Những thông điệp quan trọng về đối ngoại của Việt Nam đã được chuyển tải mạnh mẽ, rõ ràng, ở cấp cao nhất... với cộng đồng quốc tế, thể hiện khát vọng của Việt Nam trong một kỷ nguyên mới.
Tháng 9/2024 trong chuyến công tác đối ngoại đa phương đầu tiên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhắc tới thông điệp về kỷ nguyên mới của thế giới và Việt Nam. "Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới tốt đẹp hơn, vì sự phát triển tiến bộ, công bằng xã hội, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của người dân" - Tổng Bí thư nói trong bài phát biểu trực tiếp tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai tại trụ sở Liên Hợp Quốc.
Tiếp đó, trong bài phát biểu chính sách tại Đại học Columbia, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chia sẻ tầm nhìn của đất nước: "Sau gần 80 năm lập nước và gần 40 năm Đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chính sách tại Đại học Columbia, Mỹ, ngày 23/9/2024. Ảnh: TTXVN
Việt Nam đến nay có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; là thành viên tích cực của ASEAN và hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế; có quan hệ với 224 thị trường tại các châu lục.
Thông điệp đã được phát đi ở cấp cao nhất, cũng có nghĩa là những khát vọng của Việt Nam rất to lớn, nhưng cũng đòi hỏi những trách nhiệm và nỗ lực vượt bậc trong thời gian tới.
Những hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm qua khẳng định sự kế thừa các nguyên tắc cốt lõi của ngoại giao Việt Nam trên nền tảng ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao cây tre về độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa, nhưng đồng thời thể hiện sự chủ động, quyết tâm tạo nên những bứt phá trong tương lai.
Định vị Việt Nam
Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Trung Quốc tháng 8/2024 diễn ra sau khi Việt Nam có sự thay đổi lãnh đạo, và chỉ 8 tháng sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam. Trong chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo nhất trí củng cố phương hướng "6 hơn", bao gồm: Tin cậy chính trị cao hơn; Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; Hợp tác thực chất sâu sắc hơn; Nền tảng xã hội vững chắc hơn; Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.
14 văn kiện ký kết trong chuyến thăm tạo tiền đề quan trọng để hai bên tăng cường kết nối về kinh tế, nhất là thông qua kết nối về đường sắt để hướng tới các thị trường ở khu vực Trung Á và châu Âu.
Với một đối tác nước lớn khác là Mỹ, Việt Nam cũng đã có những tiến triển quan trọng. Ngoài chuyến thăm làm việc tới Mỹ của Tổng Bí thư Tô Lâm và gặp gỡ Tổng thống Joe Biden hồi tháng 9/2024 nói trên, Tổng Bí thư cũng đã có cuộc điện đàm rất sớm với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump để khẳng định những thông điệp chiến lược ngay từ trước khi ông Trump bước vào Nhà Trắng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang - CEO Nvidia trên đường phố Hà Nội, tối 5/12/2024. Ảnh: N.Y
Việt Nam cũng đã liên tiếp nâng cấp quan hệ với các nước chỉ trong vài tháng qua: Trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Pháp, Malaysia, đối tác chiến lược với Brazil, thành đối tác toàn diện với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất UAE. Trong đó, Pháp là quốc gia đầu tiên trong EU trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nước ta, đồng thời là quốc gia thứ 4 trong 5 quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nâng cấp quan hệ với Việt Nam.
Đến nay Việt Nam có 9 đối tác chiến lược toàn diện - mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, 5 đối tác trong đó được nâng cấp quan hệ trong hơn một năm qua: Với Mỹ vào tháng 9/2023, với Nhật Bản (11/2023), với Australia (3/2024), với Pháp (10/2024), Malaysia (11/2024). Như vậy xét trong bất kỳ tập hợp các quốc gia nào của thế giới và khu vực, dù là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong ASEAN, trong G7, trong NATO, trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới… Việt Nam đều có những quan hệ ở mức rất cao với các thành viên của các khối đó.
Những cánh cửa mới
Trong bối cảnh địa chính trị có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, các điểm nóng trên thế giới bùng phát, sự bất ổn toàn cầu dâng cao, quan hệ chính trị tốt đẹp với các nước và sự linh hoạt trong quan hệ quốc tế đã giúp Việt Nam duy trì sự cân bằng chiến lược và mở ra cơ hội hợp tác mới, đáp ứng lợi ích quốc gia trong các lĩnh vực then chốt như kinh tế, an ninh, khí hậu…
Đầu tháng 12/2024, sự xuất hiện bất ngờ của Thủ tướng Phạm Minh Chính và CEO tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Nvidia tại quán bia trên phố cổ Hà Nội đã khiến mọi người rất phấn khích. Những cái chạm cốc đó dường như để "ăn mừng" việc Nvidia quyết định lập liền 2 trung tâm AI ở Việt Nam.
Liên minh châu Âu - thông qua Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của khối, đã tài trợ cho công tác hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển carbon thấp và nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, trong đó có hỗ trợ cho lĩnh vực năng lượng là 2,4 tỷ euro. Những nhà máy điện gió, điện mặt trời áp mái đã và đang được xây dựng, nhiều dự án được đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật để đem lại nguồn năng lượng tái tạo đến cho mọi người dân.
Việt Nam còn tiếp tục thu hút nguồn vốn và công nghệ từ những nhà đầu tư hàng đầu như Nhật Bản và Hàn Quốc để phát triển hạ tầng và các ngành công nghiệp. Quan hệ thắt chặt với Nga, Ấn Độ giúp Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng. Hàng nghìn học bổng mỗi năm với các đối tác đa dạng đem lại cơ hội cho sinh viên Việt Nam có cơ hội học tập tại nước ngoài và họ cũng giúp Việt Nam nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong nước. Nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác toàn diện với UAE đem lại cho Việt Nam một cầu nối mới vào thị trường Trung Đông…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.