Xét xử vụ cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: Đề nghị triệu tập cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang

Bách Thuận - Gia Bình Thứ năm, ngày 12/05/2022 10:43 AM (GMT+7)
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang có dấu hiệu “thiếu trách nhiệm” trong việc cấp số đăng ký thuốc giả của VN Pharma nhưng chưa bị xử lý vì “hết thời hạn”. Các luật sư đề nghị di lý ông Quang từ trại giam ra tham gia tố tụng.
Bình luận 0

Sáng 12/5, Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng Nguyễn Việt Hùng, nguyên cán bộ Hải quan TP.HCM; Lê Đình Thanh, nguyên cán bộ Cục Quản lý dược, Bộ Y tế về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó phòng thuộc Cục Quản lý dược và Phạm Hồng Châu, nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc hầu tòa về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch VN Pharma; Võ Mạnh Cường, nguyên Giám đốc Cty H&C và 7 bị cáo khác hầu tòa về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh". Trước đó, ông Hùng bị tuyên 17 năm tù; Cường nhận 20 năm tù do buôn bán thuốc giả.

Xét xử ông Trương Quốc Cường: Đề nghị triệu tập cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang - Ảnh 1.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường được áp giải tới tòa. Ảnh: Bách Thuận

Trong phần thủ tục, luật sư Trần Hồng Phúc bào chữa cho Phạm Hồng Châu đề nghị di lý bị can Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế ra tòa. Bà Phúc cho rằng ông Quang có lời khai mâu thuẫn với 2 quy chế xét duyệt thuốc, cần xét hỏi trực tiếp tại tòa để làm rõ.

Tương tự, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy cũng đề nghị triệu tập ông Quang nhằm "làm rõ các nội dung, tình tiết vụ án". Theo vị này, việc ông Cao Minh Quang có mặt sẽ giúp giải thích sự mâu thuẫn về quy chế cấp duyệt thuốc, từ đó xác định chính xác tội danh của các bị cáo.

Ý kiến khác, luật sư của bị cáo Phan Anh Kiệt, nguyên Tổng giám đốc Công ty Dược Sài Gòn, đề nghị triệu tập điều tra viên Nguyễn Cường Minh. Lý do, ông Kiệt luôn kêu oan, nói bị điều tra viên Minh "dụ cung, mớm cung".

Trước những ý kiến trên, đại diện Viện kiểm sát cho rằng phiên tòa xét xử nhiều ngày nên nếu cần thiết sẽ triệu tập những người liên quan sau, không cần thiết phải hoãn tòa để triệu tập. Hội đồng xét xử chấp thuận ý kiến này, tiếp tục xét xử vụ án.

Theo cáo trạng, năm 2008-2010, Nguyễn Lê Xuân Khang (người Việt Nam quốc tịch Canada) bàn với Hùng việc lập hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada về Việt Nam xin cấp số đăng ký.

Số thuốc này bị cơ quan tố tụng xác định là giả, nhưng một số cán bộ của Cục Quản lý dược đã "thiếu trách nhiệm hoặc có động cơ cá nhân" nên làm trái công vụ trong quá trình thẩm định, xét duyệt. Hậu quả, có 7 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada đã được cấp số đăng ký.

Phía truy tố nêu quan điểm, có hơn 800.000 hộp thuốc tổng trị giá hơn 1,2 triệu USD được nhập tương đương 26 tỷ đồng nhưng được nâng khống thành hơn 2,5 triệu USD, tương đương 54 tỷ đồng. Tiếp đến, hơn 600.000 hộp thuốc giả sau đó được bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện… giúp các bị cáo thu lợi bất chính hơn 31 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, ông Trương Quốc Cường khi phạm tội là Cục trưởng Cục Quản lý dược, đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao; thiếu giám sát dẫn đến việc có 6 trong 7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 giá trị hơn 148 tỷ đồng được nhập khẩu, tiêu thụ.

Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang bị xác định là "người quyết định cuối cùng" việc cấp số đăng ký 7 thuốc giả. Ông Quang thừa nhận có trách nhiệm người đứng đầu và để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý. Cơ quan tố tụng cho rằng, ông Quang có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm nhưng do thời hạn điều tra đã hết nên sẽ làm rõ sau.

Xét xử ông Trương Quốc Cường: Đề nghị triệu tập cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang - Ảnh 3.

Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang. Ảnh: N.H

Ông Cao Minh Quang bị bắt tháng 3/2022 về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long và các đơn vị có liên quan.

Trong vụ án này, phía điều tra cáo buộc cuối năm 2005, WHO cảnh báo nguy cơ xảy ra đại dịch cúm gia cầm ở người nên Bộ Y tế đề xuất dự trữ 30 triệu viên thuốc dù cả nước chỉ có 91 ca mắc trong giai đoạn 2003 - 2005.

Sau đó, có 4 doanh nghiệp được Bộ Y tế đặt hàng nhưng không có nội dung thương thảo về giá; biên bản làm việc không có chữ ký của công ty; đơn đặt hàng được Hội đồng Thẩm định gửi cho công ty ngay tại buổi kiểm tra khi chưa báo cáo lên Bộ trưởng.

Trong 4 doanh nghiệp trên, Công ty Dược Cửu Long mua 9,1 triệu USD tiền hàng và chỉ phải trả cho bên bán 5,2 triệu USD; còn lại 3,8 triệu USD doanh nghiệp này giữ lại nhưng không thể hiện trong báo cáo tài chính.

Phía điều tra cáo buộc ông Cao Minh Quang đã không kiểm tra, không đánh giá việc thực hiện điều khoản đàm phán giảm giá mua nguyên liệu khi thanh lý hợp đồng đặt hàng sản xuất thuốc tại Công ty Dược Cửu Long nên không phát hiện, thu hồi 3,8 triệu USD.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem