Những đứa trẻ ám ảnh về đòn roi

Thùy Anh Thứ hai, ngày 17/08/2020 06:03 AM (GMT+7)
Bạo lực gia đình (BLGĐ) không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, tâm lý cho phụ nữ mà còn để lại hậu quả nặng nề với sức khỏe tâm lý của chính con em họ.
Bình luận 0

Tổn thương tâm lý

Chị Nguyễn Thị Mai (Hà Nội) là một giáo viên tiểu học, thế nhưng học thức cũng không giúp chị tránh được những cơn bạo hành, đánh đập dã man của chồng. Chị cho biết, nỗi đau mà chị phải chịu đựng chưa là gì so với nỗi đau tinh thần mà các con chị phải hứng chịu.

Những đứa trẻ ám ảnh về đòn roi  - Ảnh 1.

µrẻ em sống trong các gia đình bị bạo lực thường dễ bị trầm cảm, tâm lý không ổn định (Ảnh minh họa).

Chị kể lại: "Những vết sẹo chằng chịt này là do chồng tôi dùng dao rựa chém. Con dao này là dao chặt mía nên rất sắc. Anh ấy chém tôi khi tôi đang mang bầu bé thứ hai. Anh ấy còn cắt đứt gân ở mắt cá chân nên tôi phải đi viện khâu nối. Còn những vết sẹo trên tay, trên lưng là do anh ấy đánh tôi lúc tôi đang ngủ. Tôi đã bị gãy xương, nhưng không biết nên tự mua thuốc uống và chiều hôm đó tôi vẫn đến trường đi dạy, tôi đạp xe bằng một chân".

Điều đáng buồn nhất với chị Mai là tất cả những hành động dã man của chồng với chị đều được 2 con chứng kiến. Một thời gian dài chúng sống trong nỗi sợ hãi. Cứ mỗi lần thấy bố đi về say rượu, đánh mẹ là chúng thu mình lại khóc trong phòng. Cũng vì sợ hãi mà kết quả học tập của các con chị không được tốt. Sau một thời gian dài chịu đựng, chị Mai đã dũng cảm ly dị chồng để tìm lại cuộc sống bình yên cho bản thân và cả các con.

"Trẻ em chứng kiến bạo lực lâu dài thường có các vấn đề về tâm lý. Chúng hoặc là rất sợ bạo lực, bị người khác bạo lực hoặc có thể gây bạo lực với người khác".

Bác sĩ Hoàng Tú Anh - Phó Giám đốc

Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số

"Chúng nhút nhát, ngại giao tiếp với bạn bè, lúc nào cũng có cảm giác không an toàn. Cho tới giờ khi lớn, con gái của tôi vẫn nói là bị ám ảnh bởi những hành động bạo lực của bố và không muốn lập gia đình" - chị Mai tâm sự.

Theo ông Vũ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH), việc phải chứng kiến các hành vi BLGĐ có thể tác động mạnh tới việc hình thành tâm lý, nhân cách của đứa trẻ. "Thậm chí một số trẻ có thể thu mình lại, bị trầm cảm, bỏ nhà ra đi, hoặc tìm tới cái chết vì lo sợ bố mẹ chúng chia tay" - ông Dũng nói.

Hiện Tổng đài tư vấn và hỗ trợ trẻ em 111 cũng tiếp nhận khá nhiều các cuộc gọi từ trẻ em và cả bố mẹ gọi tới xin tư vấn về cách xử lý khi trẻ gặp các sang chấn do bị BLGĐ hoặc phải chứng kiến BLGĐ.

Những đứa trẻ ám ảnh về đòn roi  - Ảnh 3.

60% trẻ em phải chứng kiến BLGĐ

Kết quả điều tra quốc gia về Bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy có 60% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác cho biết con cái họ đã chứng kiến hoặc nghe thấy BLGĐ. Gần 1/4 (24%) phụ nữ nói rằng, con cái họ đã chứng kiến BLGĐ vài lần và 17% phụ nữ cho biết con cái họ đã chứng kiến BLGĐ nhiều lần.

Nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ em phải chứng kiến BLGĐ thường có các hành vi như gặp ác mộng, tè dầm, lặng lẽ, thu mình hay hung hãn. Đồng thời, việc sống chung với BLGĐ còn có thể ảnh hưởng tới trẻ em qua nhiều thế hệ. Nam giới tiếp xúc với BLGĐ lúc còn nhỏ dễ có nguy cơ trở thành người chồng bạo lực.

Mặc dù trẻ em sống trong các gia đình có BLGĐ đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề, nhưng hiện nay cơ chế chính sách, luật pháp lại chưa xem xét cụ thể về vấn đề này.

Ông Nguyễn Trọng An - chuyên gia nghiên cứu về trẻ em cho rằng, hiện nay luật pháp, cụ thể là Luật Trẻ em mới chỉ xử lý các vụ xâm hại, bạo lực trẻ em mà chưa đề cập tới vấn đề xử lý những cá nhân, tổ chức gây bạo lực "gián tiếp" cho trẻ em. Đây là lổ hổng trong chính sách chưa được đề cập nhiều.

"Một số nước phát triển người ta đã làm rất tốt điều này, nhưng Việt Nam thì chưa làm được. Nguyên nhân là bởi hiện nay chúng ta chưa xây dựng được khung thẩm định, đánh giá mức độ thương tổn về tâm lý của trẻ khi bị bạo lực gián tiếp. Vì thế không thể có căn cứ, chế tài xử lý hay luật hóa được" - ông An nói.

Ông An cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước và các bộ ngành có liên quan cần sớm xem xét vấn đề này, đưa vào luật điều chỉnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem