Tả Sìn Thàng là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của bà con người dân tộc Mông, Dao, Thái, Xạ Phang... Cứ 6 ngày một lần, vùng rẻo cao này lại được đánh thức bởi tiếng khèn môi lảng vảng, tiếng người nói cười, í ới gọi nhau đi chợ phiên từ tờ mờ sáng.
Chợ phiên Tả Sìn Thàng là nơi trao đổi, giao thương hàng hóa, nông sản của đồng bào các dân tộc thuộc 5 xã phía Bắc huyện Tủa Chùa, gồm Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Lao Sa Phình, Trung Thu và xã Sính Phình. Đây cũng là một trong những phiên chợ còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc của vùng núi phía Bắc Việt Nam. Càng những ngày gần Tết, chợ phiên nơi đây càng nhộn nhịp, đông vui.
Từ sáng sớm, chợ trung tâm xã Tả Sìn Thàng đã đông đúc, tấp nập bởi hàng ngàn bà con ở các vùng lân cận tập trung về đây. Mảnh đất vốn yên bình với màu xanh cây cỏ và tiếng chim rừng líu lo bỗng trở nên rực rỡ, náo nhiệt bởi những bộ sắc phục truyền thống và tiếng nói cười. Cảnh vật và con người như hòa vào nhau tạo nên một bức tranh đa sắc màu, phản ánh chân thực cuộc sống của đồng bào.
Uống rượu tại phiên chợ cũng là một trong những nét văn hóa đặc sắc của bà con vùng cao. Rượu được sử dụng rất nhiều trong các dịp lễ, Tết, mâm cơm hàng ngày và cả khi bạn bè gặp nhau tại mỗi phiên chợ. Người ta quý nhau mới mời nhau chén rượu. Vì vậy đây là loại thức uống được nhiều người tìm kiếm mỗi khi xuống chợ. Những can rượu ngô, rượu thóc thơm lừng được bà con nấu thủ công luôn thu hút nhiều người quan tâm.
Những chiếc điếu cày độc đáo cùng các nông cụ sản xuất như dao, liềm, cán quốc... được bày bán nhiều. Đây cũng là dịp để người ta trao đổi kinh nghiệm sản xuất với nhau, mách cho nhau cách nuôi con gà con vịt nhanh lớn, cách trồng lúa, tra ngô nhanh tốt.
Các sản phẩm bày bán chủ yếu ở chợ là các loại nông sản của địa phương như rau, măng, đậu đỗ, nấm hương...
Rất dễ dàng để nhận ra chợ phiên Tả Sìn Thàng tuy đông đúc nhưng không hề có sự chen lấn, xô đẩy. Mọi người mua bán với nhau rất vui vẻ, thẳng thắn, không hề có sự chèo kéo khách hay thách giá. Vậy nên nếu cảm thấy "ưng cái bụng" thì người bán và người mua sẽ tiến hành giao dịch với nhau.
Các loại bột làm bánh được chuẩn bị sẵn để đem đến chợ chế biến.
Nhiều người không ngại ngồi chờ đợi để được thưởng thức những chiếc bánh thơm ngon, nóng hổi.
Bánh dày là một món ăn có từ lâu của người Mông được giã hoàn toàn bằng tay từ loại gạo nếp ngon được nấu chín. Để làm một chiếc bánh dày phải tốn rất nhiều công sức và thờii gian mà không phải ai cũng làm được. Vì thế thay vì tự làm bánh dày, nhiều người đã chọn cách xuống chợ mua bánh. Ngoài loại bánh dày được làm từ gạo nếp trắng, còn có bánh làm từ gạo nếp cẩm để có màu tím đen lạ mắt, mùi vị cũng ngon hơn.
Bên cạnh các loại nông cụ, nông sản của địa phương còn có các mặt hàng thổ cẩm truyền thống, các loại chỉ màu, phẩm nhuộm và các sản phẩm được làm từ thứ vải dệt rất bền và đẹp. Các cô gái trẻ được dịp thể hiện sự đảm đang khéo léo của mình thông qua việc lựa chọn vải vóc, chỉ may..
Những gian hàng bán trang phục truyền thống luôn nổi bật nhất chợ và thu hút đông đảo chị em quan tâm. Những bộ váy, áo rực rỡ sắc màu cùng các loại trang sức óng ánh đã gần như làm dịu đi cái lạnh giá khắc nghiệt ở vùng núi phía Bắc này.
Không chỉ có người lớn mà trẻ con cũng được bố mẹ cho đi chợ phiên. Có những em bé ngủ gục trên vai mẹ sau một quãng đường dài.
Một số trẻ lớn được tự tay lựa chọn những bộ quần áo mới về mặc Tết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.