5 bị can bị truy tố về hành vi “mua bán trẻ em” gồm: Tưởng Đình Thương (tự Thưởng, SN 1979, ngụ TP.Hải Phòng, tạm trú quận 10, từng có 1 tiền án về tội “trộm cắp tài sản”), Ngô Thị Lan (tự Hồng, SN 1970, ngụ tỉnh Bình Phước, tạm trú quận 1), Trần Ngọc Quỳ (tự Phấn, Phánh, SN 1970, ngụ quận Tân Phú, từng có 1 tiền sự về hành vi “tàng trữ trái phép chất ma tuý), Phạm Tuấn Phương (tự Hải, SN 1962, ngụ tỉnh Đắc Nông, tạm trú quận Tân Phú, từng có nhiều tiền án, tiền sự về các tội “cướp tài sản”, “trốn tránh nghĩa vụ quân sự”, “trộm cắp tài sản”, “gây rối trật tự công cộng”…) và Nguyễn Văn Viễn (SN 1970, ngụ tỉnh Quảng Ngãi, tạm trú quận Gò Vấp). Trong đường dây này đối tượng Tưởng Đình Thương được biết đến với vai trò cầm đầu, là kẻ có máu mặt trong giới mua bán trẻ sơ sinh ở khu vực TP.HCM và các tỉnh thành lân cận.
Chân tướng những kẻ kiếm sống bằng nghề... mua bán trẻ em
Vụ án xuất phát từ 1 vụ mua bán đứa trẻ mới chào đời tại bệnh viện Từ Dũ, hiện là bệnh viện phụ sản lớn nhất ở TP.HCM. Kết quả điều tra xác định, khoảng giữa năm 2013 Nguyễn Văn Viễn quen biết và chung sống như vợ chồng với người phụ nữ đồng hương Quảng Ngãi là Võ Thị Kiều Tr (SN 1988).
Những đứa trẻ sơ sinh bị mua bán như những món hàng và trước thông tin bùng phát, Công an TP.HCM đã phải xác lập chuyên án để đấu tranh.
Khi Tr mang thai 4 tháng, Viễn bàn với Tr là khi sinh sẽ tìm người bán đứa con đi, vì lo ngại gia đình Tr biết việc Tr có con cũng như 2 người chưa có đủ điều kiện nuôi đứa trẻ. Khi Tr đồng ý, Viễn đem chuyện này kể cho người bạn, là Nguyễn Thiện Nhân. Đối tượng này hứa sẽ tìm người giúp đỡ Viễn.
Thông qua mối quan hệ, Nhân tìm đến Trần Ngọc Quỳ là người phụ nữ hành nghề lám móng tay chân dạo ở Bệnh viện Từ Dũ nhưng khá tiếng tăm trong nghề cò mồi mua bán trẻ sơ sinh. Vì là nghề phụ nhưng là nguồn kiếm sống chính nên khi tìm được mối, Quỳ thường xuyên đến bệnh viện chăm sóc Tr trong quá trình thai kỳ để chờ đứa trẻ chào đời. Quá trình này, Quỳ đã thông qua đầu mối mua bán trẻ sơ sinh cấp cao hơn là Ngô Thị Lan để tìm người mua bán đứa trẻ. Lan thông báo với Quỳ giá giao dịch cho đứa trẻ con Tr là 7 triệu đồng.
Giữa tháng 2.2014, Tr hạ sinh được 1 bé trai nặng 3,5kg tại bệnh viện Từ Dũ. Viễn gọi điện thoại báo cho Quỳ và Lan. Ngày 27.2 Tr xuất viện. Ngay trong chiều cùng ngày Quỳ cùng “vợ chồng” Viễn – Tr mang theo đứa trẻ đến gặp Lan trước cổng Bệnh viện Nhi Đồng 1 ở đường Lý Thái Tổ, quận 10. Tuy nhiên khi giáp mặt, Tr vì thương con nên đổi ý, không bán nữa. Tuy nhiên khi Tr đi vào nhà vệ sinh của bệnh viện thì ở ngoài cổng Viễn đã trao đứa trẻ cho Lan để nhận 7 triệu đồng.
Điều đáng nói là tình trạng mua bé trẻ sơ sinh trên địa bàn TP.HCM trong giai đoạn trước đó vốn gây nhức nhối, xôn xao dư luận nên Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an TP.HCM đã xác lập chuyên án để đấu tranh. Hàng chục trinh sát đã đeo bám các đối tượng trong đường dây này suốt ngày đêm, đặc biệt là khi chúng “ăn dầm nằm dề” tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM và các bệnh viện phụ sản lớn trên địa bàn. Do đó khi Lan, Quỳ vừa nhận đứa trẻ từ tay Viễn và mang đi thì trinh sát hình sự đã chặn đầu xe, bắt quả tang.
Từ khai báo của “vợ chồng” Viễn – Tr, Nhân và đặc biệt là Lan, Quỳ, ngay sau đó ban chuyên án đã mở rộng phạm vi điều tra, bắt giữ thêm Tưởng Đình Thương và Phạm Tuấn Phương – là ông trùm và mắt xích quan trọng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh cực lớn hoạt động chính ở TP.HCM và có liên quan đến nhiều tỉnh thành khác.
Đến nay thì những tình tiết bất ngờ có liên quan đến đường dây này đã dần hé lộ. Không ai ngờ đã có những đứa trẻ tội nghiệp đã được mua bán như những món hàng thông qua các đối tượng này.
Quá trình điều tra, các đối tượng trong đường dây khai báo đã được nhà bảo sanh trên cung cấp 1 số giấy chứng sinh không đúng quy định để chúng thực hiện việc mua bán những trẻ sơ sinh một cách dễ dàng. Tuy nhiên công an xác định không thu hồi được các giấy tờ này, không đủ cơ sở để tiếp tục điều tra làm rõ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có sự tiếp tay của một số bác sĩ và nhà bảo sanh của TP.HCM
Sau khi sa lưới Lan, Quỳ khai nhận đã cùng với Thương, Phương buôn bán trót lọt 3 đứa trẻ sơ sinh trong giai đoạn từ giữa tháng 2.2014 đến khi bị bắt giữ, tức chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 2 tuần. Trong đó có 2 đứa trẻ được bán cho bà N.T.N.T ở quận Phú Nhuận với tổng số tiền là 48 triệu đồng. Còn 1 đứa trẻ khác được đường dây của các đối tượng nói trên mang lên tỉnh Tây Ninh bán cho 1 cặp vợ chồng không rõ lai lịch với giá 18 triệu đồng.
Những đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh rúng động tại TP.HCM.
Số phận của những đứa trẻ này kém may mắn khi sinh “nhầm” bởi những người mẹ trẻ thiếu suy nghĩ, gặp những kẻ mua bán trẻ sơ sinh chuyên nghiệp nhưng chúng có điều may mắn là được những người mua lại để nuôi nấng. Tuy nhiên những đứa trẻ bị may mắn như thế không nhiều.
Trùm Thương còn khai, năm 2013 đã cùng một số đối tượng khác môi giới, bán trót lọt 2 đứa trẻ sơ sinh khác. Nhưng Thương thừa nhận không biết những người bán cũng như những người mua 2 đứa trẻ trên. Đáng nói tại thời điểm bắt giữ Thương, trinh sát thu giữ trong người của Thương 2 bộ giấy tờ gồm: CMND của 2 người phụ nữ và giấy chứng sinh của 2 đứa trẻ. Thương khai là giấy tờ mà 2 bà mẹ trẻ cung cấp để tim tìm người bán con giúp họ, tuy nhưng Thương chưa tìm ra mối mua thì đã bị bắt giữ. Với 4 đứa trẻ bị mua bán, khi triệt phá đường dây này, công an đã tìm thấy được 3 cháu hiện đang được nuôi dưỡng tại trung tâm Bảo trợ xã hội quận Gò Vấp để nuôi dưỡng, chờ giải quyết.
Thực tế tên tuổi của ông trùm Tưởng Đình Thương không hề lạ trong thế giới ngầm của nạn mua bán trẻ sơ sinh có giai đoạn bùng phát gây nhức nhối tại địa bàn TP.HCM và có liên hệ với nhiều đường dây tội phạm có liên quan đến trẻ em ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Theo tìm hiểu, xuất phát điểm Thương là 1 kẻ chuyên môi giới mua bán trứng, tinh trùng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, với địa bàn hoạt động chính là ở Bệnh viện Từ Dũ và các bệnh viện phụ sản ở TP.HCM. Quá trình đó, Thương nắm bắt nhu cầu của nhiều cặp vợ chồng khan hiếm đường con cái nên dã trở thành 1 ông trùm chuyên nghiệp.
Thương bắt đầu sử dụng những đối tượng sẵn có trong hoạt động môi giới nói trên để tạo nên đường dây tìm kiếm những bà mẹ trẻ sinh con khi… lỡ lầm hoặc không có điều kiện nuôi để bán lại cho những cặp vợ chồng có nhu cầu tìm con nuôi hay những đường dây mua bán trẻ em vì lợi nhuận khác.
Thậm chí Thương còn lập ra và điều hành website có tên là “mamsongviet….”. Để kinh doanh thêm các dịch vụ như đẻ thuê, mang thai hộ và giá cho những dịch vụ này từ 100 – 150 triệu đồng/trường hợp.
Để đường dây của mình vận hành có hiệu quả, tìm ra được nhiều đấu mối bán và mua những đứa trẻ, Thương tổ chức tay chân một cách tinh vi. Cụ thể đối tượng Quỳ làm nghề móng tay chân dạo ở các bệnh viện phụ sản và đối tượng Phương hành nghề xe ôm ở bệnh viện Từ Dũ TP.HCM… có nhiệm vụ tiếp cận các bà mẹ vừa sinh để gạ mua bán con và các cặp vợ chồng có nhu cầu tìm mua con nuôi. Với những tay chân, tuỳ theo vai trò mà khi bán được Thương đều có mức “thưởng” xứng đáng với công sức với các đàn em trong đường dây. Do đó các đối tượng này hết sức tích cực tìm kiếm trẻ sơ sinh.
Có một thực tế liên quan đến đường dây mua bán trẻ sơ sinh rúng động do Thương cầm đầu mà đến nay cơ quan chức năng chưa làm rõ, xử lý triệt để, dư luận còn đang hoài nghi, đó là có sự tiếp tay của 1 số bác sĩ và nhà bảo sanh trên địa bàn TP.HCM, mà đơn cử là nhà bảo sanh T.H.N, trụ sở tại quận 1.
Quá trình điều tra, các đối tượng trong đường dây khai báo đã được nhà bảo sanh trên cung cấp một số giấy chứng sinh không đúng quy định để chúng phục vụ cho việc mua bán những đứa trẻ sơ sinh một cách dễ dàng.
Tuy nhiên công an cũng xác định là không thu hồi được các giấy tờ này, không đủ cơ sở để tiếp tục điều tra làm rõ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó Công an TP.HCM có văn bản kiến nghị UBND quận 1 xem xét, xử lý hành chính đối với nhà bảo sanh T.H.N như đã đề cập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.