mình quen trồng cây ở đây rồi, đi bộ từ bản sơ tán Pù Chừ Lùng tới đây hết 40 phút thôi. Bố mẹ đẻ mình từng ở đây thì mình sợ gì". Vì ông quen thuộc Lao Xa thế, nên ở làng, mọi người nghe ông lắm. Hôm chúng tôi đến, thấy anh trưởng thôn mới cũng ghé qua hỏi chuyện ông. Còn cánh biên phòng, thì bảo phải có ông, mới dễ được bà con nghe theo.
Cũng có gì lạ đâu, người đàn ông này đã cùng với những người lính giữ biên gần cả cuộc đời, từ khi còn là chú bé chăn trâu đi ngang qua những mốc biên giới cũ, tới những ngày chiến tranh lửa khói đầy bom mìn, tới cả những ngày đầu tiên khi trở lại ổn định cuộc sống.
Hành trình giữ làng
Những linh hồn làm nên những ngôi làng vùng biên ấy, hầu như đâu cũng có. Ở mốc 428 có ông Ly Chứ Sùng. Chúng tôi gặp dễ đến một nửa thôn Xéo Lủng, vào vụ cày ải chuẩn bị cho mùa mới. Ông Sùng đã gần 70, vẫn tinh anh lắm, điều khiển một con bò to. Con trai ông đã ngoài 30, là cán bộ văn phòng Đảng ủy xã hẳn hoi, vẫn khép nép bên ông cụ: "Ông già có uy ở đây mà. Đúng 30 năm trước, ông đã dũng cảm trước rất nhiều người từ phía bên kia tràn sang, quyết không rời ngôi làng của mình trước bao lời đe doạ. Thế nên bây giờ, Xéo Lủng vẫn có những nương ngô ngay trên con đường xuống dòng Nho Quế, những dải đất trồng là một lời khẳng định mạnh mẽ về mảnh đất chủ quyền chỉ thuộc về người Việt.
Phía biên giới Y Tý, Lào Cai có họ Vàng cũng đã thành danh từ lâu. Từ thời ông Vàng Seo Sành, tới ông Vàng A Sáo rồi sau này là Vàng A Dủa, đều lần lượt được bầu chọn làm trưởng thôn Hồng Ngài. Họ cống hiến nhiều năm cho mảnh đất xa xôi Tây Bắc. Từ trung tâm Y Tý, để đi qua con đường độ 30 cây số vào Hồng Ngài là một thử thách lớn. Nhờ những người họ Vàng, bà con yên tâm nghe theo. Họ Vàng dành đất cho biên phòng làm tổ công tác, họ Vàng thuyết phục người dân yên tâm quay về nhà cũ sau những năm tháng bất ổn.
Vùng A Pa Chải, Mường Nhé, Điện Biên, không mấy ai không biết đến dòng họ Pờ và câu chuyện tìm lại nền nhà Tả Ló San. Ông Pờ Dần Xinh xa nhà đi học từ năm 10 tuổi. Trở về A Pa Chải, ông nhớ lại rằng từ thời bố mẹ, thời anh của ông, đã đều ở Tả Ló San. Năm tháng loạn lạc, người đi học đi làm, không phải ai cũng nhớ đến. Nhưng họ Pờ thì không quên, anh trai ông bảo rằng: "Ối giời ơi, đất của mình làm gì không biết,khu vực ấy làm gì không biết". Nhờ những ký ức của người đi trước, cả ký ức thơ bé của mình, hơn 30 năm trước, ông Xinh dẫn đoàn người đi tìm lại làng cũ, mở con đường quay lại bản Tả Ló San, nhìn cái nền nhà thời thơ bé trong ký ức mình mà rưng rưng. Cho đến giờ, tổng kết lại những ngày đã qua, ông Xinh nói mình làm được hai việc lớn: "Một là đưa dân trở lại trên kia, để giữ lại được chủ quyền biên giới, giữ lại đất đai của mình. Cái thứ hai là lúc ấy xã Sín Thầu của mình có 157 người nghiện. Tôi bàn với nhiều đồng chí, xin thuốc cai nghiện, chọn từ các thanh niên này "ném" lên Tả Ló San". Bản mới ổn định lại, con đường vào xã cũng được mở, mà hơn trăm thanh niên kia cai nghiện thành công...
"Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại", câu thơ như phản chiếu từ chính câu chuyện của những người như ông Dùng, ông Xinh, ông Lùng, ông Sùng. Chính những con người ấy đã tạo thành "làng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.