Không chỉ bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ gây tranh cãi những ngày qua. Trong làng văn Việt, khá nhiều tác phẩm văn học đã tồn tại các dị bản, dẫn đến những chuyện đau đầu trên hành trình đi tìm bản gốc. Trước đây, văn bản còn được những người sáng tạo lưu giữ như một phần tất yếu của công việc sáng tác. Còn trong thời đại số hóa, khả năng có dị bản là khó tránh, đặc biệt là với tốc độ sao chép, truyền tin chóng mặt trên internet như hiện nay.
Sửa thơ và những chuyện khó thanh minh
Trước khi các nhà phê bình, nghiên cứu lên tiếng phân tích lại vẻ đẹp của hình tượng “bùn” trong thơ Lưu Quang Vũ, dư luận đã nghi ngờ, lên án mạnh mẽ, không thể tin nổi một nhà thơ tài ba, có thể chuyển tải tinh thần Việt sâu sắc như Lưu Quang Vũ lại ví tiếng Việt với “bùn”. Lúc đó, ai cũng thấy “đất cày” mới là hợp lý.
Đến khi bản thảo viết tay của nhà thơ Lưu Quang Vũ được gia đình công bố có 2 từ “như bùn” trong câu thơ, nhiều ý kiến vẫn tỏ vẻ không tin vào bản thảo viết tay bài thơ “Tiếng Việt” này vì chữ quá đẹp, rõ ràng, sạch sẽ.
Bài thơ “Cảm ơn” với bút tích của nhà thơ Xuân Diệu được xác nhận và công bố bởi Tạp chí Văn nghệ Quân đội. (Ảnh do Tạp chí văn nghệ Quân đội cung cấp)
Ngoài câu thơ đang gây tranh cãi “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/Óng tre ngà và mềm mại như tơ” bị sửa thành “như đất cày”, PGS-TS Lưu Khánh Thơ (em gái cố nhà thơ Lưu Quang Vũ) cho biết thêm: Riêng trong bài “Tiếng Việt”, nhà thơ Lưu Quang Vũ hồi đó còn phải chấp nhận thay đổi 2 câu thơ nữa. Đó là: “Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận” thành “Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng” và câu kết “Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình” thành “Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình”.
Theo PGS-TS Đoàn Lê Giang - Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM - bài thơ “Nhớ Bắc” của ông Huỳnh Văn Nghệ có ấn bản bị yêu cầu sửa hẳn ý thơ: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” trở thành “Từ thuở mang cày đi mở nước/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Để được in ấn và phát hành, nhà thơ đành ngậm ngùi chấp nhận. Mãi về sau này, những “án văn” vẫn còn đó là những vực xoáy hồ nghi, rất khó thanh minh, lý giải.
Xuân Diệu tặng thơ cho… mỹ nam?
Cách đây 2 năm, khi một người đàn ông công bố bản thảo chép tay bài thơ “Cảm ơn” chưa từng biết đến của Xuân Diệu tặng ông, nhiều ý nghĩ nghi ngờ cũng dấy lên rằng đây có thật là bút tích của nhà thơ? Bài thơ đó có thật là sáng tác của nhà thơ huyền thoại trong “tứ bất tử” của làng thơ Việt?
“Cảm ơn trời đất thật tài hoa/Đưa hết tình anh với đậm đà/Đem cả bài thơ và khúc nhạc/Sắc trời hương đất tạo em ra/Cảm ơn thầy mẹ khéo nhân duyên/Sinh tạo ra em, khối diệu huyền/Dáng nét làm cho anh quyến luyến/Sáng ngời đôi mắt khiến anh điên...”. Tấm ảnh của người đàn ông được đề tặng - thời đó, lúc gặp thi sĩ ở Nga - là một người con trai với ánh mắt rực lửa, rất đẹp trai khiến cho người đọc khó mà không đặt câu hỏi tại sao bài thơ chép tặng cho nam nhân mà ý tứ lại như đôi lứa trao gửi cho nhau?
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng không thể “cưỡng ép” các tình tiết này lại với nhau được. Vì bản viết tay có ghi rõ là “chép tặng” nên nhiều khả năng là bài thơ đã được sáng tác từ trước thời điểm đó.
Về việc so sánh, đối chiếu, xem xét bài thơ này có phải là của “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu hay không, PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp khẳng định chắc chắn đó là bút tích và là “hơi thơ” của Xuân Diệu. “Tôi khẳng định chắc chắn điều đó dựa trên cứ liệu: dấu ấn thời gian để lại trên bản viết tay, phong cách của Xuân Diệu trong bài thơ đó và phong cách chung tương đồng, nét chữ và chữ ký giống nhau. So sánh về văn bản học cũng tương ứng với giai đoạn mà Xuân Diệu sáng tác” - PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp phân tích.
Bài thơ “Cảm ơn” chưa từng công bố của cố thi sĩ Xuân Diệu chép tặng một người đàn ông tên Đặng Của (Ảnh do Tạp chí văn nghệ Quân đội cung cấp)
Sau này, Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong một lần công bố 10 bài thơ chưa từng được biết đến của nhà thơ Xuân Diệu, trong đó có “Cảm ơn”, với lời thơ, nét chữ viết, chữ ký trùng khớp của cố thi sĩ, được nhà thơ ghi lại là sáng tác năm 1973, chép tặng nhà phê bình Hồng Diệu (tên thật là Đỗ Văn Thuận).
Đọc tác phẩm gốc hay văn bản “trôi nổi”?
Bạn đọc tiểu thuyết “Giông tố” (Vũ Trọng Phụng), trong vòng 50 năm trở lại đây, khó có thể biết rằng văn bản đó đã ít nhiều bị rơi rụng, sai lạc qua các lần truyền bản. Là một trong những nhà nghiên cứu dày công và tâm huyết, với nỗ lực chung của vài đồng nghiệp Việt - Mỹ, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã có trong tay 2 văn bản “Giông tố” lần đăng báo đầu tiên (1936) và lần in sách đầu tiên (1937). Để làm cơ sở hiệu chỉnh cho cuốn tiểu thuyết này, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã viết cả một cuốn sách - công trình văn bản học về một tác phẩm chữ quốc ngữ.
“Công trình khảo dị này, ngoài việc giải quyết các vấn đề văn bản đã nảy sinh trên một tác phẩm cụ thể, là tiểu thuyết “Giông tố” của nhà văn Vũ Trọng Phụng, còn cung cấp một văn bản khả dĩ tin cậy được cho “Giông tố”, một tác phẩm có vị trí đáng kể trong văn học Việt Nam thế kỷ XX” - nhà nghiên cứu cho biết.
Theo ông Lại Nguyên Ân, người biên khảo còn muốn qua đây lưu ý bạn đọc và nhà nghiên cứu về tình trạng tồn đọng nhiều vấn đề văn bản học đối với hầu hết các tác phẩm ra đời từ thời văn học chữ quốc ngữ. “Một khi các tác gia và tác phẩm của thế kỷ XX đang và sẽ đi vào di sản kinh điển của văn học dân tộc nhưng lại không đi kèm với hoạt động khảo sát nghiên cứu chúng về mặt văn bản sẽ dẫn đến tình trạng trái nghịch: tên tác phẩm được coi là thuộc vốn kinh điển rồi nhưng văn bản của nó vẫn ở dạng trôi nổi, chưa thể được coi là đáng tin cậy chừng nào chưa có một văn bản chuẩn hoặc một văn bản chính được đề xuất. Trong tình hình đó, các sách giáo khoa trích giảng tác phẩm ấy, các tổng tập, tuyển tập có chọn tác phẩm đó hay các dự án chuyển thể hoặc dịch thuật tác phẩm đó... sẽ sử dụng văn bản nào trong số các văn bản trôi nổi?” - nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân băn khoăn.
Chưa tìm thấy “Truyện Kiều” gốc
Việt Nam vốn không có truyền thống lưu giữ, bảo vệ thư tịch, di cảo. Ngay cả “Truyện Kiều” của Nguyễn Du cũng không tìm được bản đầu tiên. Hành trình tìm kiếm bản Kiều đầu tiên qua 200 năm càng phức tạp hơn rất nhiều. Bản Kiều đầu tiên được viết bằng chữ Nôm, theo phương pháp khắc chữ nên có hiện tượng mất chữ, cần khôi phục. Vì thế, mỗi người khôi phục lại có ý hiểu khác nhau. Rất nhiều nhà Kiều học, nhà nghiên cứu, người của viện văn học, thư viện… đã cùng tìm hiểu, khôi phục, cùng ấn bản và lưu hành “Truyện Kiều” nhưng chưa có cơ quan nào thực sự có trách nhiệm xác định đâu là “Truyện Kiều” gốc.
|
Hòa Bình (Người Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.