Lặng lẽ cứu người
Gia đình bác Nguyễn Phước Bửu Thanh nằm khuất nẻo trong xóm lao động nghèo (đường Trần Huy Liệu, TP.Huế). Gần 20 năm nay, 30 người thuộc 3 thế hệ trong gia đình bác đã hiến tặng hàng chục lít máu cứu giúp người bệnh. 25 năm trước, trong một lần mổ cấp cứu, chính bác Thanh được một người hiến máu cứu giúp.
Chính vì vậy, con bác rồi đến cháu bác đều mong muốn hiến máu để "tri ân" người đã cứu giúp bố mình, ông mình. Các con gái, con dâu bác như chị Tâm, chị Bé, chị Thúy, chị Lai đều đã có trên 30 lần hiến máu. Đáng chú ý, các anh, các chị đều là người lao động nghèo, sống tần tảo bằng nghề đạp xích lô, bán bánh mì, thợ may, phụ hồ. Cho dù cuộc sống vất vả, cực nhọc, nhưng hễ có người cần máu, bất kể đêm hôm, các anh chị đều lập tức đến cứu giúp.
Hơn 12 năm nay, gia đình ông Lê Đình Duật và bà Lê Thị Kim Dinh (Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã hết mình vì phong trào HMTN. Ông vốn là bộ đội, bà là cán bộ nghỉ hưu, cuộc sống giản dị, tằn tiện. Nhưng gia tài mà ông bà tự hào nhất chính là tấm lòng giàu có của mình đối với phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN).
Vợ chồng ông và 3 con đã từng hiến máu hàng chục lần. Nhưng giờ tuổi cao, ông bà trở thành những người tuyên truyền, vận động cho phong trào HMTN. Các cháu gọi ông bà bằng chú bác, cô dì từ Thanh Hóa ra Hà Nội học và làm việc đều nghe lời "hiệu triệu" của ông bà, tình nguyện hiến máu. Từ năm 2000 đến nay, ông bà đã vận động được hơn 200 người HMTN.
Nói về nghĩa cử cao đẹp của mình, ông Duật giản dị: "Tôi chỉ sống trên thế giới này có một lần. Vì vậy tôi có thể làm bất cứ điều gì tốt đẹp hay thể hiện lòng nhân ái của mình với bất kỳ ai".
Thống kê của Ban chỉ đạo vận động HMTN quốc gia, chỉ trong 4 năm gần đây cả nước đã vận động và tiếp nhận hơn 2 triệu đơn vị máu toàn phần (tương đương 692.412 lít máu) tỷ lệ người dân HMTN là 0,88% dân số, với mức tăng trung bình hàng năm là 13,5%.
Cần nhà quản lý vào cuộc
PGS-TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư cho biết: "Tuy phong trào HMTN đang được nhân rộng trên khắp cả nước, lượng máu tiếp nhận hàng năm tăng khoảng 10-15%, nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu điều trị". Số người dân sẵn sàng cho máu vẫn còn hạn chế. Phong trào HMTN tuy được nhân rộng, nhưng chưa "thực chất".
Ngày 7.4 tại Hà Nội, đã diễn ra lễ míttinh hưởng ứng Ngày Toàn dân HMTN với Ngày hội hiến máu "Món quà tháng 4". Ngày hội thu hút hơn 700 người đăng ký và tiếp nhận được 500 đơn vị máu. Đa số người HMTN là nông dân, người lao động nghèo và sinh viên.
TS Anh Trí cho biết, nhiều lễ phát động HMTN tổ chức rất rầm rộ, thu hút hàng nghìn người đăng ký hiến máu nhưng đến lúc lấy máu thì chỉ còn vài trăm, thậm chí vài chục người. Có thể kể đến chương trình truyền hình trực tiếp: "Hiến máu vì thắng lợi của SEA Game và vì cuộc sống người bệnh", người tổ chức khấp khởi mừng thầm vì có đến hơn 10.000 người đăng ký nhưng thực tế chỉ có dưới 100 người đến hiến máu thật. Còn có cuộc vận động "tệ" hơn khi Ban tổ chức thu được 11.000 tờ đăng ký, nhưng sau đó chỉ có 41 người đến. Mới đây, Viện gửi 300 lá thư vận động HMTN đến 300 doanh nghiệp trong cả nước, nhưng chỉ có 12 cơ sở có thư trả lời, trong đó 4 thư từ chối...
Thông điệp của Ngày Toàn dân HMTN năm nay với thông điệp: "Máu cứu người - bắt đầu từ nhà quản lý" nhằm tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhà quản lý các cơ quan, đơn vị trong việc đưa ra quyết định góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào HMTN. "Mỗi quyết định đồng thuận của các nhà quản lý có thể đem đến hàng trăm đơn vị máu cứu giúp người bệnh, không chỉ mang lại sự sống, mà còn đem đến niềm tin cho họ" - TS Anh Trí nhấn mạnh.
Diệu Linh- Nguyễn Kim
Vui lòng nhập nội dung bình luận.