Mường Lầm không còn "lầm" nữaChuyến công tác này tại huyện Sông Mã, khi biết tôi định đến các xã vùng cao, ông Lò Anh Tinh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, bảo: "Hay về Mường Lầm một chuyến? Bây giờ về Mường Lầm không còn "lầm" nữa đâu".
Vụ ngô bội thu, được giá của người dân Mường Lầm khi có đường giao thông cứng hoá.
Câu nói của ông Tinh làm tôi nhớ lại chuyến công tác Mường Lầm vào mùa mưa 4 năm trước. Sau hơn 1 giờ đồng hồ đánh vật với những cung đường lầy lội, rãnh xẻ như suối sâu, tôi bắt gặp một cây cầu tạm làm bằng mấy mảnh tre, gỗ ghép lại, đầu cầu có biển ghi dòng chữ: Tiền lẻ-(mũi tên chỉ lên cầu), tiền chẵn- (mũi tên chỉ xuống suối). Hỏi chuyện thì biết đây là cầu dân tự làm, nên thu tiền phí nhưng dân nghèo nên không sẵn tiền lẻ và cũng chẳng biết đi đổi ở đâu nên treo biển luôn như vậy để mọi người tự giác thực hiện. Gần trưa, vào đến xã Mường Lầm, đúng lúc anh Cầm Pha Biêng, cán bộ xã đi họp ngoài huyện về, được tặng bộ ấm chén. Anh mở ra khoe nhưng ôi thôi, cái ấm đã sứt vòi, gãy quai, 6 cái chén cũng chỉ còn 3 chiếc nguyên vẹn. Anh Biêng gãi đầu, tiếc rẻ: “Chỉ tại cái đường nó xóc quá. Thế là toi công, phí của”.
Nhưng bây giờ, về Mường Lầm đã có con đường cứng hoá rộng thênh thang. Ngay gần trụ sở UBND xã, một hộ kinh doanh nông sản đang xuất hàng lên chiếc xe tải to ngất ngưởng. Bà Lò Thị An, dân bản Mường Nưa, xã Mường Lầm, phấn khởi: "Mấy năm nay, xã có điện, có nước, thuỷ lợi tốt hơn. Nay lại có đường ô tô lớn nên cuộc sống vui hẳn lên. Nhà tôi năm nay thu được hơn 10 tấn ngô, bán được trên 60 triệu đồng. Giá ngô cao là nhờ có cái đường ô tô tốt đấy".
Ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết: Tỉnh, huyện phấn đấu phải hoàn thành con đường này sớm nhất nhưng phải đảm bảo chất lượng. Chắc chỉ đầu năm 2014 là khánh thành. Khi đó gánh nặng khó khăn về cơ sở hạ tầng của huyện sẽ vơi đi nhiều mà bà con đi lại thuận lợi.
Tạo nhiều cơ hội xoá nghèoTại nhiều địa bàn vùng cao khác trong huyện, chúng tôi thấy nhiều công trình thuỷ lợi, đường giao thông, nước sinh hoạt, nhà lớp học được đầu tư xây dựng mới. Bên bản Loọng Mòn, xã Huổi Một- bản của người Xinh Mun với hơn 40 năm lập bản thì có tới 3/4 thời gian đói nghèo gần hết cả bản. 10 năm trước, tôi đã được chứng kiến lần đầu tiên dân bản Loọng Mòn thực hiện cấy lúa 2 vụ/năm dưới sự cầm tay chỉ việc của cán bộ khuyến nông. Nhưng cũng phải đến hôm nay, sau một thập kỷ đổi thay từ nhận thức đến hành động của người dân và sự đầu tư của Nhà nước, Loọng Mòn mới có dáng dấp của một bản vùng cao trù phú: Những ngôi nhà sàn lợp ngói đan xen dưới vườn cây ăn quả xanh mướt; những thiếu nữ Xinh Mun áo thổ cẩm thướt tha tưới rau, nhặt cỏ bên mảnh vườn nhỏ cạnh nhà; nước sạch sóng sánh tràn trên những bể nước; con trẻ tung tăng bên lớp học...
"Mường Lầm là trung tâm cụm 6 xã vùng cao. Bởi thế, làm con đường tốt đến Mường Lầm là một giải pháp làm giàu hữu hiệu với cả chục ngàn hộ dân: Thái, Mông, Sinh Mun, Khơ Mú trên địa bàn”. Ông Nguyễn Văn Cảnh
|
Anh Lò Văn Thôn, người nhiều năm làm cán bộ bản Loọng Mòn, tâm sự: “Đổi thay nhiều rồi nhà báo ạ. Từ con đường về bản, mương nước tưới, bể nước ăn, điện thắp sáng tới giống lúa, ngô, đậu, trâu, bò, lợn… Nhà nước cũng đưa về”.
Sau một hồi ngắm nghía con xe máy cũ kỹ của khách, ông Giàng Chứ Sồng - Trưởng bản Pá Vệ, xã Mường Cai đưa tay nắn nắn cái bắp chân nhỏ bé của tôi, cười và bảo: “Xe yếu, chân bé mà lên được với đồng bào Mông vùng cao Mường Cai là giỏi lắm rồi. Trước đây, vùng cao Sông Mã nổi tiếng là đi lại khó khăn, vì thế người ta mới có những câu: “Mường Lèo không thể đi một lèo! Pú Pẩu ở đẩu ở đâu? Về Mường Lầm mới biết mình lầm! Mường Cai chẳng ai muốn đến... Nay thì khác rồi”.
Vùng cao Sông Mã đã được đầu tư nhiều, thay đổi nhiều lắm. Bây giờ Tết Mông không ăn uống linh đình, chơi dài ngày lãng phí như ngày xưa. Nhưng cuộc sống đã khá hơn nên chắc hẳn sẽ có nhiều cái vui hơn ngày xưa đấy. Ở lại bản ít ngày đi. Người Mông mến khách lắm!
Ghi chép của Kiều Thiện (Ghi chép của Kiều Thiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.