Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thạc sĩ giáo dục Bùi Khánh Nguyên, người có nhiều năm nghiên cứu giáo dục song ngữ và hỗ trợ cộng đồng phụ huynh các trường song ngữ và quốc tế cho biết: "Giáo dục là món quà quý giá nhất mà cha mẹ có cơ hội trao lại cho con cái. Rất khó để xác định một trường là "tốt nhất" nhưng một trường học "tốt nhất" trước hết phải là một trường lấy lợi ích của học sinh làm mục tiêu cao nhất để phục vụ".
Hiểu về các chương trình quốc tế ở Việt Nam
TP.HCM là nơi dẫn đầu cả nước về số lượng trường quốc tế và song ngữ, do quy mô dân số lớn, mức độ hội nhập quốc tế cao. Trong số hơn 100 trường quốc tế và song ngữ được tổ chức ISC, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn quốc tế chuyên về trường quốc tế, thống kê thì TP.HCM chiếm tỉ lệ lớn nhất, sau đó là Hà Nội, và các thành phố khác.
Trường quốc tế đầu tiên ở TP.HCM có từ năm 1993, tuy nhiên phải từ sau năm 2000 trở đi học sinh Việt Nam mới có cơ hội tiếp cận rộng rãi với trường quốc tế. Hiện nay, học sinh Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các chương trình quốc tế và quốc gia tốt nhất thế giới như Tú tài quốc tế, Cambridge, Edexel, Oxford, ICA, Anh, Mỹ, Úc, Canada, Singapore, Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Đức…
Về mặt ngôn ngữ, phương pháp dạy ngoại ngữ thông qua hình thức "tắm ngôn ngữ" (language immersion) và bắt đầu sớm (early start) phổ biến trong các trường quốc tế đã được chứng minh là có hiệu quả vượt trội so với hình thức học ngoại ngữ truyền thống bắt đầu muộn và cường độ tiếp xúc thấp (low intensive).
Về mặt chương trình, các chương trình quốc tế mang đến một cách tiếp cận có nhiều điểm khác và mới với học sinh Việt Nam, như triết lý giáo dục, dạy kỹ năng, giáo dục toàn diện… bổ sung cho những gì học sinh Việt Nam còn thiếu.
Chỉ 5% dân số có khả năng tiếp cận học phí trường quốc tế
Trường quốc tế hiện diện tại Việt Nam cũng trở thành một hình mẫu tham chiếu, tham khảo cho các trường học Việt Nam để học tập các thông lệ tốt của giáo dục thế giới. Tuy nhiên, cũng có những băn khoăn về việc trường quốc tế tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Học phí tại trường quốc tế do cha mẹ học sinh chi trả, thường rất cao, và thống kê cho thấy chỉ 5% dân số có khả năng tiếp cận học phí trường quốc tế.
Học phí các trường quốc tế cũng tăng mạnh theo mỗi năm học, trung bình 10 - 15% mỗi năm và trường có mức học phí cao nhất năm học 2023 - 2024 đã chạm mốc gần 1 tỷ đồng/năm học. Không thể nói số tiền này lớn hay nhỏ, vì hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện và nhu cầu của mỗi gia đình.
Trong những năm gần đây, các trường mới vẫn được thành lập. Nhiều trường quốc tế được các tổ chức giáo dục mua lại, hoặc được các quỹ đầu tư rót vốn vào. Số lượng các trường dạy chương trình Tú tài quốc tế cũng liên tục tăng lên. Đặc biệt, các trường song ngữ cũng tham gia vào việc dạy và cấp bằng quốc tế.
Vì vậy, chọn trường tốt nhất cho con có lẽ là chọn trường phù hợp nhất với mục tiêu học tập và giá trị văn hóa của cá nhân học sinh và gia đình. Do vậy, việc dành thời gian, công sức để tìm ra được một trường "phù hợp nhất" cũng là một việc nên làm, nên đầu tư.
Lựa chọn trường tư thục vốn là mối băn khoăn lâu nay của nhiều bậc phụ huynh. Hiểu được tâm lý đó, chuyên gia tư vấn giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên kết hợp cùng các chuyên gia như tiến sĩ giáo dục - NGƯT Nguyễn Kim Dung; Nhà văn Trang Hạ - "Top 50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam" năm 2017 do tạp Forbes bình chọn; Nhà giáo Nguyễn Thị Lệ Hằng, nhà sáng lập tổ chức Kỷ Luật Yêu Thương... vừa cho ra mắt cuốn "Cẩm nang chọn trường mầm non, tiểu học, trung học tại TP. HCM – Những điều cha mẹ cần biết trước khi chọn trường".
Cuốn sách này không chỉ đóng vai trò như một nguồn thông tin tham khảo, mà còn là một hướng dẫn đáng tin cậy giúp phụ huynh đưa ra quyết định sáng suốt về việc lựa chọn ngôi trường phù hợp nhất cho con em mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.