Những người đàn ông học làm… bố

Thứ bảy, ngày 28/01/2012 06:47 AM (GMT+7)
Điểm lạ là tất cả không phân biệt ai là “thầy”, ai là “trò”, thoải mái nói về những điều sâu kín nhất trong cuộc sống vợ chồng, cách chăm sóc con cái. Lớp học đặc biệt ấy mang tên “Những ông bố đích thực”.
Bình luận 0

Có một lớp học dạy làm… bố diễn ra ở khu nhà E, Bệnh viện Phụ sản Trung ương vào sáng thứ Bảy hàng tuần...

Học làm bố không khó

Chương trình “Những ông bố đích thực” được tổ chức trong không gian ấm cúng và yên tĩnh ở góc phòng Bệnh viện Phụ sản Trung ương với sự tham gia của 15 người đàn ông có vợ sinh con lần đầu. Họ chia sẻ về những vấn đề chưa bao giờ trải nghiệm với một tâm trạng đầy lo lắng.

img
Lớp học “Những ông bố đích thực” được tổ chức tại BV Phụ sản TƯ

Anh Nguyễn Trọng Hoàng cho biết, khi ở nhà anh ít có cơ hội nói chuyện với vợ về việc nuôi con vì vợ và mẹ muốn nuôi con theo cách riêng mà ít chú trọng đến tính khoa học. Đến đây, qua trao đổi với những người đều là những ông bố tương lai, anh đã biết rằng nuôi dạy con ngày nay không được bó hẹp theo cách riêng của gia đình mà cần chú trọng đến phương pháp theo khoa học hiện đại, đặc biệt cách nuôi dạy con kiểu… nước ngoài khá thú vị.

Có thể nhiều ông bố còn ngượng khi cầm tài liệu về thai sản, nhưng họ rất cởi mở tâm sự chuyện nuôi dạy con. Anh Đào Văn Lâm (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, vai trò người đàn ông trong gia đình cực kỳ quan trọng. Công việc trong gia đình cần san sẻ nhau để cùng có nhiều thời gian chăm sóc con tốt hơn.

Các ông bố tương lai đều đồng thuận rằng việc chăm sóc con cái ngày nay phải có sự kết hợp cả truyền thống của Việt Nam và những cách nuôi dạy con theo hướng hiện đại. Anh Nguyễn Đình Phong (Phương Mai, Hà Nội) nhận được những kinh nghiệm nuôi dạy con từ những ông bố và được bác sĩ tham vấn trả lời. Không những thế, anh còn học được những cách chăm sóc như tắm cho trẻ sơ sinh, thay tã… và cho con bú. Khá e ngại vì lần đầu làm bố, người chồng trẻ này xung phong lên thực hành trong phần tắm bé khiến cả hội trường hoan hô.

Ngay cả những ông bố đã có con rồi cũng chưa chắc đã thấu hiểu những khó khăn vất vả trong việc sinh con, chăm sóc con của vợ… Dù tiêu chí của chương trình chỉ dành cho những ông bố sinh con đầu lòng nhưng anh Trần Văn Hải (Chợ Mơ, Hai Bà Trưng) đã có con gái lớn 3 tuổi và vợ sinh lần 2 vẫn cố “lọt” vào lớp. Anh vừa cười vừa nói khi chia sẻ cảm giác lần đầu tiên bồng con với các ông bố tương lai: “Tôi là công nhân, khuân vác nặng nhọc thế nào cũng không ngại nhưng khi bồng con cứ cảm thấy khó khăn và sợ làm rớt em bé...”.

Trong lớp, những ông bố học được cách thay tã, giữ bé, cho bé ăn và vỗ ợ hơi, ru bé ngủ, lắp một cái ghế ngồi trong xe hơi, và ngăn ngừa trẻ phá đồ đạc. Họ cũng sẽ học cách chăm sóc phụ nữ trải qua quá trình chuyển dạ, chăm con và vợ khi trở về nhà từ bệnh viện. Cùng với các bài học này, họ có thể gặp được những ông bố khác đang chia sẻ kinh nghiệm tương tự, và có thể chia sẻ cảm giác mà bạn có. Đó sẽ là một sự hỗ trợ lớn.

Nhưng thành ông bố đích thực thì… khó

Anh Nguyễn Đức Nam – cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết: Chương trình chúng tôi thực hiện đối với người đàn ông có vợ mang bầu lần đầu tiên. Mục đích hướng tới là tăng cường mối quan hệ giữa vợ chồng trong việc sinh đẻ, nhằm giúp người vợ cảm thấy an toàn hơn trong thời kỳ mang bầu.

img
Bác sĩ và sản phụ hướng dẫn cách chăm sóc vợ tại lớp học

Đối với ông bố có đứa con đầu lòng, chưa có được những trải nghiệm quý giá về những phút giây khó khăn trong vượt cạn, nuôi dạy con… thì chương trình sẽ giúp người cha chuẩn bị tinh thần, tâm lý để chào đón đứa con ra đời. Đồng thời giúp người cha thấy được vai trò của mình trong việc nuôi dạy con khôn lớn.

Thạc sĩ Phạm Thị Phương Lan- trưởng phòng đào tạo BV Phụ sản TƯ cho biết: Theo đánh giá của bệnh viện, đây là chương trình rất bổ ích, thiết thực và được giới trẻ đón nhận với thái độ nghiêm túc. Chương trình này đã góp phần chia sẻ những kinh nghiệm cho những người đàn ông lần đầu tiên được làm bố đồng thời giải quyết những vấn đề khúc mắc trong quan hệ vợ chồng; giữa mẹ chồng –nàng dâu; con rể- mẹ vợ…

Thông qua lớp học này, những người đàn ông sẽ trở thành những ông bố đích thực khi biết chia sẻ những khó khăn, vất vả cho người phụ nữ khi sinh và nuôi dưỡng đứa trẻ sơ sinh. Bệnh viện sẽ tiếp tục và nhân rộng mô hình này ở nhiều bệnh viện khác để nâng cao trách nhiệm của người đàn ông trong việc chăm sóc gia đình, giảm bạo lực gia đình; phát huy vai trò của người đàn ông trong việc hỗ trợ người vợ trong suốt quá trình mang thai, sinh nở và nuôi dạy con cái sau này.

Theo Phụ nữ Thủ đô
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem