Những người nông dân chuyên nghiệp: Thành công từ ngã rẽ bất ngờ
Những người nông dân văn minh: Thành công từ ngã rẽ bất ngờ (bài 1)
K.Nguyên
Thứ năm, ngày 08/09/2022 19:00 PM (GMT+7)
Mục tiêu xây dựng nông dân và dân cư nông thôn có trình độ được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW, trong đó nhấn mạnh vai trò "làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn" của nông dân và dân cư nông thôn và mục tiêu xây dựng người nông dân văn minh được quan tâm hàng đầu.
LTS. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ quan điểm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là: "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", trong đó mục tiêu xây dựng nông dân và dân cư nông thôn có trình độ được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhấn mạnh vai trò "làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn" của nông dân và dân cư nông thôn.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 19 và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ NNPTNT cũng đang xây dựng một dự thảo đề án về tri thức hóa nông dân. Trong khi đó, Hội Nông dân Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ để nâng cao trình độ sản xuất, tiếp cận thị trường của nông dân. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Chỉ khi người nông dân có kiến thức, có đủ tri thức mới có thể quyết định được việc làm của mình để nâng cao đời sống cho chính bản thân nông dân, cho gia đình và góp phần vào xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh: Xây dựng người nông dân văn minh, chuyên nghiệp không phải là vấn đề gì đó quá to tát, cao siêu mà bắt đầu từ những thay đổi rất nhỏ trong quá trình sản xuất hàng ngày như: ghi nhật ký sản xuất, sản xuất theo nhu cầu thị trường, hình thành tư duy liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Vậy thế nào là người nông dân văn minh, chuyên nghiệp, người nông dân cần làm gì để đạt được mục tiêu trở thành nông dân văn minh như tinh thần Nghị quyết 19 đề ra; các ban ngành chức năng, hội đoàn thể, các địa phương làm gì để hỗ trợ nông dân trên con đường trở thành nông dân văn minh?. Trên cơ sở những câu hỏi này cũng như thực tiễn đặt ra trong quá trình đưa Nghị quyết 19 đi vào cuộc sống, Dân Việt thực hiện loạt bài: Những người nông dân văn minh.
Nông dân văn minh: Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau
Mỗi buổi sáng, công việc đầu tiên ông Hoàng Văn Chất ở xã Chiềng Ban (Mai Sơn, Sơn La) làm là "chếch" tin nhắn Zalo. Không chỉ đảm nhiệm chức Giám đốc Hợp tác xã Trường Tiến, ông còn kết nối với hơn 400 chủ vườn cây ăn trái ở 7 huyện tại Sơn La, lập ra các nhóm Zalo để tư vấn kỹ thuật, bàn bạc tìm đầu ra cho nông sản…
Sau một thời gian liên kết với các nông dân trên địa bàn tiêu thụ nông sản, ông Chất nhận ra rằng: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Nông dân không liên kết lại, làm riêng lẻ là dễ bị tư thương ép giá".
Được biết, trước khi làm nông nghiệp, tôi có 10 năm phục vụ quân đội, làm bác sĩ quân y từ năm 1979. Tuy nhiên, đến năm 1989, do vợ tôi bị bệnh nặng, con cái nheo nhóc, gánh nặng gia đình quá lớn, tôi buộc phải giải ngũ về quê, vay vốn đầu tư trồng mía, cà phê.
Tuy nhiên, do không tìm hiểu kỹ, ông đã phải trả một cái giá quá đắt khi 12ha cà phê, mía bị sương muối làm cho lụi tàn. "Đó là thời điểm năm 1998, tôi vay ngân hàng khoảng 390 triệu đồng để trồng 4ha cà phê và 13ha mía. Ai ngờ sương muối khiến toàn bộ diện tích cà phê, mía của tôi tàn lụi hết, tôi phải rớt nước mắt đốt bỏ hơn 9.000 tấn mía", ông Chất kể lại.
Vì món nợ 390 triệu đồng không thể trả, ông Chất buộc phải thi hành án 5 năm. Ra trại, không nản chí, ông quyết tâm làm lại từ đầu, nhưng chọn trồng cây có múi, chỉ giữ lại một phần diện tích cà phê.
"Từ năm 2012 tôi chuyển khoảng 4ha sang trồng cam. Ban đầu, tôi đưa các giống cam V2, cam Cara, bưởi trồng xen vào hơn 2ha cà phê. Tôi đặt tiêu chí sạch, ngon lên hàng đầu nên thương lái gần xa rất thích mua. Năm 2021, tôi thu hoạch khoảng 200 tấn cam, trừ chi phí bình quân lãi khoảng 900 triệu đồng/ha. Nhìn chung từ ngày trồng cam, bưởi đến giờ, hầu như năm nào tôi cũng có lãi", ông Chất khoe.
Thời gian qua, nhận thấy cây cam, bưởi phù hợp với đất đai Sơn La, ông đã hướng dẫn, tư vấn nhiều hộ đồng bào người Thái, người Mông ở Chiềng Ban cùng trồng theo. Đến năm 2018, ông Chất đứng ra thành lập Hợp tác xã Trường Tiến, do ông làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị, với 12 thành viên nhằm mục đích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm trái cây của các thành viên, đích thân ông đã lặn lội đi Hà Nội, Hải Phòng, vào tận Bình Dương tìm khách hàng. Kết quả là sau những chuyến đi đó, sảm phẩm trái cây của hợp tác xã đã được tiêu thụ tại siêu thị BigC, các doanh nghiệp buôn bán nông sản ở Hải Phòng, Bình Dương... Thấy vào hợp tác xã có nhiều cái lợi, nhiều bà con ở xã Chiềng Ban cũng góp vốn xin vào. Đến nay, số thành viên của hợp tác xã đã tăng lên 32 người, diện tích trồng cây ăn quả hơn 30ha. Chủ yếu bà con trồng các giống cây có múi đang thịnh hành trên thị trường như cam Vinh, V2, cam Cara, cam Canh, bưởi da xanh, bưởi Diễn...
Cũng chính vì liên kết hiệu quả nên đến nay Hợp tác xã Trường Tiến đã có mạng lưới gần 500 hộ dân tại 7 huyện: Quỳnh Nhai, Sông Mã, Thuận Châu, Sốp Cộp... của Sơn La trồng trên 400ha cam các loại.
"Đợt dịch Covid-19 vừa qua, khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn nhưng chúng tôi vẫn bán được hàng nghìn tấn cam, bưởi nhờ xây dựng được "mạng lưới" các thương lái, chủ vườn. Qua nhóm Zalo do tôi thành lập, hàng ngày các chủ vườn sẽ thông tin về tình hình phát triển của vườn cam, dự báo sản lượng, ngày thu hoạch. Chúng tôi chia nhau lịch cắt bán cam để tránh tình trạng sản lượng dồn ứ vào cùng một thời điểm. Cái hay của cam, bưởi là có thể neo trên cây dài ngày, nên việc thu hoạch rải vụ dễ hơn các loại cây ăn trái khác", ông Chất cho biết.
Nông dân chuyên nghiệp làm chủ công nghệ, biết lắng nghe thị trường
Đến với nghề chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi lợn khá muộn sau khi đã kinh qua đủ thứ nghề nhưng điều giúp anh Phạm Xuân Thủy ở xóm 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình thành công là làm chủ công nghệ, biết lắng nghe nhu cầu thị trường.
Đó là thời điểm năm 2013 - 2014, sau một thời gian dài chuyên buôn chuyến gà, lợn thương phẩm và thức ăn chăn nuôi, nhận thấy việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi không mang lại nhiều lợi nhuận do chăn nuôi nông hộ ngày càng thu hẹp, lại thêm có chính sách dồn điền đổi thửa của xã, anh Thủy quyết tâm ra khu đồng trũng của xóm 2 để lập nghiệp.
Anh bắt tay vào tạo dựng trang trại từ những viên gạch đầu tiên, chở từng xe gạch vỡ làm con đường từ ngoài đường chính vào trang trại, lên nền, đổ cát để xây dựng một trại nuôi gà đầu tiên với quy mô khoảng 3 vạn con.
Bây giờ, anh Thủy đã có 13 trại nuôi gà, lợn khép kín, trại sau áp dụng công nghệ hiện đại hơn trại trước, tường trang trại được thiết kế hệ thống làm lạnh cùng với những chiếc quạt thông gió, giúp điều hòa nhiệt độ ổn định. Tổng diện tích trang trại đạt 7ha, và anh còn có dự định mở rộng thêm. Anh cũng được bình chọn là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Bên trong mỗi chuồng nuôi, hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn… được sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách nhằm tạo không gian thoải mái.
"Nếu lấp đầy công suất của 11 trại gà, quy mô đàn gà lên đến 160.000 con, còn hiện tại tôi đang nuôi khoảng 100.000 con gà thịt và 2 trại lợn khoảng 1.000 con", anh Thủy chia sẻ.
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 của Thái Bình tiết lộ, từ đầu năm đến nay dù giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng do giá gia cầm tương đối ổn định nên người chăn nuôi có lãi. "Từ đầu năm đến nay, tôi đã thu lãi khoảng 1,7 tỷ đồng từ nuôi gà", anh Thủy khoe.
Hiện, ngoài việc nâng cấp, tự động hóa các trại nuôi gà để giải phóng sức lao động cho công nhân trong việc chăm sóc, cho đàn gà ăn, anh Thủy còn đang có dự định xây dựng cơ sở chế biến, phối trộn thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí giá thành, đồng thời trong tương lai xây dựng cơ sở chế biến thịt gà.
"Nếu áp dụng chăn nuôi quy mô lớn, tôi tin, các trang trại của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với thế giới vì hiện tại, chăn nuôi với quy mô khép kín, giá thành giảm đi rất nhiều", nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 của quê lúa tự tin khẳng định.
Trong thời gian tới, anh Thủy tiếp tục áp dụng công nghệ tự động hóa vào hệ thống chuồng trại, "bởi công nghệ chăn nuôi ngày càng thay đổi, hôm nay công nghệ này còn hiện đại nhưng năm sau đã khác rồi, mình phải ứng dụng để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi", anh Thủy khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.