Dân ca ví, dặm (giặm) Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh
Ngày 27.11.2014, tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Pháp đã công nhận " dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh" trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Được biết, trong hồ sơ đề nghị, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã cung cấp cho Hội đồng thẩm định thông tin đầy đủ và thống nhất về Ví dặm Nghệ Tĩnh, một loại hình dân ca đề cao và tôn vinh các giá trị đạo đức, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Các thành viên của Ủy ban nhất trí đánh giá cao nội dung và giá trị tinh thần của dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh và đề nghị ghi danh dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh vào "Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".
Đây được xem như một sự công nhận giàu ý nghĩa nhân văn của thế giới đối với Việt Nam khi một loại hình dân ca ở các làng quê hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của người dân như làm ruộng, làm nón, chèo thuyền, kéo lưới, ru con… được UNESCO vinh danh.
Kế hoạch xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng
Hang Sơn Đoòng là một điểm tham quan hấp dẫn, kỳ thú bậc nhất của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Chính vì sự độc đáo và bí hiểm của hang Sơn Đoòng nên di sản này đã nằm trong tầm ngắm để khai thác của địa phương.
Ông Trương An Ninh - Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được xem là “mỏ vàng” du lịch của Quảng Bình, nên phải được khai thác để phục vụ người dân Việt Nam và cộng đồng thế giới chứ không thể để phí".
Xung quanh việc UBND tỉnh Quảng Bình có quyết định cho phép Tập đoàn Sun Group khảo sát làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng, ý tưởng xây dựng tuyến cáp treo đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ những nhà nghiên cứu chuyên môn về địa chất, địa mạo... Đặc biệt, các chuyên gia địa chất, địa mạo cho biết việc xây dựng tuyến cáp treo sẽ gây nguy hiểm cho di sản đã được UNESCO công nhận này.
Dự án cáp treo Sơn Đoòng nếu làm một cách vội vã, thì sẽ khiến bài toán bảo tồn phát triển di sản ở nước ta vốn đã khó, sẽ lại càng trở nên khó hơn trong việc tìm ra lời giải đáp. Mọi tác động từ phía con người đến VGQ Phong Nha- Kẻ Bàng đều phải đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái nơi đây.
XEM THÊM: Xây cáp treo vào Sơn Đoòng: Đe dọa tàn phá di sản thế giới
Vì vậy, nếu có triển khai dự án xây dựng cáp treo tại hang Sơn Đoòng, chắc chắn phải có ý kiến của tổ chức UNESCO và các nhà di sản trong và ngoài nước. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu tạm dừng dự án cáp treo hang Sơn Đoòng chính là bước đi để các cơ quan quản lý có cơ hội đánh giá toàn diện nhằm tìm được một lời giải đúng đắn và hiệu quả cho bảo tồn và phát triển di sản.
Phát hiện dấu tích kiến trúc đồ sộ và di vật quý ở chính điện Kính Thiên
Ngày 16.12, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) công bố kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên thuộc di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) trong năm 2014.
Di vật bằng vàng miếng có niên đại cuối thời Lý đầu thời Trần. (Ảnh: Nguyễn Hồng Kiên)
Trong đợt khai quật này, nhiều tầng văn hóa chồng xếp lên nhau chứng tỏ sự phát triển liên tục của các triều đại Việt Nam trong 13 thế kỷ (từ thế kỷ VIII-IX đến XIX-XX) tiếp tục được phát lộ. Đặc biệt trong đó là việc phát hiện ra mảnh vàng hình rồng và hoa sen phát hiện phát hiện lần này được cho là phụ kiện đính trên mũ hoặc trang phục của nhà vua.
PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, từ trước đến nay ở Hoàng thành Thăng Long mới tìm thấy 3 mảnh vàng. Báo cáo kết quả khai quật ở Hoàng thành Thăng Long năm 2014, ông Tín cho biết, lần đầu tiên xác định tầng văn hóa đầy đủ nhất có niên đại kéo dài từ thế kỷ 8-9 đến thế kỷ 19-20.
Cuộc khai quật cũng lần đầu tiên xác định được các dấu tích kiến trúc ở trục trung tâm có niên đại kéo dài từ thời Lý đến thời hiện đại. Trong đó, bước đầu làm xuất lộ 4 dấu tích kiến trúc lớn ở thời Lý như: móng kiến trúc, móng tường, sân gạch và đặc biệt là đường nước lớn.
Tràng An - Di sản thế giới được UNESCO công nhận
Vào lúc 15h57 phút (giờ Việt Nam), ngày 23.6, tại thủ đô Doha, Qatar, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An vào Danh mục Di sản Thế giới, theo tin từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO với tư cách là một trong 21 Quốc gia thành viên của Ủy ban.
Tràng An trở thành Di sản Thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được công nhận cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên. Đồng thời, khẳng định những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa và thiên nhiên của đất nước cũng như của toàn nhân loại.
Chấn chỉnh thực trạng “loạn” chữ thiêng ở nhiều di tích
Vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã chấn chỉnh việc các tổ chức, cá nhân không trưng bày, sử dụng, cung tiến, biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Hoành phi sai chính tả trong một di tích quốc gia. (Ảnh: Internet)
Trong khi vấn đề này còn chưa được xử lý xong xuôi thì một số nhà nghiên cứu văn hóa gần đây lại đề cập đến một thực trạng nhức nhối khác, đó là “loạn” chữ thiêng, dùng sai chữ như thơ tục, chữ Hán sai nghiêm trọng, chữ quốc ngữa hay chữ Hán,... ở nhiều di tích quốc gia.
Trước thực tế nhiều nơi dùng sai chữ Hán ở hoành phi, câu đối, một số người đề xuất thay chữ Hán bằng quốc ngữ. Họ cho rằng, chữ viết thì phải đọc được, treo chữ thiêng mà không đọc được thì còn ý nghĩa gì nữa, khác gì “bịt mắt nhân dân”, “đánh đố mọi người”. Luồng ý kiến khác: đã câu đối, hoành phi thì phải viết chữ Hán. Câu đối mà viết bằng chữ quốc ngữ thì không thấy thiêng.
Sập một góc Phu Văn Lâu ở kinh thành Huế do...mối mọt
Vào sáng 15.5.2014, góc trái của Phu Văn Lâu, một tòa lầu nằm trong quần thể Kinh thành Huế, bị đổ sập do 'cột gỗ bị mục ruỗng hoàn toàn và không chịu được lực'.
Phu Vân Lâu sau khi bị sập mái phía sau (Ảnh: Thanh Niên).
Phu Văn Lâu là một tòa lầu nằm trên trục chính của Hoàng thành Huế, ở phía nam và quay mặt ra sông Hương. Nơi này trưng bày văn thư của triều đình, được xây dựng vào năm 1819 dưới thời vua Gia Long, dùng làm nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức.
Ngay chiều ngày 15.5, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã có một cuộc họp của hội đồng chuyên môn để đánh giá mức độ xuống cấp của công trình và tiến hành xây dựng ngay một dự án trùng tu bài bản để trình UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tiến hành trùng tu lại di tích này.
Bức bình phong gây tranh cãi ở lăng Ngô Quyền
Sau 6 tháng thi công, việc tu bổ và tôn tạo di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền tại quê hương của vị vua là làng Cam Lâm, xã Đường Lâm đã vấp phải sự phản đối của dòng họ Ngô và nhân dân Đường Lâm vì những bất đồng trong việc trùng tu tôn tạo lăng Ngô Quyền, trong đó có việc xây bình phong mới.
Hầu hết những người được hỏi đều cho rằng, bức bình phong này gây ảnh hưởng không tốt đến tâm linh bởi vị trí dựng không thích hợp, thiết kế, hoạ tiết thiếu thẩm mỹ.
Bức bình phong lớn bằng xi măng mới được dựng trước lăng mộ vua Ngô Quyền, làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.
Ngoài bức bình phong gây tranh cãi, còn một công trình nữa được xây mới là nhà cho người thủ từ ở lại cao hơn hậu cung. Được biết, công trình tu bổ đền thờ và lăng Ngô Quyền có tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng, trong đó vốn công đức từ dòng họ Ngô Việt Nam là 10 tỷ đồng, phần còn lại thuộc vốn ngân sách Nhà nước và vốn xã hội hóa.
Trước những bất đồng quan điểm về cách thức tiến hành tu bổ, tôn tạo công trình của Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, dòng họ Ngô đã kiên quyết đề nghị tạm dừng thi công.
Dòng họ Ngô cho biết đã và đang xin phép được tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về Vua Ngô Quyền và xin ý kiến các nhà khoa học về việc trùng tu, tôn tạo ngôi đền và lăng Ngô Quyền nhằm bảo vệ tối đa di sản văn hoá tâm linh này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.