Xét xử cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường: Những điểm nhấn đáng chú ý sau 3 ngày xử án

Bách Thuận - Gia Bình Chủ nhật, ngày 15/05/2022 11:23 AM (GMT+7)
Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đang xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và đồng phạm. Ông này hôm qua (14/5) vừa bị đề nghị tuyên phạt đến 8 năm tù.
Bình luận 0

Cựu Thứ trưởng né tránh truyền thông

Chiều qua, trước khi bước sang phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã luận tội, đề nghị mức án đối với cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường và 13 đồng phạm trong vụ lưu hành thuốc giả.

 Clip cảnh sát dẫn giải cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường vào tòa. Nguồn: Bách Thuận

Bị cáo Trương Quốc Cường bị đề nghị từ 7 đến 8 năm tù với tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Ngoài ra, ông này cũng bị đề nghị cấm đảm nhận chức vụ liên quan lĩnh vực y tế, dược 5 năm sau khi ra tù.

Nguyễn Minh Hùng - cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc VN Pharma và Võ Mạnh Cường - cựu Giám đốc Công ty Hàng hải quốc tế M&C cùng mức án 20 năm tù. Tổng hợp với các bản án trước, Viện Kiểm sát đề nghị phạt 2 bị cáo này tổng mức án 30 năm tù.

Xét xử ông Trương Quốc Cường: Những điểm nhấn đáng chú ý sau 3 ngày xử án - Ảnh 2.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường liên tục đưa tay lên che mặt, né tránh ống kính phóng viên. Ảnh: Bách Thuận

Trải qua 3 ngày xét xử sơ thẩm, phiên tòa ghi nhận một số tình tiết đáng chú ý. Đầu tiên đó là việc cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường né tránh truyền thông khi xuất hiện lần đầu tại tòa.

 Clip bị cáo Trương Quốc Cường trả lời căn cước tại tòa trong ngày đầu xét xử. Nguồn: Bách Thuận

Ở ngày khai mạc phiên tòa, ông Trương Quốc Cường xuất hiện trong một bộ đồ lịch sự (áo sơ mi trắng, quần âu). Khi được cảnh sát dẫn giải vào phòng xét xử, ông di chuyển khá khấp gáp và liên tục dùng 2 tay che mặt để né tránh ống kính phóng viên.

Đưa hồ sơ thuốc giả ra thẩm định sớm hơn 1 nghìn thuốc khác vì… ngoại lệ

Diễn biến đáng chú ý thứ hai trong 3 ngày xét xử vừa qua của vụ án "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược – Bộ Y tế" là việc Hội đồng xét xử thẩm vấn các bị cáo về các bút phê ở công văn doanh nghiệp đề nghị thẩm định sớm hồ sơ đăng ký thuốc.

Theo tài liệu truy tố, Cục Quản lý Dược nhận được hồ sơ xin cấp số đăng ký cho 2 thuốc do Công ty Vimedimex (con) đứng tên đăng ký. Công ty này sau đó có công văn số 12 xin thẩm định sớm hồ sơ.

Xét xử ông Trương Quốc Cường: Những điểm nhấn đáng chú ý sau 3 ngày xử án - Ảnh 4.

Phạm Hồng Châu khai không biết việc chuyên viên đưa hồ sơ xin thẩm định sớm 2 thuốc của doanh nghiệp ra giải quyết trước 1 nghìn hồ sơ khác. Ảnh: Gia Bình

Trước diễn biến này, hồ sơ truy tố nêu, ông Trương Quốc Cường đã có bút phê "kính chuyển chị Châu), chuyển tới Phạm Hồng Châu - Cựu Trưởng phòng Đăng ký thuốc. Bị cáo Châu có bút phê trên công văn số 12, chuyển cho ông Nguyễn Ngọc Anh phối hợp với bà Vũ Bạch Dương (2 chuyên viên của Phòng Đăng ký thuốc) nghiên cứu giải quyết theo chủ trương chung.

Các chuyên viên Ngọc Anh, Bạch Dương đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị cáo Châu, đưa hồ sơ 2 thuốc nêu trên thẩm định sớm trước 1 nghìn hồ sơ khác. Cả Ngọc Anh, Bạch Dương đều khai việc đưa hồ sơ 2 thuốc trên ra thẩm định sớm là thực hiện ý kiến chỉ đạo của bà Phạm Hồng Châu.

Trước câu hỏi thẩm vấn của Hội đồng xét xử về việc bị cáo Châu thấy thế nào khi sau bút phê của mình, hồ sơ 2 thuốc xin cấp số đăng ký được giải quyết trước 1 nghìn hồ sơ khác, bị cáo Châu khai việc đưa ra thẩm định sớm là của chuyên viên. Tại thời điểm đó bị cáo này không biết chuyên viên đưa ra đã thẩm định sớm 2 thuốc mà Công ty Vimedimex (con) đứng tên xin đăng ký và cũng không có ai báo cáo lại việc đưa hồ sơ ra thẩm định sớm.

Xét xử ông Trương Quốc Cường: Những điểm nhấn đáng chú ý sau 3 ngày xử án - Ảnh 5.

Hội đồng xét xử thẩm vấn rất kỹ nội dung liên quan việc giải quyết sớm 2 hồ sơ xin cấp số đăng ký của doanh nghiệp sau khi có bút phê của Phạm Hồng Châu. Ảnh: Anh Hùng

Khi được hỏi về bút phê "giải quyết theo chủ trương chung" nghĩa là gì, bị cáo Châu trả lời dài, bị Hội đồng xét xử ngắt lời.

"Ngay các bút lục của các anh chị thì các anh chị tự hiểu" – Hội đồng xét xử nhấn mạnh với bị cáo Châu trước các câu trả lời của người này.

Phạm Hồng Châu nói công văn xin thẩm định sớm 2 hồ sơ thuốc của doanh nghiệp nêu trên là ngoại lệ, chính vì ngoại lệ nên mới được cấp trên chuyển cho Châu, Châu sau đó bút phê chuyển cho cấp dưới để giải quyết.

Cơ quan công tố đánh giá cựu Thứ trưởng Bộ Y tế "chưa thực sự thành khẩn"

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đánh giá, sau 3 ngày xét xử, lời khai của ông Trương Quốc Cường "chưa thực sự thành khẩn" với các hành vi phạm tội. Ở các lần xét hỏi, ông Cường mới chỉ nhận tội với trách nhiệm của người đứng đầu cục Quản lý Dược khi có các sai phạm xảy ra. Ông này cũng nói "rất tiếc" trước những sai phạm, tuy nhiên nói rằng trong các vụ việc mình không được báo cáo.

Trong giai đoạn xảy ra vụ án, năm 2008- 2014, với vai trò Cục trưởng Quản lý Dược, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc, ông Trương Quốc Cường bị Viện Kiểm sát cáo buộc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao, thiếu giám sát dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả được nhập khẩu và tiêu thụ, với trị giá hơn 148 tỷ đồng.

Ông này cũng bị cáo buộc dù nhận được nhiều thông tin về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy. Điều này dẫn đến hậu quả các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng Health 2000 Canada để điều trị, tổng trị giá hơn 3,7 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem