Nghề bấp bênh
Tháng 10/2016, Tám Dinh, một hộ nuôi ong tại ấp 6, xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, mang đàn ong đến gửi ở rẫy cao su nhà tôi, mặt anh méo xệch: Gần chục năm nay chưa năm nào giá mật xuống như hiện nay, với 20.000 đ/lít, tính ra anh phải chịu lỗ 10.000 đ/lít. Để duy trì đàn ong, mỗi tuần anh phải bỏ ra 5 triệu mua thức ăn mà việc gỡ vốn nghe xa vời.
Trò chơi Tìm ong chúa tại trại ong rất thu hút mọi người, nhất là trẻ nhỏ.
Đây không phải lần đầu nghề ong bị khủng hoảng về giá, gần 10 năm trước khi bệnh vàng rụng lá cao su bùng phát, xuất khẩu khó khăn nên giá mật cũng rớt thảm hại.
Với sản lượng ước khoảng 15.000 T/năm, mật ong của VN hiện mới chỉ chiếm chưa đến 1% sản lượng của toàn thế giới. Theo Ủy ban châu Âu, sản lượng tiêu thụ mật ong của thị trường này là 355.000 T/năm, bình quân 0,7 kg/người/năm. Việt Nam chưa có điều tra cơ bản nhưng chắc chắn là con số rất nhỏ và đấy là nguyên nhân chính gây nên khủng hoảng thừa mỗi khi xuất khẩu gặp trắc trở.
Tại sao người châu Âu sử dụng nhiều mật ong
Người VN chúng ta chủ yếu sử dụng mật ong như một loại thuốc. Trong các món ăn truyền thống hầu như không thấy sử dụng mật ong làm nguyên liệu mà chỉ thấy xuất hiện trong một số bài thuốc như chữa bỏng, viêm họng, loét dạ dày. Hòa nhập với thế giới, ở VN hiện cũng có một số món ăn “Tây” sử dụng mật ong nhưng cũng chỉ có ở các nhà hàng còn trong tủ bếp của các bà nội trợ hầu như chưa có.
Cửa hàng của trang trại nuôi ong gia đình ông Hubert.
Khác với VN, người châu Âu từ lâu coi mật ong là một loại thực phẩm bổ dưỡng. Trong cuốn sách dạy nấu ăn LE MIEL AU MENU tôi đếm được 10 món khai vị, 3 món rau, 15 món cá, 20 món gia cầm, 11 món cừu, 12 mòn bò, bê và lợn, 3 món pho mát, 37 món tráng miệng, 2 món đồ uống và 4 món xốt có sử dụng mật ong để chế biến. Trong tủ bếp của bất cứ gia đình nào cũng có sẵn vài ba loại mật ong.
Bà Abita, người Pháp, thông gia với gia đình tôi, giải thích mật ong hoa oải hương (Lavande) chủ yếu dùng cho thức uống vì mùi thơm ngọt nhẹ, mùi hoa Thym dùng cho các món nướng, mùi hoa cam dùng chế biến một số món cá… Sử dụng nhiều nên châu Âu không những có sản lượng mật ong lớn thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc) mà còn là thị trường nhập khẩu mật ong lớn nhất thế giới (250.000 T/năm, trong đó xuất khẩu 130.000 T, 120.000 T bù cho sản lượng tiêu thụ còn thiếu).
Người châu Âu coi trọng ong mật không những vì là loại thực phẩm bổ dưỡng mà còn là tác nhân bảo vệ môi trường, họ định giá 16 triệu tổ ong nuôi của họ có giá 5 tỷ Euro vì nhờ nó mà việc thụ phấn cho cây trồng tốt hơn lên. Ở độ cao 2.500 m trên núi Alps, tôi được một gia đình nuôi ong cho biết nhà nước khoanh cho 500 ha rừng không thu phí để nuôi 200 tổ ong (nếu nuôi bò, dê thì phải trả tiền thuê 20 Euro/ha/năm).
Việc coi trọng ong, mật ong được cẩn thận gài vào các chương trình giáo dục từ tiểu học bằng nhiều truyện tranh, phim hoạt hình, dã ngoại, trong đó trò chơi tìm ong chúa rất thu hút trẻ.
Đa dạng hóa sản phẩm
Mười năm nay, người nuôi ong châu Âu cũng đang xoay xở chuyển đổi. Trang trại ong của gia đình ông Hubert ở xã Saint-Saturnin les Avignon thuộc tỉnh Vaucluse đông nam nước Pháp được gầy dựng từ năm 1961 với lúc cao điểm có tới hơn 1.000 tổ nhưng hiện nay giảm xuống chỉ còn gần 200.
Rất nhiều sản phẩm mật ong khác nhau.
Tiếp chúng tôi, bà Anna con gái út của ông, kế nghiệp cho biết – Qui mô nuôi đã giảm nhiều vì không cạnh tranh lại các trang trại nuôi ong lớn và mật ong nhập khẩu từ Trung Quốc nên họ chuyển dần qua nuôi ong đặc sản và sản xuất, kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm từ ong. Trong 20m2 showroom ngay tại làng có khoảng 50 sản phẩm được trưng bày, bao gồm mật ong hữu cơ, phấn hoa, sữa ong chúa, bánh kẹo, mứt và mỹ phẩm.
Riêng mật ong có 8 loại khác nhau, mật từ phấn của hoa nào thì lấy tên loài hoa đó như hoa oải hương, hoa cam, hoa ô liu, hoa Chataignier, hoa Tilleul, hoa Acacia, hoa Romarin, hoa Fleurs. Mỗi loài hoa đều có các vùng sinh thái và mùa khác nhau trải rộng miền nam nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý nên ong cũng được chu du. Các sản phẩm mỹ phẩm chủ yếu là các loại kem dưỡng da, chống nắng và được cung cấp bởi hiệp hội nuôi ong vùng Provece.
So sánh giá của mật ong ở các trang trại với siêu thị thấy giá ở các trang trại thường cao gấp 2 lần và vậy là nghề nuôi ong kiểu hộ gia đình vẫn được bảo tồn, mặc cho số hộ nuôi ong châu Âu đã giảm từ 800.000 hộ xuống còn 600.000 hộ (trong lúc sản lượng vẫn tăng 7%/năm), nhường chỗ cho nuôi ong có bổ sung thức ăn công nghiệp.
Quang Ngọc (Nông nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.