Các hoạt động đối ngoại tiếp tục là một dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong năm 2024. Trong năm qua, đã có khoảng 60 hoạt động đối ngoại cấp cao, trong đó có 21 chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội ra thế giới, đón 25 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước, 12 cuộc điện đàm hội đàm trực tuyến…
Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm ngay sau khi được bầu vào cương vị cao nhất của Đảng, đã có hàng loạt chuyến thăm quan trọng tới các nước, như thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc, Lào, Campuchia; dự Đại hội đồng Liên hợp quốc và làm việc tại Mỹ; thăm cấp nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ và thăm chính thức Cộng hòa Pháp…
Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao trải đều, hài hòa ở các khu vực khác nhau với các đối tác khác nhau. Các hoạt động, tiếp xúc đã tạo cục diện đối ngoại rộng mở, qua đó Việt Nam thiết lập các khuôn khổ đối tác mới, nâng cấp quan hệ với nhiều nước. Hiện Việt Nam đã có 9 đối tác chiến lược toàn diện, 33 đối tác toàn diện…
Ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần sau thời gian lâm bệnh nặng để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho toàn Đảng, toàn dân và bạn bè quốc tế. Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ của người cộng sản kiên trung, trọn đời sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, một tấm gương tuyệt vời về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngay sau đó, công tác kiện toàn nhân sự chủ chốt của Đảng và Nhà nước diễn ra với sự thống nhất cao, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả lãnh đạo và quản lý đất nước, đảm bảo sự phát triển ổn định.
Ngày 3/8/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII đã thống nhất cao khi bỏ phiếu bầu GS.TS Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư.
Tại kỳ thứ 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch nước Lương Cường, cùng với đó là việc kiện toàn các chức danh Thường trực Ban Bí thư, lãnh đạo ở Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp.
Sau gần 80 năm lập nước và gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế tăng trưởng vượt bậc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là thời điểm "hội tụ" tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và Kỷ nguyên đổi mới.
Ngày 25/11, tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành quyết tâm hoàn thành việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong Quý I năm 2025. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy được xác định là một cuộc cách mạng đòi hỏi sự dũng cảm, hy sinh của cán bộ, Đảng viên để chuẩn bị đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Ngay sau đó, tất cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã khẩn trương và quyết liệt thực hiện việc tinh gọn, hợp nhất tổ chức bộ máy theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng"…
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã lập kỷ lục mới về khối lượng công việc được giải quyết khi đã thông qua 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật và 17 nghị quyết điều hành kinh tế, xã hội với sự đồng thuận, thống nhất cao của các Đại biểu Quốc hội.
Các luật, nghị quyết được thông qua đã quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn về thể chế nhằm khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Sau nhiều lần điều chỉnh, góp ý, sửa đổi, ngày 15/1/2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Được đánh giá là dự án luật lớn, rất khó và phức tạp, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, Luật Đất đai 2024 có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển đất nước.
Năm 2024 là một năm kỷ niệm hàng loạt các sự kiện trọng đại của đất nước như 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 70 năm Giải phóng Thủ đô, 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặt yêu cầu rất cao đối với việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm, trọng tâm là các hoạt động lớn ở cấp Trung ương, vừa phải có ý nghĩa tri ân, có giá trị tuyên truyền, giáo dục về chính trị-tư tưởng, vừa phải mới, hấp dẫn nhưng bảo đảm thiết thực, an toàn, tiết kiệm và hướng tới người dân để người dân được thụ hưởng.
Các sự kiện này đều tạo được hiệu ứng và sức lan tỏa mạnh mẽ, để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về một Việt Nam anh hùng, bất khuất và không ngừng phát triển.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, con số này tăng 15% so với năm trước (vượt hơn năm 2023 100 tỷ USD) và vượt 2,5 lần kế hoạch được giao. Như vậy cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD).
Riêng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số, với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD (vượt xa mức 354,7 tỷ USD của cả năm 2023), tăng 13,6% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 4,6%), đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á…
Đóng góp vào thành tích này phải nói tới những nỗ lực của ngành nông nghiệp khi về đích ngoạn mục với nhiều kỷ lục mới trong xuất khẩu nông lâm thủy sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục - 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.
Đây được đánh giá là cơn bão lớn nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua và lớn nhất ở Việt Nam trong vòng 70 năm qua. Ảnh hưởng trực tiếp của bão và hoàn lưu bão Yagi đã làm 344 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương; 281.966 nhà hư hỏng, tốc mái; 112.034 nhà bị ngập; 284.472 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 61.114 ha hoa màu ngập úng; 39.188 ha cây ăn quả bị hư hại; 189.982 ha rừng bị thiệt hại... Tổng thiệt hại hơn 81.000 tỷ đồng.
Với sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư Tô Lâm; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phản ứng kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp tại hiện trường của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào trong nước và cả đồng bào ta ở nước ngoài,… đã hạn chế tối đa thiệt hại và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.