Những màn ra mắt con rể "dở khóc dở cười" trên màn ảnh

Anh Vũ Thứ sáu, ngày 30/09/2022 07:30 AM (GMT+7)
Chuyện con rể, thông gia là những chủ đề phổ biến, thú vị trên phim ảnh. Dưới góc nhìn hài hước, những bộ phim về chủ đề này đã mang đến tình huống "dở khóc dở cười" khiến khán giả thích thú.
Bình luận 0

Meet the Parents & Meet the Fockers (2000 & 2004)

Loạt phim này còn được khán giả Việt biết đến với cái tên Gặp gỡ thông gia. Bộ phim với sự tham gia của dàn sao đình đám Ben Stiller, Robert De Niro và Dustin Hoffman.

Phim kể về anh chàng Greg Focker (Ben Stiller) và cô vợ sắp cưới Pam Byrnes (Teri Polo) đã tạo ra một cuộc gặp gỡ thông gia vui vẻ giữa hai gia đình, song vẫn không tránh khỏi những sự cố xui xẻo mà không ai ngờ tới. Jack Byrnes (Robert De Niro) - bố của Pam là một cựu điệp viên tình báo, luôn tỏ ra quá kỹ tính, xét nét, "bậc thầy" trong việc khai thác lỗi lầm. Còn Bernie Focker, bố của Greg luôn vô tư, cởi mở, luôn muốn cuộc sống thật vui nhộn và hài hước. Hai gia đình với hai tính cách trái ngược khiến cho cuộc hôn nhân của 2 nhân vật chính đối mặt với không ít sóng gió.

Những câu chuyện thông gia "dở khóc dở cười" trên màn ảnh - Ảnh 1.

Meet the Parents & Meet the Fockers là loạt phim hài tiêu biểu của thập niên trước. Ảnh: Cheatsheet

Đánh giá về loạt phim này, tờ Los Angeles Times từng cho hay: "Một trong những thương hiệu phim hài hay nhất, thú vị và hấp dẫn nhất lịch sử". Tờ Wall Street lại khen ngợi cách khai thác của bộ phim: "Loạt những sai lầm hay tình huống "dở khóc dở cười" diễn ra trong phim nhưng lại được đúc kết tài tình thành một thông điệp ý nghĩa". Có thể nói Meet the Parents & Meet the Fockers ăn điểm với cách khai thác dí dỏm nhưng rất "đời", khiến bất cứ khán giả nào cũng phải đồng cảm với câu chuyện thông gia.

Father or the Bride (1991)

Phim xoay quanh George Bank – người đàn ông có một cuộc sống viên mãn bên vợ và con gái. Bỗng một ngày, ông nhận ra con Annie gái bé bỏng chuẩn bị đi lấy chồng, điều đó không khỏi làm ông thấy tiếc nuối những năm tháng bên con và có nỗi sợ khi chàng rể mà mình chưa gặp bao giờ. Vì vậy, ông tìm mọi cách để gây khó dễ cho anh chàng này bằng việc chê bai, đả kích và phủi bỏ mọi cố gắng của chàng rể tương lai trong việc hòa nhập với gia đình nhà vợ.

Những màn ra mắt con rể "dở khóc dở cười" trên màn ảnh - Ảnh 2.

Father or the Bride được khán giả yêu mến và đánh giá là một trong những phim về cha và con gái hay nhất. Ảnh: cafef

Một câu chuyện đơn giản nhưng bằng cách dàn dựng khéo léo của đạo diễn Charles Shyer, ông đã biến mọi thứ trở nên hài hước, tinh tế, không bị lố. Bộ phim thấm đượm tình cảm gia đình trong từng câu thoại. Minh chứng rõ nhất cho thành công của bộ phim là việc mang về 109 triệu USD dù chỉ có 20 triệu USD kinh phí. 

Tờ Washington Post ca ngợi nam chính Steve Martin về màn trình diễn trong vai ông bố đầy những tâm trạng lo lắng: "Bộ phim thật buồn cười nhưng gần như là "siêu phàm", trạng thái sốt ruột của nhân vật chính khiến mỗi khán giả đều thấy rằng trông thật giống với phụ huynh của mình".

Why Him? (2016)

Bryan Cranston – ngôi sao phim Breaking Bad có một vai diễn thú vị Ned Fleming - ông bố khó tính đứng trước nguy cơ mất "con gái rượu" vào tay Laird Mayhew (James Franco) – tay tỷ phú ăn chơi và có lối sống buông thả. Khi cùng gia đình tới chơi nhà Laird, Ned mới "ngã ngửa" khi phát hiện ra sự thật này, mặc dù Laird luôn miệng nói rằng, con gái của Ned đã khiến cho anh ta hoàn toàn thay đổi. Một cuộc chiến "khốc liệt" giữa bố vợ và con rể tương lai khiến khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Những câu chuyện thông gia "dở khóc dở cười" trên màn ảnh - Ảnh 2.

Why Him? với câu chuyện bố vợ, con rể khiến khán giả "cười ngất". Ảnh: amazon

Khán giả trang IMDb nhận xét: Mặc dù kịch bản của Why him? gần như không quá mới so với mặt bằng chung nhưng khác biệt lớn nhất mà bộ phim dành tặng khán giả là sự "điên rồ" đến từ tính cách nhân vật. Ông bố Ned liên tục chê bai Laird nhưng anh ta cũng không khác nào một phiên bản trẻ của Ned, hay tượng trưng cho những khát khao mà Ned không thể có được khi phải dành hết thời gian cho đình. Một người dùng trên YouTube cũng đưa ra nhận xét: "Tin tôi đi, đây sẽ là bộ phim khiến bạn phải cười đến phát ngất!".

Thông gia ngõ hẹp (2022)

Đạo diễn Trịnh Lê Phong vốn được biết đến với phong cách làm phim rất "Tây", nhất là qua bộ phim ăn khách Anh có phải đàn ông không?  từng gây "bão" màn ảnh Việt dịp đầu năm nay. Nhận xét về vị đạo diễn này, nam chính Tuấn Tú trong phim Anh có phải đàn ông không? chia sẻ với Dân Việt rằng: "Anh ấy là một đạo diễn cực kỳ khôn khéo, có khả năng biến những tình tiết dù nhạy cảm trở nên duyên dáng, đáng yêu một cách lạ thường".

Yếu tố này đã được Trịnh Lê Phong phát huy trong Thông gia ngõ hẹp – bộ phim đang phát sóng những tập đầu trên VTV. Phim kể về cuộc gặp gỡ thông gia của gia đình ông Khôi (NSND Trọng Trinh) với con rể tương lai Phan (Trọng Lân) - cậu quý tử của một gia đình kinh doanh homestay ở vùng núi. Tuy nhiên, ông Khôi không ngờ rằng bố của Phan - ông Phúc (NSƯT Chí Trung) lại là "tình địch" hồi trẻ của mình. Điều này khiến cho chuyến đi đến thăm thông gia của vợ chồng ông Khôi bỗng trở thành "thảm họa".

Những câu chuyện thông gia "dở khóc dở cười" trên màn ảnh - Ảnh 3.

Thông gia ngõ hẹp với sự tham gia của dàn diễn viên đình đám: NSƯT Chí Trung, NSND Trọng Trinh, diễn viên Trọng Lân, Việt Hoa... Ảnh: VFC

Ngoài mâu thuẫn của ông Phúc và ông Khôi, đạo diễn Trịnh Lê Phong còn lồng ghép nhiều thông điệp về mặt trái của xã hội hiện đại, nhất là tư tưởng trọng nam khinh nữ. Mẹ của Phan phải trốn bà nội vì mang "tội" tướng sát phu, chị gái Phan bị bắt giấu đi thân phận mẹ đơn thân vì sợ gia đình nhà thông gia tương lai của Phan coi thường. Liệu những mâu thuẫn, tư tưởng hà khắc của người lớn có cản trở Phan tìm thấy hạnh phúc của mình? Câu trả lời sẽ có trong những tập tiếp theo của bộ phim "Thông gia ngõ hẹp" lên sóng trên kênh VTV 3.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem