Trồng khóm, chế biến trái khóm bán khắp nơi, bán sang cả Nhật, một người Phú Yên là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022

Hùng Phiên Thứ tư, ngày 07/09/2022 13:03 PM (GMT+7)
Tự trồng khóm, liên kết với nông dân trồng khóm, lắp dây chuyền chế biến sâu trái khóm, anh Nguyễn Hoàng Chương (SN 1981) - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (khu phố Định Thọ 1, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) đã trở thành “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”.
Bình luận 0

Nông dân khó giàu nếu cứ bán nông sản thô

"Sau 10 năm đi học và làm việc nhiều nơi, năm 2009, tôi trở lại quê nhà làm nông dân. Thế nhưng tôi quyết không làm theo cách cũ của ông bà, cha mẹ. Bà con trồng rừng, trồng khóm ở Đông Din này lợi nhuận rất thấp. Tôi rất xót trước cảnh người dân phải đem trái khóm chất đống dọc đường, bán đổ bán tháo. Thế là năm 2018, tôi quyết định thành lập HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din, nung nấu ý tưởng đầu tư chế biến, nâng cao giá trị trái khóm đất này", anh Chương trò chuyện với PV. 

Nông dân Việt Nam xuất sắc làm sản phẩm OCOP từ cây khóm ở Phú Yên - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hoàng Chương - Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din. Ảnh: Hùng Phiên

Từ nguồn lực gia đình và vốn vay, vợ chồng Chương đã gom góp mua trên 30ha đất rừng Đồng Din. Cùng với diện tích canh tác khóm của các thành viên, Ban chủ nhiệm HTX đã liên kết với các hộ dân trồng khóm thông qua Tổ trưởng tổ khóm để thu mua khóm cung cấp cho HTX. Đến nay, vùng nguyên liệu khóm đạt chuẩn sản xuất hữu cơ của HTX Đồng Din đã trên 400ha.

Theo anh Chương, những ngày đầu thành lập, nguồn vốn rất hạn chế nhưng Hội đồng quản trị HTX đã thống nhất quyết định huy động mọi nguồn lực để đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị chế biến các sản phẩm sau cây khóm. 

Đó là việc đầu tư từng bước các loại máy làm bột, làm nhân bánh khóm; máy làm giấm, làm rượu khóm; máy làm nước lau sàn, nước rửa chén sinh học từ trái khóm; máy chiết rót, đóng chai; máy băm nguyên liệu, ép lọc… cùng hàng loạt thiết bị phụ trợ như lò sấy, lò nướng, tủ cấp đông,…

Nông dân Việt Nam xuất sắc làm sản phẩm OCOP từ cây khóm ở Phú Yên - Ảnh 2.

Thu mua khóm nguyên liệu tại HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din. Ảnh: CTV

Với HTX Đông Din, việc đầu tư thiết bị luôn song hành với ứng dụng tiến bộ khoa học để sản xuất theo quy trình, công nghệ hiện đại, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISSO, HACCP. Các sản phẩm của HTX đều có nhãn hiệu, chỉ dẫn truy xuất nguồn gốc, đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường.

Sản phẩm đầu tiên của HTX Đồng Din là chế biến bánh khóm theo công thức thủ công, không chất bảo quản, giữ được vị ngọt tự nhiên từ trái khóm và được thị trường đón nhận. Từ thành công này, HTX tiến tới nghiên cứu, chế biến các sản phẩm nước ép khóm nguyên chất, mứt khóm sấy. Ngoài ra, HTX còn tận dụng phụ phẩm khóm từ quá trình sản xuất để tạo ra giấm khóm, nước lau sàn, nước rửa chén sinh học từ khóm…

Clip: Anh Nguyễn Hoàng Chương, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 đến từ tỉnh Phú Yên

"Từ khi làm Giám đốc HTX Đông Din, mọi việc đều mới mẻ đối với một nông dân như tôi. Thế nhưng làm sản phẩm nông nghiệp chất lượng là đam mê của mình. Ý tưởng của mình đã bắt gặp được những người đồng điệu. Cứ thực tâm học hỏi, mạnh dạn làm thì cũng quen dần với việc điều hành, duy trì HTX phát triển. Không thể để bà con mãi nghèo với nông sản thô. Tôi luôn cảm ơn sự tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ của những người làm chuyên môn tâm huyết với nông dân", anh Chương chia sẻ.

Nông dân Việt Nam xuất sắc làm sản phẩm OCOP từ cây khóm ở Phú Yên - Ảnh 4.

Giám đốc Nguyễn Hoàng Chương với một số sản phẩm OCOP chế biến từ trái khóm Đồng Din. Ảnh: Hùng Phiên

Bà Trần Thị Ánh Hường, nông dân trồng khóm tại núi Đông Din, cho hay: "Từ khi có HTX Đồng Din, chuyện tiêu thụ khóm không còn "xập xình" thấp thỏm nữa. Người trồng khóm đã yên tâm đầu tư thâm canh theo quy trình hữu cơ và được HTX bao tiêu với giá cả ổn định, luôn có lãi. Bà con làm khóm Đông Din lúc này đều có thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha/năm".

Nối tiếp ý tưởng nhà nông làm giàu bền vững

Qua 4 năm sản xuất kinh doanh, HTX Đồng Din đã thực hiện thành công sản xuất sản phẩm từ khóm theo chuỗi giá trị từ cung cấp cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, HTX Đồng Din đã có 9 sản phẩm từ cây khóm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao, 4 sao. Những sản phẩm này đang được tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nông dân Việt Nam xuất sắc làm sản phẩm OCOP từ cây khóm ở Phú Yên - Ảnh 5.

Một số sản phẩm của HTX Đồng Din đang được bày bán tại Nhật Bản. Ảnh: CTV

Theo ông Nguyễn Đức Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, từ khi được chọn tham gia chương trình OCOP, những sản phẩm của HTX Đồng Din đã được hỗ trợ trong quy hoạch vùng nguyên liệu sạch đạt chuẩn organic. Bên cạnh đó là việc hỗ trợ quảng bá sản phẩm và tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng… 

Anh Nguyễn Hoàng Chương cùng HTX Đông Din đã thành công trong việc nâng tầm nông sản hàng hóa có chất lượng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Không dừng ở các sản phẩm từ khóm, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din còn kết hợp xen canh lá giang trong vùng trồng khóm, qua đó tạo ra sản phẩm lá giang sấy, vừa giúp tăng thu nhập, vừa lưu giữ giá trị của lá giang. 

Theo anh Chương, lâu nay các đồi khóm ở Đồng Din rất "sợ" những bụi dây lá giang, bà con phải tốn nhiều công sức để đào bỏ. Việc tận dụng sản phẩm từ lá giang đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân trong vùng nguyên liệu khóm của HTX.

Nông dân Việt Nam xuất sắc làm sản phẩm OCOP từ cây khóm ở Phú Yên - Ảnh 6.

Du khách tham quan đồi khóm Đồng Din. Ảnh: CTV

Hiện tại, HTX Đông Din còn trồng thử nghiệm 2.000 cây sung Magic trên diện tích 2ha trong khu du lịch sinh thái của đơn vị. Anh Chương cùng cộng sự đã dành thời gian tìm hiểu rất kỹ về cây sung Magic để quyết định nhập trồng xen canh với khóm, góp phần đa dạng nông sản của địa phương.

Anh Chương sôi nổi: "Đặc tính nổi trội của cây sung Magic là khả năng cải tạo đất. Vùng khóm Đồng Din sau một thời gian dài khai thác, đất đã bắt đầu có dấu hiệu thoái hóa khi mà lượng trái có kích thước nhỏ ngày một nhiều, ảnh hưởng tới năng suất. 

Lợi ích kép mà giống sung Magic mang lại sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng khóm truyền thống. Mô hình bước đầu thành công với năng suất thu hoạch khá, hợp đồng bao tiêu ổn định và đang dần nhân rộng tại địa phương. 

Bên cạnh nguồn thu từ trái cây, HTX còn muốn góp phần đa dạng sinh thái phục vụ phát triển du lịch trải nghiệm cộng đồng trên vùng đất Đồng Din - Phú Hòa".  

Nông dân Việt Nam xuất sắc làm sản phẩm OCOP từ cây khóm ở Phú Yên - Ảnh 7.

Anh Nguyễn Hoàng Chương (trái) đang trò chuyện với PV Dân Việt. Ảnh: Quốc Bửu

Ông Phan Đại Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Phú Yên nhìn nhận: "Anh Nguyễn Hoàng Chương là một hình mẫu nông dân hiện đại, có nhiều ý tưởng năng động sáng tạo để điều hành phát triển HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din. Đây là mô hình HTX kinh doanh tổng hợp đi đầu trong việc tạo ra nhiều sản phẩm OCOP mới có giá trị, góp phần nâng tầm nông sản Việt. Anh Chương cùng cộng sự đã không ít gian truân để có được thành quả là các sản phẩm chất lượng chinh phục thị trường, niềm tin người tiêu dùng trong và ngoài nước".

Nhiều năm qua, anh Nguyễn Hoàng Chương đã được nhiều cấp, ngành ở tỉnh Phú Yên tặng Bằng khen vì có thành tích trong sản xuất, kinh doanh giỏi.

Anh Nguyễn Hoàng Chương là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu nhất cả nước được Hội đồng Chung khảo Trung ương Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn xứng đáng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2022); kỷ niệm 10 năm Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam (2013-2022).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem