Những món quà “chạm tim” bác sĩ

Diệu Linh (tổng hợp) Thứ hai, ngày 27/02/2017 12:59 PM (GMT+7)
Mỗi khi đến ngày 27.2, các bác sĩ, nhân viên y tế lại nhận được vô số lời chúc mừng, hoa tươi. Nhưng những điều khiến các bác sĩ ấm lòng và càng yêu nghề hơn là những món quà giản dị mà hết sức chân thành của người nhà bệnh nhân sau nỗ lực giành sự sống trong tay tử thần cho người thân của họ.
Bình luận 0

TS Khu Thị Khánh Dung - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương kiêm trưởng khoa Sơ sinh của Bệnh viện nhớ mãi về vị ngọt ngào của chiếc bánh Choco pie do bố mẹ bệnh nhân tặng. Bệnh nhi bị suy hô hấp độ 3 nhưng nhờ sự nỗ lực của bà và các đồng nghiệp mà cháu đã qua khỏi. Khi ra viện, bố mẹ cháu đến cảm ơn, ngại ngùng tặng các bác sĩ gói bánh Choco pie. Gói bánh đã được chia cho nhiều nhân viên y tế, mỗi người đều cảm nhận được sự biết ơn chân thành của bệnh nhân.

Còn tại phòng Hành chính khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) luôn có một bao tải to đùng đựng đầy miến nơi góc phòng bởi “các bác sĩ ăn hết em lại chở lên, nhà làm ra được”. Hóa ra, đó là quà của người nhà bệnh nhân tặng các bác sĩ vì thấy đêm nào bác sĩ trực cũng ăn mì ăn liền, vừa nóng vừa độc. 

BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, tình cảm, sự quan tâm chăm sóc của các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khiến các thầy thuốc cảm thấy rất vui, ấm lòng. 

“Ngay với tải miến dong này, dù trong khoa không có chỗ nấu, ai có nhu cầu thì lấy về nhà dùng nhưng chúng tôi vẫn thấy rất vui vẻ, hào hứng nhận vì đấy là tấm lòng của người bệnh mà”, BS Cấp nói.

Nói về những món quà, các bác sĩ khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) từng nhớ về giờ khắc cùng thổi nến, chúc mừng một bệnh nhân được “sinh ra một lần nữa”. Bệnh nhi mới 3 tháng tuổi (Hà Nội) mắc căn bệnh phổi kẽ vô cùng hiếm gặp trên thế giới, khiến bé tuy thở bình thường nhưng ôxy không thể vào phổi, người luôn trong tình trạng tím đen, suy hô hấp, khó thở như cá trên cạn. Cha mẹ gần như đã tuyệt vọng nhưng nhờ sự động viên, nỗ lực của các bác sĩ mà gia đình cùng kiên trì hơn 60 ngày đêm điều trị. Chiếc bánh gato mà gia đình mua để cảm tạ các bác sĩ một lần nữa cho con sự sống.

img

Bác sĩ Dương Đức Hùng tặng quà một bệnh nhân được ra viện. (Ảnh: D.L)

“Một miếng khi đói” là cảm giác sung sướng mà bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị phẫu thuật tim mạch - Viện tim quốc gia (BV Bạch Mai) đã trải qua khi ăn miếng sắn luộc của người nhà bệnh nhân “tự chế” ngay sau ca mổ. Bệnh nhân bị tai nạn chấn thương nặng, kíp mổ của bác sĩ Hùng đã phải căng thẳng suốt 6 tiếng để giành giật sự sống từ tay tử thần. Lúc này, người nhà ở ngoài vừa lo cho con, vừa xót xa cho các bác sĩ. Vì thế, ông đã dùng nồi cơm điện, luộc một nồi sắn để ngay khi các bác sĩ mệt rã rời bước ra khỏi phòng mổ có thể ăn cho ấm bụng.

Với PGS-TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, những món quà ông nhận được mà bản thân ông không thể nhớ là ai tặng nhiều vô kể. Có khi về phòng đã thấy gạo nếp, trứng gà để đầy phòng. Lại có những bài thơ đầy xúc động nói về các bác sĩ cũng khiến bác sĩ Lương lưu giữ mãi.

“Người ta có nhớ đến mình thật sự mới cất công mang những sản vật ở quê gửi gắm cho mình. Tôi rất trân trọng những món quà ấy. Thế nhưng với tôi sự khỏe mạnh của người bệnh sau những ca mổ mới là lớn nhất. Gặp lại bệnh nhân của mình, chỉ cần họ thông báo vẫn khỏe mạnh là tôi vui lắm” - BS Lương tâm sự.

Theo BS Lương, lâu nay, khi nói đến đội ngũ nhân viên y tế, người dân đều có suy nghĩ gần như mặc định cứ đến bệnh viện là phải có “phong bì” lót tay cho y, bác sĩ. Bởi theo họ, khi có “phong bì” thì người bệnh sẽ được chăm sóc, đối xử tốt hơn và ngược lại, nếu người nhà bệnh nhân không “biết điều” thì chỉ được thăm khám qua loa, thậm chí bị nhân viên y tế cố tình gây khó khăn, đau đớn.

“Đâu có phải nếu bệnh nhân giàu có thì BS mổ hết còn người kia không có tiền thì chỉ mổ một nửa. Khi bệnh nhân đã nằm trên bàn mổ thì ai cũng như ai, không phân biệt giàu nghèo, người nông dân hay quan chức” - PGS Lương trải lòng.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), lâu nay xã hội kỳ thị, có cái nhìn không tốt về người thầy thuốc xung quanh chuyện “phong bì” cảm ơn bác sĩ. Thực tế, có làm nghề y, có lăn lộn với người bệnh mới thấy nghề bác sĩ làm nghề vì nghiệp chứ đâu phải phong bì người bệnh.

“Có những người thân bệnh nhân tôi gặp lại sau nhiều chục năm, họ mang đến cho tôi một món quà và nói rằng ngày xưa BS đã điều trị cho con gái tôi, giờ cháu đã lập gia đình và đã có con. Nhiều khi những món quà mà mình không ngờ tới nó lại gây cho mình những ấn tượng và cảm xúc rất mạnh. Tôi thực sự trân trọng những tình cảm ấy” – TS Dũng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem