Đợt sụt giảm kéo dài gần một năm rưỡi qua của giá dầu đã tạo ra hàng chục “thây ma” dầu khí - thuật ngữ mà các luật sư và nhà tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp ở Mỹ sử dụng để miêu tả những công ty chỉ còn đủ tiền để trả lãi nợ, nhưng không thể khoan thêm giếng dầu mới để thay thế những giếng cũ đã cạn dầu.
Máy bơm dầu tại một mỏ dầu ở Denver, Colorado, Mỹ, tháng 2/2015 - Ảnh: Reuters.
Vòng xoáy nguy hiểm
Không có một định nghĩa duy nhất nào cho “thây ma” dầu khí, nhưng hầu hết các nhà đầu tư và phân tích được Reuters hỏi ý kiến đều nói đó thường là những công ty có mức nợ cực cao và đối mặt với trữ lượng dầu suy giảm.
Hiện có khoảng hơn hai chục công ty dầu khí đáp ứng được miêu tả nói trên. Các công ty này đều đã bị công ty đánh giá tín nhiệm Moody’s hạ điểm tín nhiệm xuống mức “rác” - không khuyến nghị đầu tư. “Nổi bật” trong số này có những cái tên như SandRidge Energy, Comstock Resources, và Goodrich Petroleum.
Để duy trì sự tồn tại, các công ty “thây ma” phải cắt giảm hoạt động khoan tìm dầu tốn kém và sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác dầu hiện tại để trả lãi và các chi phí khác trong quá trình mà một số chuyên gia gọi là “thanh lý chậm”.
Các vụ phá sản và vỡ nợ đang có nguy cơ bùng phát do việc cắt giảm đầu tư cho khai thác mới đã mạnh đến mức nhiều công ty có thể sẽ rơi vào một vòng xoáy nguy hiểm của trữ lượng dầu suy giảm, doanh thu giảm sút, và không thể vay được vốn mới.
Chừng nào giá dầu còn ở dưới mức 50 USD/thùng - mức giá được xem là hòa vốn đối với lĩnh vực khai thác dầu đá phiến ở Mỹ - thì số các công ty “thây ma” trong ngành này sẽ còn tăng lên.
Trên thực tế, số công ty dầu đá phiến đang trong cảnh vật vờ tồn tại nhiều đến nỗi “thây ma” dầu khí đã trở thành chủ đề của một bài phát biểu chính tại một hội thảo năng lượng lớn ở Houston hôm 10/12.
Liệu có cầm cự được?
SandRidge là một ví dụ “thây ma” điển hình. Cuối quý 3 vừa qua, công ty này còn 790 triệu USD tiền mặt, đủ để trả lãi nợ trong vòng 10 quý, nhưng không đủ để mở rộng khoan tìm dầu. Số giàn khoan của công ty đã giảm khoảng 80% trong năm nay.
Để có tiền mặt, vào tháng 5, SandRidge đã rao bán cao ốc văn phòng 30 tầng của mình, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được khách mua. Vào tháng 4, công ty sa thải ít nhất 130 nhân viên, tương đương 20% số nhân viên làm việc ở trụ sở.
Một nhân viên của SandRidge tiết lộ, công ty đang phải tiết kiệm từng đồng, thậm chí cắt nước ngọt miễn phí cho nhân viên.
Một “thây ma” khác là Goodrich được giới chuyên gia dự báo sẽ rơi vào tình trạng cạn thanh khoản vào cuối năm 2017. Công ty này mới đây tuyên bố sa thải 30% công nhân.
Một số công ty dầu đá phiến của Mỹ đã dừng gần như toàn bộ hoạt động khoan tìm dầu mới và cảnh báo sản lượng của họ có thể sớm giảm xuống, khiến họ càng kẹt tiền hơn, đồng thời đẩy nhanh sự sụt giảm sản lượng dầu thô của Mỹ.
Ngừng khoan giếng mới là một điều rất nguy hiểm trong ngành khai thác dầu đá phiến, bởi các giếng dầu đá phiến cạn dầu nhanh hơn nhiều so với giếng dầu thông thường.
Theo công ty đánh giá tín nhiệm Fitch, số vụ vỡ nợ của các công ty dầu khí hiện đã ở mức cao nhất kể từ năm 1999. Từ đầu quý 3 đến nay, ít nhất 12 công ty dầu khí đã lâm cảnh vỡ nợ.
Các công ty “thây ma” tin rằng họ sẽ cầm cự được cho đến khi giá dầu hồi phục, nhưng triển vọng rất u ám.
Giá dầu thô ngọt nhẹ tại đã giảm dưới 37 USD/thùng, gần thấp nhất trong 7 năm. Các hợp đồng tương lai dự báo giá dầu phải tới đầu năm 2018 mới trở lại ngưỡng 50 USD/thùng.
“Làm sao [các công ty “thây ma”] có thể tồn tại cho tới lúc đó nếu không có giếng dầu mới”, luật sư tái cơ cấu Deborah Williamson ở San Antonio đặt câu hỏi.
An Huy (Vneconomy)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.