Vui buồn bà mụ vườn: Cứu tinh cho sản phụ nghèo

Thứ tư, ngày 15/02/2012 19:04 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong khi tại các bệnh viện lớn, bác sĩ phải bó tay trước những ca sinh khó thì các bà mụ vườn ở vùng sâu, xa bằng vốn kinh nghiệm của mình đã đỡ mẹ tròn con vuông.
Bình luận 0

Tuy nhiên, có một thực tế là các bà mụ vườn này lại không được công nhận, không được đào tạo, không có phụ cấp…

Nghiệp gia truyền

Xã Sơn Vĩ là một trong những xã biên giới khó khăn nhất của huyện nghèo Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), nơi được xem như cái nôi sản sinh ra những bà mụ vườn mát tay.

img
Bà mụ vườn Lìn Thị Gì.

Người chúng tôi gặp đầu tiên là bà mụ Hoàng Thị Tương – người đỡ đẻ nức danh thôn Lũng Làng (Sơn Vĩ). Bà Tương đã 50 tuổi, thân hình đầy đặn, bàn tay to ấm, gương mặt phúc hậu. Bà từng là cán bộ Hội Phụ nữ xã Sơn Vĩ từ những năm 70, sau đó tham gia tiếp tế cho cán bộ trong chiến tranh biên giới, được tặng đủ các bằng khen, huân - huy chương các loại.

Cái nghiệp làm bà đỡ đến với bà một phần do cái nghiệp gia truyền 3 đời từ thời bà cụ ngoại để lại. “Còn nhớ, lúc hấp hối, bà đẻ ra tôi còn trăng trối: Nhất định phải giữ bài thuốc quý, giữ bí quyết đỡ đẻ để giúp bà con trong xóm”. Hơn 30 năm qua, bà Tương đã đỡ đẻ cho hàng trăm ca.

Cái nghiệp gia truyền của dòng họ Hoàng không chỉ truyền lại cho bà Tương, chị dâu bà là Hoàng Thị Òi cũng trở thành bà mụ vườn của xóm. Nhờ bài thuốc gia truyền mà dòng họ Hoàng đã cứu sống hàng trăm sản phụ đang trong cơn nguy kịch.

Không phải là con cháu của dòng họ Hoàng, nhưng bà Lìn Thị Gì (dân tộc Tày, ở xóm Lũng Làng) cũng là bà mụ vườn mát tay, được nhiều sản phụ tin tưởng, nhờ cậy. Chia sẻ về những bài thuốc quý, bà Gì cho biết đây là những loại thuốc được điều chế từ những loại cây rất thông dụng trên rừng như cây thặng yến, cây boi chỏg, hoặc bẹ hoa chuối tiêu...

Khi sản phụ lên cơn đau đẻ, bà sẽ lấy bẹ hoa chuối khô đốt hoà với nước, sau đó đem lọc sạch lấy nước cho sản phụ uống. Cây thặng yến thì ngắt lá giắt lên tai và hơ cây boi chỏg qua lửa cho nóng rồi đặt dưới mông của sản phụ. Những loại lá cây này có tác dụng làm nóng cơ thể, giúp sản phụ không bị mất sức và sinh nhanh hơn.

Buồn vui những lần hộ sinh

Sống ở địa bàn vùng cao, xa trạm xá xã, sản phụ nghèo chỉ trông chờ vào các bà mụ vườn. “Bao nhiêu đêm lặn lội đường rừng, bao nhiêu lần ngủ lại ở nhà sản phụ để chầu chực, tôi cũng không nhớ hết. Duy chỉ có 4 lần đỡ đẻ cho 2 ca thai ngược và 2 ca nhau quấn cổ là tôi nhớ nhất” - bà Tương nói.

img Theo phong tục của người Tày, nếu đẻ con trai được lại mặt 120 nghìn đồng, con gái thì 60 nghìn đồng. Phong tục là vậy, nhưng chẳng lần nào tôi nhận tiền cả. Có thì chỉ xin sợi chỉ buộc tay để giữ duyên (giữ nghề) thôi. img

Ca thai ngược sinh khó bà nhớ nhất là của sản phụ Giàng Thị Phừ (dân tộc Mông). Nửa đêm, sản phụ Phừ trở dạ, bà đi bộ 15km để tới đỡ đẻ. Sau 2 giờ vất vả, dùng đủ mọi cách để xoay ngôi thai đúng chiều, cuối cùng đứa trẻ cũng chào đời khoẻ mạnh.

Đỡ đẻ cho hàng trăm ca ở Sơn Vĩ, nhưng bà Tương, bà Òi, bà Gì …không hề được công nhận, cũng chưa từng được đào tạo, chỉ làm bằng kinh nghiệm. Các bà cũng không có chế độ gì liên quan tới hộ sinh thôn bản. Vì thế cuộc sống khá khó khăn. Như trường hợp bà Lìn Thị Gì, bà được xem là người có công với cách mạng, nhưng vì thất lạc giấy tờ mà đến nay bà không có bất cứ một chế độ hỗ trợ nào.

Ông Ma Văn Viện - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Vĩ đồng cảm: “Hiện mới chỉ có một số cán bộ y tế thôn xóm là có hỗ trợ, còn các bà mụ vườn thì không. Trạm cũng đã có kiến nghị, muốn lấy những bà mụ có kinh nghiệm về làm cán bộ y tế thôn, nhưng vì họ đều đã đứng tuổi, lại chưa có chỉ thị nên đành chịu”.

------------

Bài 2: Sẽ có nhiều bà mụ trẻ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem