Thông tin tài khoản facebook có tên Nguyen Duy Manh (có tick xanh) được cho là của ca sĩ Duy Mạnh đã đăng nhiều thông tin không đúng với thuần phong mỹ tục.. đã gây phản ứng bức xúc trong dư luận.
Theo đó, trả lời VietNamNet ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã gửi công văn đến Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đề nghị mời ca sĩ Duy Mạnh lên làm việc.
Tối 6/8, trả lời VietNamNet, ông Nguyễn Đức Thọ - Chánh Thanh tra, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết: "Chúng tôi đã tiếp nhận thông tin ca sĩ Duy Mạnh có phát ngôn sai liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. Chúng tôi sẽ mời ca sĩ này lên làm việc để xác minh thông tin. Phải sau buổi làm việc, chúng tôi mới có thể phản hồi chính thức về hướng xử lý nếu anh này có vi phạm".
Nhân vụ việc gây xôn xao này, một số luật sư TP.HCM đã bày tỏ quan điểm. Riêng phát ngôn về chủ quyền biển, đảo Việt Nam mới đây, các luật sư nhận định vừa có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vừa sai trái đạo đức.
Cần xử nghiêm nghệ sĩ cố tình phát ngôn gây hoang mang
Luật sư Hồ Thị Diễm Phúc (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng dưới góc độ pháp lý, việc công dân nói chung và nghệ sĩ nói riêng phát ngôn buông tuồng trên mạng xã hội mỗi ngày, đưa thông tin sai gây hoang mang dư luận hoặc phá hoại, gây mất ổn định trật tự xã hội đều có quy định và chế tài đầy đủ, chỉ là số lượng người bị phạt hiện nay rất hạn chế.
Tại điểm d khoản 1 Điều 8Luật An ninh mạng2018 quy định nghiêm cấm hành vi: "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác".
Điều 9Luật An ninh mạng2018 cũng quy định: "Người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật".
Đồng thời, khoản 1 Điều 101Nghị định số 15/2020/NĐ-CPquy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (có hiệu lực ngày 15/04/2020) quy định hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng và biện pháp khắc phục buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
"Ngày nay, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế, bùng nổ của các phương tiện truyền bá sản phẩm nghệ thuật, các nghệ sĩ ngày càng có tầm ảnh hưởng lên những giá trị của xã hội thông qua các tác phẩm của mình nên mỗi phát ngôn của họ cần phải chuẩn mực và thận trọng hơn đối với cộng đồng.
Đặc biệt là mạng xã hội - nơi nghệ sĩ có hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu, lượt theo dõi, càng cần thể hiện trách nhiệm của bản thân với xã hội bằng việc kiểm chứng các thông tin trước khi đăng tải. Không được tùy tiện chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến xã hội, càng không được cố tình phát ngôn, đưa thông tin để gây hoang mang cho người khác", luật sư Phúc nói.
Luật sư cũng nói thêm, chị vốn biết ca sĩ Duy Mạnh có nhiều phát ngôn gây sốc từ lâu. Nhân vật này luôn cố ý phát ngôn đi ngược dư luận, xâm phạm đến quyền nhân thân như về hình ảnh, uy tín, danh dự, nhân phẩm... của cá nhân nhưng chưa từng bị xử phạt. Theo luật sư Phúc, nếu những nghệ sĩ cố tình vi phạm như Duy Mạnh, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nghiêm. Đó là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn cũng như răn đe các trường hợp khác.
Phát ngôn tục tĩu là biểu hiện của lối sống thiếu trách nhiệm
Luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) là cái tên quen thuộc với nhiều nghệ sĩ trong showbiz. Anh tham gia bào chữa các vụ việc như tranh chấp giữa ca sĩ Miko Lan Trinh và công ty giải trí Amigo; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp vụ kiện của nghệ sĩ Duy Phương.
Ông Cường bày tỏ, nghệ sĩ là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Nghệ thuật hiểu theo nghĩa khái quát là sáng tạo cái đẹp, chứa đựng những giá trị lớn lao về tư tưởng, thẩm mỹ; có sức tác động và làm rung động cảm xúc, tư tưởng tình cảm cho người thưởng thức; là cái vượt lên trên những giá trị thông thường, phổ biến.
"Nhân cách, lối sống, ngôn ngữ ứng xử của người nghệ sĩ ở mức độ nào đó được coi là đại diện cho cái đẹp. Mỗi hành vi, phát ngôn của nghệ sĩ nhất định có sức tác động không nhỏ đến cộng đồng hay rộng hơn là tác động đến xã hội, ứng xử xã hội.
Do vậy, trách nhiệm của người nghệ sĩ không đơn thuần chỉ là trách nhiệm của một con người, một công dân bình thường đối với xã hội mà phải được xem là trọng trách. Vì thế, lối sống, đạo đức của người nghệ sĩ cũng phải luôn được gìn giữ và hướng tới những chuẩn mực tốt đẹp.
Việc phát ngôn thiếu chuẩn mực, gây hoang mang dư luận, thậm chí tục tĩu, kém văn hóa… của bất kỳ cá nhân, công dân nào đã là điều không tốt vì con người luôn cần hướng tới lối sống đẹp. Riêng đối với nghệ sĩ, đây còn là biểu hiện của lối sống thiếu trách nhiệm đối với bản thân, với cộng đồng; nói đúng hơn là sự thiếu tôn trọng và vi phạm đạo đức nghề nghiệp, là điều khó chấp nhận!".
Theo luật sư Cường, điều 25 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng tự do ngôn luận không có nghĩa là phát ngôn bừa bãi, tiên quyết là không được xâm phạm đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác; quyền, lợi ích chung của xã hội theo Điều 15 Hiến pháp.
Bất kỳ cá nhân nào, kể cả nghệ sĩ, nếu có phát ngôn sai sự thật, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thể phải chịu chế tài.
Cụ thể, chế tài có thể là xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 101 về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội Nghị định 15/2020/NĐ-CP; hoặc có thể cấu thành tội phạm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 như Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội vu khống (Điều 156). Trường hợp hành vi vi phạm gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước… còn có thể bị cấu thành Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam được quy định tại Điều 117 bộ luật này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.