Việt Nam với nền tảng vị thế quốc gia và những lợi thế đặc biệt để bước vào kỷ nguyên vươn mình

GS-TSKH-NGND Vũ Minh Giang Thứ tư, ngày 29/01/2025 16:30 PM (GMT+7)
Lịch sử Việt Nam có những thời kỳ phát triển tuần tự theo thời gian, nhưng cũng có những lúc đất nước có bước phát triển đột biến, mạnh mẽ như là một sự chuyển giao của các thời kỳ lịch sử.
Bình luận 0

Vị thế quốc gia

Từ góc nhìn lịch sử, có một thực tế được lặp lại như một quy luật, là cứ sau mỗi một lần đất nước Việt Nam vượt qua những thử thách hiểm nghèo đến mức tưởng chừng không thể chống đỡ nổi thì đất nước lại bước vào một kỷ nguyên phát triển rất mạnh mẽ.

Tiến trình lịch sử suốt hàng ngàn năm của dân tộc chỉ ra rằng, sau muôn vàn khó khăn, thử thách, sau những thành công của thời kỳ Đổi mới, chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới. Chúng ta đã chuẩn bị bằng tất cả những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để tạo thế và lực bước vào thời kỳ cất cánh.

Việt Nam với nền tảng vị thế quốc gia và những lợi thế đặc biệt để bước vào kỷ nguyên vươn mình - Ảnh 1.

Các chuyên viên nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của FPT. Ảnh: V.A

Sức mạnh của đất nước chính ở nơi nhân dân, nhưng tập hợp sức mạnh đó thì ở các nhà lãnh đạo, hệ thống chính trị, bộ máy lãnh đạo. Nếu như cả hai yếu tố này đều đồng tâm hướng tới một mục tiêu thì đích chúng ta đạt tới không phải là xa, không phải là không thể.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã đưa ra lời hiệu triệu khơi dậy khát vọng phát triển đưa dân tộc đi tới phồn vinh, đưa đất nước tới hùng cường. Câu chuyện bây giờ không phải là mục tiêu vượt qua nghèo đói mà phải vươn lên tầm của một quốc gia phát triển. Mốc thời gian chúng ta hướng tới đó là kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước vào năm 2045. Từ nay tới đó còn 20 năm nữa thôi nhưng đấy là quãng thời gian đủ để chúng ta có thể hiện hóa mục tiêu. Có lẽ mốc thời gian có tính chất then chốt chính là từ Đại hội Đảng lần thứ XIV vào đầu năm 2026.

Đánh giá những thành quả của đất nước sau gần 40 năm đổi mới, điều chúng ta vui mừng không chỉ ở những con số như là GDP/đầu người, chỉ số tăng trưởng kinh tế - xã hội, hạ tầng… mà là vị thế quốc gia. Đó là thứ không dễ gì đo đếm được. Trong mắt bầu bạn quốc tế, Việt Nam bây giờ là có vai trò, vị thế trong rất nhiều các vấn đề của thế giới. Điều đó là sức mạnh vô hình, sức mạnh mềm, nó vô hình nhưng hiện hữu, tức là đang đang tồn tại.

Trước ngưỡng cửa khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình điều rất quan trọng chúng ta đang có được chính là vị thế và uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Vị thế quốc tế của Việt Nam khác trước rất nhiều, ngay cả những chuyện nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn như Việt Nam tham gia lực lượng mũ nồi xanh (lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc), đi đến đâu cũng được dân bản xứ rất yêu mến, bởi vì chúng ta đem theo truyền thống của đội quân cách mạng, của người lính Cụ Hồ đi "gieo hạt hòa bình".

Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước có được ngày nay là bệ phóng vô cùng quan trọng để chúng ta bắt đầu thực hiện khát vọng sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn. Để làm việc đó thì phải trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, lãnh đạo và nhân dân đều nhất trí.

Việt Nam với nền tảng vị thế quốc gia và những lợi thế đặc biệt để bước vào kỷ nguyên vươn mình - Ảnh 2.

Đất nước ta có tiềm năng và lợi thế đặc biệt để bước vào kỷ nguyên mới. Ảnh bắn pháo hoa chào mừng năm mới Ất Tỵ 2025 tại TP.HCM - Ảnh Lê Giang

Những lợi thế đặc biệt

Trong lịch sử phát triển của nhân loại nói chung, yếu tố quyết định sự thành bại, hưng vong của một quốc gia không ở tài nguyên phi tái tạo, tài nguyên tự nhiên mà là con người. Nguồn tài nguyên đó ở Việt Nam dồi dào, phong phú. Thực tiễn đã chứng minh người Việt Nam đã làm nên những kỳ tích, đã biến những điều không thể thành có thể, những điều tưởng như là bình thường thành kỳ tích không chỉ một lần.

Để bước một kỷ nguyên mới, đất nước thanh bình, ổn định đó chính là điều kiện cực kỳ quan trọng để phát triển. Hiện nay, chúng ta phát triển đất nước là sự kết hợp nội lực và ngoại lực. Để có được nguồn vốn FDI đầu tư trực tiếp từ nước ngoài thì họ cũng phải nhìn vào những quốc gia đang hòa bình, ổn định chứ không phải chỉ là giá nhân công rẻ để quyết định đầu tư. Những đất nước ổn định sẽ được ưu tiên, là nơi người ta yên tâm để đầu tư và Việt Nam bây giờ đang là một nơi như vậy.

Nguồn lực rất quan trọng nữa giúp chúng ta đi tới mục tiêu, đó là sự sáng tạo của người Việt Nam, điều này có thể được coi như là sức mạnh rất đặc biệt trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên mà trí tuệ nhân tạo đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu như chúng ta đã lỡ chuyến tàu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lần thứ hai, thời kỳ công nghiệp hóa chúng ta lỡ tàu thì đến bây giờ, dường như các lĩnh vực đặt ra trong cuộc cách mạng công nghiệp mới này lại phù hợp với người Việt Nam. Sự linh hoạt, thông tuệ về mặt con số, toán học… đấy là ưu thế của người Việt Nam, đó là khía cạnh được coi là lợi thế về mặt năng lực, về mặt con người.

Quay trở lại điều rất căn cốt để có thể phát triển mạnh mẽ, để có thể vươn tầm quốc tế thì yếu tố con người vẫn là quyết định. Cho nên ngoài việc chúng ta phải học cả thế giới, nhưng có lẽ cái điều quan trọng nhất là làm sao đó phải đứng trên bệ đỡ của văn hóa dân tộc. Phải biến tất cả những gì con người Việt Nam có thành lợi thế cạnh tranh thì chúng ta mới đuổi kịp và vượt người khác được. Đấy chính là điều có tính căn cốt trong hành trang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Việt Nam là một đất nước có vị trí địa chính trị rất quan trọng. Trong một thời gian dài lịch sử, chúng ta chịu hệ lụy từ vị trí địa chính trị này nhiều hơn là khai thác. Lịch sử hàng nghìn năm đã qua cho thấy, trong nhiều thời kỳ chúng ta không nhận thức hết, không khai thác được một cách hiệu quả từ vị trí địa chiến lược, địa văn hóa của mình. Còn bây giờ chúng ta đã thấy rõ và tìm cách khai thác triệt để, cho nên vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng.

Trong phát triển đất nước, có một điều cần thấy và nhận thức rõ, đó là trong quản lý nhà nước chúng ta phải đưa vào đó tư duy quản trị quốc gia. Cùng với quản lý nhà nước - tức là tuân thủ các nguyên tắc thì phải có tư duy quản trị quốc gia. Quản trị tức là nắm các nguồn lực một cách sâu sắc để có thể phát huy, có thể khai thác các nguồn lực một cách tối ưu, phát huy có hiệu quả cao nhất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem