Những kỳ quan lịch sử của Việt Nam trên báo Mỹ

Thứ ba, ngày 15/10/2013 06:26 AM (GMT+7)
Hang Sơn Đoòng, địa đạo Củ Chi, hầm trú ẩn trong khách sạn Metropole là những kỳ quan tự nhiên và nhân tạo được đề cập trong nhiều bài viết trên báo CNN (Mỹ).
Bình luận 0
1. Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới

Hang Sơn Đoòng thuộc công viên quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một hang động khổng lồ được hình thành từ khoảng 2 đến 5 triệu năm trước. Từ xưa, nước sông chảy qua vùng đá vôi trong một thời gian dài đã gây xói mòn và tạo thành một đường hầm lớn trong lòng đất. Tại những nơi đá mềm, phần trần sụp xuống tạo thành những lỗ hổng, dần dần tạo thành vòm hang lớn kỳ vĩ.

Hồ nước trong một nhánh hang Sơn Đoòng.
Hồ nước trong một nhánh hang Sơn Đoòng.

Hang được ước lượng rộng 150 m, trần cao hơn 200 m và dài ít nhất 5 km. Các nhà thám hiểm thậm chí không thể đi hết chiều sâu của hang để có chỉ số đo đạc chính xác, nhưng người ta ví nơi này chứa được cả một khu nhà của thành phố Manhattan. Ngoài trần hang cao và đẹp ấn tượng với những măng đá thạch nhũ lấp lánh, hệ thống hang động, sông và thác đổ dày đặc trong lòng đất khiến du khách có cảm giác đang trên "Hành trình tới trung tâm Trái Đất".

2. Hang Sửng sốt của Vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long nổi tiếng thế giới với hệ thống hang động đá vôi kỳ vĩ, tuy nhiên, với vị trí trung tâm của Di sản thế giới này, ahng Sửng sốt là một hang rộng và đẹp bậc nhất tại đây. Miệng hang cách mực nước biển 25 m và bị che khuất bởi các tán lá rừng xum xuê. Bước những bước chân đầu tiên vào hang, du khách thường bị choáng ngợp như đứng trong một nhà hát khổng lồ với diện tích 12.200 m2.

Hang Sửng Sốt.
Hang Sửng Sốt.

Hang chia làm 2 ngăn với rất nhiều những măng đá và nhũ đá được thắp sáng bằng đèn huỳnh quang màu cầu vồng. Trần hang cao tới 30 m và được phủ đầy những chùm đèn của tự nhiên. Lên đến đỉnh cao nhất của hang, bạn sẽ thấy bất ngờ và mát mắt với phong cảnh sơn thủy hữu tình của muôn loài cây cỏ, của hồ nước trong vắt và những động vật sinh sống nơi đây.

3. Địa đạo Củ Chi

Cảm giác đầu tiên khi du khách đến nơi này là không gian thiếu sáng và thiếu khí. Không hẳn chỉ vì đây là địa đạo rắc rối trong lòng đất mà Củ Chi còn là một địa danh lịch sử, là nơi ẩn náu của hàng nghìn người Việt Nam từng sống hàng năm trời suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hệ thống địa đạo này được xây dựng từ những năm 1940 và kéo dài 250 km trong lòng đất đến tận biên giới Campuchia.

Mô hình bên trong địa đạo Củ Chi.
Mô hình bên trong địa đạo Củ Chi.

Bên trong địa đạo 3 tầng này có nhà thương, các khu riêng biệt cho sinh hoạt hàng ngày, khu bàn kế hoạch quân sự, khu lưu trữ và làm vũ khí. Ngày nay chỉ có 2 phần là Bến Đình và Bến Dược mở cửa cho khách du lịch tham quan. Vào trong địa đạo, du khách được trải nghiệm cuộc sống trong lòng đất như những cư dân địa đạo trước đây.

4. Địa đạo Vịnh Mốc - Quảng Trị

Cổng vào địa đạo.
Cổng vào địa đạo.

Hệ thống địa đạo dài 2 km này tuy chỉ bằng một phần nhỏ địa đạo Củ Chi nhưng cũng là một di tích mang đậm vẻ đẹp lịch sử và sức mạnh con người. Khu vực Vịnh Mốc khi xưa bị bao vây bởi các cuộc tấn công từ lính Mỹ, nên người dân đã tạo ra một ngôi nhà dưới lòng đất để trú ẩn.

Địa đạo này còn là nơi tiếp tế lương thực và vũ khí cho đảo Cồn Cỏ - một cứ điểm quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Người dân khi xưa đã mất tới 18 tháng để đào xong địa đạo 3 tầng, tầng thấp nhất sâu khoảng 23 m. Theo ghi chép, 17 em bé đã được sinh ra tại địa đạo lịch sử này.

5. Di tích Hoàng thành Thăng Long trong lòng đất

Bước chân vào khu vực khai quật trong Hoàng thành Thăng Long, hầu như ai cũng cảm thấy đây như không phải nơi nên tới. Khu khai quật rộng lớn này đã phát lộ ra một phức hệ di tích - di vật vô cùng phong phú và đa dạng suốt từ thế kỷ 7 tới thế kỷ 19.

Một phần khu khai quật Hoàng Thành Thăng Long.
Một phần khu khai quật Hoàng Thành Thăng Long.

Các di tích kiến trúc được khai quật có nền móng, chân cột, tường, đường và nền lát gạch với hệ thống thoát nước, giếng nước, hồ sen... Nhiều loại di vật như gạch, gốm, ngói, chân cột bằng đá, đồ trang sức, thậm chí cả xương cốt động vật và vỏ sò lớn dùng lát sân. Khu di tích - di vật này chứng tỏ di tích của cố đô Thăng Long vẫn còn được bảo tồn trong lòng đất cho tới nay.

6. Hầm trú ẩn trong khách sạn Metropole

Vào tháng 8.2011 khi thi công quán Bar Bamboo, nhóm thi công đã phát hiện ra hầm trú ẩn đã bị lãng quên từ lâu trong lòng khách sạn Metropole. Hầm trú ẩn này rộng 40 m2 bao gồm 5 phòng và 2 hành lang, hiện vẫn còn được bảo tồn nguyên trạng. Một thông tin được xác thực cho rằng ca sĩ Joan Baez người Mỹ từng biểu diễn tại đây khi cuộc tấn công lịch sử năm 1972 diễn ra.

Ông Kai Speth, Tổng Giám đốc khách sạn Metropole, giới thiệu căn hầm trú ẩn.
Ông Kai Speth, Tổng Giám đốc khách sạn Metropole, giới thiệu căn hầm trú ẩn.

Ngoài hầm trú ẩn này, khách sạn Metropole còn bố trí khu trưng bày 110 năm lịch sử của khách sạn dọc theo 18 m hành lang, bao gồm 13 bảng ghi lại hình ảnh phục hồi của khách sạn từ những ngày đầu mở cửa.

VnExpress (Theo VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem