Những ngày “bước chân nát đá...”: Cứu thương dưới bom đạn

Thứ bảy, ngày 19/04/2014 07:53 AM (GMT+7)
Chiến dịch Điện Biên Phủ được chia làm 3 đợt. Đợt II (từ 30.3 đến cuối tháng 4), các Đại đoàn 316, 308, 312 tiến công các cứ điểm phía Đông (các ngọn đồi C1, E, D, A1).
Bình luận 0
Riêng trận đánh đồi A1 gặp khó khăn, ta phải tổ chức đánh đến 3 lần. Thương vong nhiều nhưng tinh thần chiến sĩ hết sức quật khởi.

Ở nơi cửa tử


Cứ đến gần dịp 7.5, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khả ở thôn Đồng Cáy (xã Yên Thắng, Lục Yên, Yên Bái) lại lần giở kỷ vật vô giá là chiếc huy hiệu chiến sĩ Điện Biên. Đã trải qua 60 năm, nhưng trong tâm trí của người cựu chiến binh 83 tuổi này, mọi ký ức vẫn còn tươi mới.

Ông Nguyễn Văn Khả và kỷ vật là chiếc huy hiệu chiến sĩ Điện Biên.
Ông Nguyễn Văn Khả và kỷ vật là chiếc huy hiệu chiến sĩ Điện Biên.

Quê gốc ở huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định), năm 1952 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Khả cùng bao thanh niên khác lên đường nhập ngũ tại Trung đoàn 55- đây là đơn vị huấn luyện quân bổ sung cho các chiến dịch lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến tháng 3.1954, ông chuyển sang Trung đoàn 98 lên Điện Biên làm nhiệm vụ phục vụ công tác quân y cho chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự chỉ đạo chung của bác sĩ Tôn Thất Tùng.

“Trong suốt thời gian tại Điện Biên, là người trực tiếp băng bó, cứu chữa vết thương cho các chiến sĩ ta, tôi được chứng kiến những gì là khốc liệt nhất của các trận đánh ác liệt. Những thương binh còn trẻ măng, mọi người đều chưa biết tên cứ lặng lẽ ra đi”- ông Khả bùi ngùi.

Lúc đó lán trại quân y được dựng gần chiến trường nên cũng bị đạn bom đánh phá liên tục. Khi chiến dịch bắt đầu, thương binh đưa về nhiều, ông cùng đồng đội bắt đầu những ngày tháng không nghỉ. Sau những trận đánh lớn của đợt II, cả đơn vị hầu như thức trắng đêm, có người làm việc liên tục 2-3 đêm không ngủ.

Ông Khả nhớ lại ngày ấy, các ông làm việc hầu như chẳng có một thứ máy móc, phương tiện hỗ trợ nào nên thường xử lý trực tiếp những gì có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ông làm nhiệm vụ gần như y tá, hỗ trợ các bác sĩ cứu thương điều trị hậu phẫu cho các thương binh sau mổ. “Nhiều lần, anh em chứng kiến những thương binh mới 17-18 tuổi, vừa chiến đấu đã bị thương, đến tên của tiểu đội trưởng còn chưa biết”- ông kể.

Từng được cứu thương ngay tại chiến trường, cựu chiến binh Nguyễn Văn Điện ở thôn Làng Già (cùng xã Yên Thắng) nhớ lại, nếu không có các chiến sĩ quân y dũng cảm cứu thương dưới bom đạn thì có lẽ sẽ có thêm rất nhiều chiến sĩ nằm lại Điện Biên.

“Năm 1954, tôi chiến đấu ở Đại đội 95 đóng quân ở Điện Biên với nhiệm vụ đánh đồn địch xung quanh khu vực Điện Biên Phủ tại Púng Luông, Nặm Khắt với mục đích quấy rối địch và bảo vệ căn cứ Điện Biên Phủ, ăn kham khổ đã đành, nước không có phải chặt chuối làm nước để uống”- người lính già nhớ lại.

Có những trận chiến quyết liệt với địch, tiểu đội của ông từ vài chục chiến sĩ chỉ trong một thời gian ngắn còn khoảng 10 người, còn lại đều hy sinh. Một trong những trận đánh đó đã khiến ông bị thương vào chân và phải xử lý “tươi” ngay tại trạm xá mặt trận: “Thuốc men thiếu thốn nhưng các bác sĩ quân y xử lý rất nhanh và tôi được lui về phía sau điều trị hậu phẫu rồi ra khỏi cuộc chiến với một phần cơ thể bị bỏ lại”- ông nói.

Cương quyết ở lại chiến đấu

Với cựu chiến binh Tô Thanh Cảnh những tháng ngày chiến đấu tại Điện Biên Phủ là dấu ấn không phai. Trong trí nhớ của ông, có rất nhiều thương binh không chịu lùi lại tuyến sau điều trị hậu phẫu mà nhất định tiếp tục chiến đấu.

"Những năm tháng đó chúng tôi sống rất nghiêm túc và trong sáng, vô cùng thương yêu nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong mọi khó khăn. Tôi nhớ có những lần buổi tối, chúng tôi đóng quân cùng đơn vị dân công Vĩnh Phúc. Khi đêm xuống muỗi rất nhiều, các nữ dân công không có màn nên 4-5 cô thường chui vào ngủ cùng màn với tôi. Nhưng chỉ có vậy thôi vẫn rất trong sáng mà không xảy ra chuyện gì”.
Ông Tô Thanh Cảnh

Ông Cảnh sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Quỳnh Thuận, (Quỳnh Lưu, Nghê An). Năm 1948 ông tòng quân, sang năm 1949 được cử đi học Trường Lục quân khóa 4. Tốt nghiệp Trường Lục quân ông được cử về làm Trung đội trưởng thuộc Đại đội pháo 115, Tiểu đoàn Ký Con, Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 304.

Đại đội của ông được giao nhiệm vụ tấn công đồi C1 là một trong những cứ điểm kiên cố nhất của Điện Biên Phủ. Chiến dịch kéo dài hơn 30 ngày đêm có rất nhiều thương vong cho cả ta và địch. Ông tự hào nhớ lại những năm tháng đó: “Chúng tôi chiến đấu rất gian khổ nhưng vô cùng hăng hái, mỗi bữa cơm chỉ có một nắm cơm vắt do anh nuôi mang lên. Pháo địch bắn dày đặc làm cho một số anh em bị thương nhưng các thương binh cũng không chịu lùi về tuyến sau mà cương quyết ở lại chiến đấu. Nguy hiểm nhất là có lần đơn vị đào hầm ngầm về phía địch. Hầm sâu quá thiếu không khí, thiếu ôxy để thở, cả đơn vị phải nhao lên tấn công địch mở đường máu để có ôxy mà thở. Những kỷ niệm về chiến tranh thì vô vàn không kể xiết”.

Sau khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, trung đoàn của ông Cảnh được giao nhiệm vụ tải thương đưa cả thương binh của ta và địch về tuyến sau. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn vì thương binh và hàng binh địch nhiều vô kể. Ông cho biết, có những lần hàng binh địch chạy trốn vào trong rừng vài ngày nhưng do đói quá lại quay trở lại xin cơm ăn và xin trở lại trại tù binh.

Một thời gian sau, ông Cảnh được cử đi học văn hóa và dạy bổ túc văn hóa cho các sĩ quan tại Điện Biên, chủ yếu là các sĩ quan và chiến sĩ người dân tộc đa số họ còn chưa biết đọc biết viết. Ông nhớ lại gần đây khi lên thăm lại Điện Biên đã gặp rất nhiều sĩ quan cấp đại tá, thượng tá tóc bạc trắng đã ôm chầm lấy ông và gọi ông là “thầy giáo” làm cho ông rất cảm động.
Thiên Việt- Khắc Điệp (Thiên Việt- Khắc Điệp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem