Đến hôm nay ông Tô Quang Khoan- nguyên Quản trị trưởng Đại đội 671 thuộc Sư đoàn 316 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vẫn chưa quên được giấc mơ ngắn ngủi lúc đang gói bộc phá chuẩn bị đánh đồi A1...
|
Tượng đài kỷ niệm ngày chiến thắng ở Mường Phăng. |
Ngỡ ngàng chiến trường xưa
Trong căn nhà xây vững chãi ở đội 13, xã Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên), vừa vỗ về đứa cháu nội trong lòng, ông Khoan vừa kể cho tôi nghe giấc mơ ngắn ngủi ấy: "Nó chỉ là mấy hình ảnh thoáng qua trong mấy giây khi tôi đang cùng các đồng chí khác gói những gói bộc phá nhỏ để chuẩn bị đánh ở đồi A1.
Đợt ấy chúng tôi hầu như không được ngủ, mà kẻ thù cũng chẳng để cho ai ngủ yên. Một phút thoáng mệt, tay tôi đang lần nút dây dù để buộc gói bộc phá cuối cùng thì thoáng thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, rồi lại thấy mình đang đứng giữa sân bay Mường Thanh nhưng xung quanh là ngút xanh cây lúa...
|
Ông Tô Quang Khoan không quên những kỷ niệm của 57 năm về trước trên chiến trường Điện Biên Phủ. |
Vậy mà không ngờ giấc mơ ngắn ngủi ấy đã thành hiện thực. Chưa đầy một ngày sau, chiều 7.5.1954, lá cờ đỏ sao vàng của ta đã tung bay trên nóc hầm Đờ Cát. Đó là một chiều nắng hiếm hoi sau cả tháng mưa dầm ẩm ướt. Hình như trời cũng chiều lòng người...".
Sau khi chuyển sang lực lượng bộ binh, ông Tư trực tiếp tham gia đánh đồi A1 nhiều lần. "Tối 6.5.1954, tôi bị dính đạn địch khi đang dẫn đầu tổ tam tam của Trung đoàn 174 xung phong đánh địch trên đồi A1. 2 mảnh đạn xiên vào đầu, 2 mảnh xiên vào lưng, tôi ngất đi trong vòng tay đồng đội".
Sau khi điều trị tạm lành vết thương, ông Tư lại cùng đơn vị hành quân vào chiến dịch mới: Xây dựng Điện Biên thành điểm sáng ngày mai của Tổ quốc.
"Ngày ấy bộ đội bắt tay vào làm kinh tế hoàn toàn từ con số không, nhưng giờ thì cuộc sống đã thay đổi hẳn. Gạo Điện Biên bây giờ vừa nhiều, vừa ngon, nổi tiếng cả nước. Cứ mỗi lần ra thăm ruộng hay ngắm nhìn những ngôi nhà cao tầng, trường học, bệnh viện khang trang, cánh cựu chiến binh chúng tôi lại thấy thêm ngỡ ngàng...
“Mình vẫn là lính Cụ Hồ”...
Không quên được dòng ký ức của những tháng ngày đầu tiên "cuốc, cày thay súng" trên trận địa còn nóng hổi khói đạn, bom và máu xương đồng đội, ông Nguyễn Mạnh Hùng - nguyên cán bộ quân lực Đại đoàn 316, hiện sống tại phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ tâm sự: "Năm 1958, Đại đoàn 316 quay trở lại Điện Biên để xây dựng cuộc sống mới trên chiến trường xưa. Ăn uống kham khổ, công việc nặng nhọc và hiểm nguy không kém lúc còn đánh trận.
|
Cầu Mường Thanh lịch sử hôm nay tấp nập người qua lại. |
Khắp nơi, chỗ nào động dao, cuốc vào cũng thấy giao thông hào, hầm, bom, đạn, pháo, mìn... còn rơi rớt lại. Thế là anh em cứ chia nhau dò nhặt, đến cuối giờ chiều lại gom bom, đạn, pháo tìm thấy trong ngày, đào hố sâu, đổ xuống rồi giật bộc phá để huỷ.
Nông trường Quân đội Điện Biên ngày ấy do Sư đoàn 316 lập nên với nghị quyết đầu tiên là làm được vụ lúa năm 1958 với tổng diện tích 500ha ở cánh đồng Mường Thanh này. Những ngày đầu khai phá đất để lập nông trường, 15 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, trong đó 13 người chết do vấp phải bom, mìn, 2 người bị lũ cuốn trôi... “Chúng tôi động viên nhau: Xây dựng Điện Biên cũng là mặt trận, mình vẫn là người lính Cụ Hồ, không thể lùi bước trước khó khăn được" - ông Hùng kể.
Hạnh phúc được góp sức xây dựng Điện Biên
Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng Mường Thanh đang mướt xanh lúa mới, ông Tô Quang Khoan bảo: "Ngày xưa cánh đồng này tuy rộng nhưng ấy là nói về diện tích chung, chứ nếu nói về canh tác thì chỉ bằng một phần nhỏ so với hơn 4.000ha bây giờ và lúc ấy chẳng ai canh tác lúa nước. Các đơn vị quân đội quay trở lại xây dựng Điện Biên năm 1958 phải đổ bao mồ hôi, xương máu mới cải tạo được mảnh đất này. Những nghề khác như trồng rau màu, làm đậu phụ, chăn nuôi gà, vịt... phát triển cũng là nhờ chính các "gia đình bộ đội".
Trong những thương hiệu nông sản của Điện Biên hôm nay, nhất là lúa, gạo, có sự đóng góp rất lớn của các đơn vị quân đội từng tham gia giải phóng Điện Biên năm xưa làm nên.
Anh em đưa vợ, con lên đây, mang theo con giống và kinh nghiệm sản xuất từ khắp các miền về. Gia đình tôi cũng vậy”. Nguồn nước tưới chủ động cho cánh đồng Mường Thanh hiện nay là do bộ đội bắt tay xây dựng hệ thống kênh thuỷ nông Nậm Rốm năm 1963, nâng diện tích canh tác từ gần 2.000ha khi đó lên hơn 4.000ha như hiện nay.
Năm 1959, ông Nguyễn Văn Ngũ (hiện ở C9 Thanh Xương, Điện Biên) đưa vợ rời mảnh đất quê hương nơi tả ngạn sông Hồng lên Điện Biên để xây dựng tổ ấm. "Thấm thoắt thế mà tôi đã hơn 80 tuổi, sức đã yếu, chân đã run nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn bảo con, cháu đưa ra thành phố, ngắm cái nơi mình đã cùng đồng đội chiến đấu, nhớ những chỗ đồng đội hy sinh, để nhìn con trẻ tung tăng đến trường...
Mỗi lần như vậy, tôi lại thấy mình và đồng đội, kể cả người đã ngã xuống, đã có một phần đóng góp nho nhỏ trong sự phát triển chung, hạnh phúc chung ở Điện Biên hôm nay".
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.