Những đứa trẻ chào đời không tiếng khóc

Thứ hai, ngày 05/11/2012 13:36 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thay bằng niềm vui chờ đón tiếng khóc chào đời của những sinh linh bé nhỏ, nhiều ông bố, bà mẹ vùng cao đã phải ngậm ngùi mang xác những hài nhi xấu số ra bờ suối chôn cất...
Bình luận 0

Đó là thực tế đắng lòng ở Hà Giang, hậu quả của việc người phụ nữ tự sinh con ở nhà.

Đến tận bây giờ, anh Vừa Chá Dính (thôn Lũng Mà, xã Mậu Long, huyện Yên Minh) vẫn không thể quên được cái chết của vợ và đứa con trai chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Năm 2009, vợ Dính - chị Vàng Thị Say - mang bầu đứa con thứ 5 ở tuổi 32. Kinh nghiệm 4 lần vượt cạn một mình trước đó khiến chị Say rất tự tin quyết định đẻ con tại nhà mặc dù bụng chị đã có những dấu hiệu bất thường.

img
Để có được những đứa con, phụ nữ Mông liều lĩnh đánh đổi cả... mạng sống.

Cái chết được báo trước

Anh Dính kể: Đêm đó trời mưa to, tự dưng vợ anh đau bụng, tưởng là do ăn gì lạ nên anh giã lá thuốc cho vợ uống, song vẫn thấy đau. Rồi một lúc thấy máu chảy, vợ anh bảo sắp đẻ rồi, đi lấy chăn, màn, mùng và cái kéo. Rồi anh thấy máu chảy ra nhiều, vợ đau quá kêu gào, thấy chân đứa trẻ thò ra mà mãi không rặn ra được. “Máu chảy ra càng nhiều mà con vẫn không ra, rồi không thấy vợ kêu nữa, anh chạy đi gọi người đến cứu nhưng không kịp…”.

Sinh non và thai ngược, rách tử cung, băng huyết chính là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của vợ và con Dính. Đứa trẻ cuối cùng được người nhà đưa ra khỏi bụng mẹ… không một tiếng khóc, chỉ có tiếng kêu gào thảm thiết của 4 đứa con nhỏ và người chồng.

Bà Vừa Thị Chúa (xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn) cũng từng tự tay chôn 2 đứa cháu nội không kịp chào đời. Con dâu thứ 3 của bà - chị Vàng Thị Lía - sinh con đầu lòng ở tuổi 16 khi về nhà chồng chưa được 1 năm và bà chính là người đỡ đẻ cho con dâu. Bà Chúa kể: “Tao buồn lắm, bao nhiêu năm đỡ đẻ cho người ta mà không cứu được cháu mình. Nó còn trẻ không biết rặn đẻ, con thì to, đau lâu quá mà không đẻ được nên bị ngạt. Lúc đứa trẻ ra, tao đã làm đủ cách để cứu nhưng không được”.

Gần đây, chị Lía lại mang bầu đứa thứ 2, lần này bà Chúa quyết đưa con dâu đi ra trạm xá xã sinh nở. Đường từ nhà ra đến trạm xá cách 7km đồi núi, bà Chúa cùng con trai đưa Lía đi bằng ngựa kéo trong đêm. Nhưng ra đến trạm thì y tá bảo là đứa trẻ đã chết lưu và phải lập tức mổ để cứu mẹ. Cạn nước mắt, Lía ngày một héo hắt sau 2 lần mất con. Bà Chúa từ đó cũng “giải nghệ” không làm “mụ vườn” nữa.

30 lần đỡ đẻ cho con dâu

Đó là bà Già Thị Dính ở thôn Mon Vải (xã Hữu Minh, huyện Yên Minh). Trong căn nhà tối om và nghi ngút hương khói, bà Dính và vợ chồng con trai út đang tất bật chăm sóc đứa trẻ 5 tháng xanh xao, bị sốt cao và đang khóc ngặt nghẹo. Bà Dính cho biết: “Đứa bé mấy hôm nay không chịu ăn, không chịu bú sữa mẹ, gia đình đang phải cúng đuổi ma cho nó”.

Cũng theo bà Dính, đến khi nào đứa trẻ khỏi ốm thì nhà mới được mở cửa chính đón ánh sáng, còn lại là phải đi cửa lách, ngày nào cũng phải thắp hương. Khi được hỏi tại sao không đưa xuống trạm y tế để khám, bà Dính cười: “Chắc là chỉ mọc răng thôi à, không sao đâu. Từ trước đến nay, cả trẻ con và người lớn ở bản bệnh nặng lắm người ta mới xuống trạm xin thuốc, bệnh nhẹ thì để ở nhà cúng ma là tự khỏi thôi”.

Bà Dính cũng cho biết, những đứa con dâu sau này của bà khi mang bầu đều được y tế thôn bản đến chăm sóc, phát thuốc bổ hàng tháng, nhưng riêng việc sinh nở thì chỉ trường hợp đẻ khó mới lên trạm xá xã.

Câu chuyện sinh nở của bà và 8 đứa con dâu được bà kể bằng vốn tiếng Kinh chữ được chữ mất trong căn nhà nghi ngút khói. Kinh nghiệm tự sinh 8 đứa con trai đã khiến bà trở thành bà mụ cứng tay không chỉ với các con dâu, mà còn của nhiều phụ nữ trong thôn, bản. 30 đứa cháu nội đều do một tay bà đỡ đẻ, cắt rốn, lau chùi. “Phụ nữ Mông đẻ con dễ lắm, cứ như gà đẻ trứng ấy, chẳng khó khăn gì” – bà Dính cười.

Suốt 20 năm đỡ đẻ cho con, bà Dính chỉ sợ nhất lần đứa con dâu thứ 3 sinh cháu thứ 4. “Con nó to quá, rặn mãi không được, nó mất sức ngất đi, tao phải tìm mọi cách cho nó tỉnh để rặn. Cuối cùng thì cũng đẻ được, đứa trẻ suýt ngạt, tím hết người”.

Chị Thào Thị Vá – cán bộ y tế xã Hữu Vinh cho biết: Vận động mãi không được, chúng tôi phải xuống tận nhà dạy cho các… mẹ chồng cách đỡ đẻ an toàn, vệ sinh. Đó là phải tránh nằm đẻ ở chỗ ẩm thấp, kéo, dao cắt rốn thì phải được hơ qua lửa, dùng nước ấm để vệ sinh cho mẹ và con, trẻ ốm thì phải được uống thuốc, không được cúng ma… Nhưng tập quán khó đổi, phụ nữ dân tộc vẫn quen với chuyện “tự sinh, tự sát”. Vì vậy hàng năm ở xã vẫn còn hàng chục ca tử vong vì sinh con tại nhà.

Bài 2: “Không xuống trạm xá đâu”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem