Những triệu phú ở làng J’Rai

Thứ năm, ngày 14/10/2010 02:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ việc người dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" vẫn không đủ ăn... bây giờ làng O Ngol, xã Ia Ve, huyện Chư Prông, Gia Lai không hiếm những người có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Đường vào làng O Ngol trải nhựa đường, dây điện trải đến cuối làng, những chiếc xe tải chất đầy hàng rú ầm vang thay cho cảnh gùi hàng cơ cực của nhiều năm về trước.

img
Thu hoạch tiêu ở O Ngol

Mua ô tô là chuyện nhỏ

Theo ông Kpui Nhu - Phó chủ tịch UBND xã Ia Ve, 5 năm trở lại đây, kinh tế của các gia đình trong xã không ngừng phát triển, phần lớn đều khá giả, nhiều hộ trở thành triệu phú. O Ngol là làng điển hình nhất về phát triển kinh tế, xã hội của xã Ia Ve nói riêng, huyện Chư Prông nói chung.

Với dân số 100% là đồng bào J'rai, làng O Ngol hiện không có hộ nghèo, hơn 80% số hộ có nhà xây kiên cố và gần một nửa thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm. Năm 2005, làng được công nhận là làng văn hoá cấp tỉnh.

Với nhiều người dân ở đây, việc có nhà xây, mua xe máy, ti vi, tủ lạnh... trước đây là một mơ ước xa vời, thì giờ đây, việc mua sắm trang thiết bị hiện đại, thậm chí mua cả xe ôtô là những điều quá đỗi bình thường.

img Nhà mình làm ăn dư dả khoảng 5 năm nay thôi, xe cộ, ti vi đều mua đủ cả. Sang năm mình dự định sẽ mua xe ô-tô vận tải 1,5 tấn để vận chuyển hàng nông sản ra thị trấn bán. img

 

Ông Rơ Ma Chu

Mặc dù đã 64 tuổi nhưng với ông Rơ Ma Chum, những dự định phát triển kinh tế, tận dụng lợi thế đất đỏ bazan màu mỡ để làm giàu vẫn chưa bao giờ dừng lại: "Xã Ia Ve trước đây là chiến trường ác liệt lắm, năm 1961 mình đã tham gia cách mạng làm binh - địch vận. Trong thời chiến tranh, làng O Ngol theo cách mạng, nhờ đó mà người làng học hỏi nhanh lắm.

Nhiều năm nay, nhờ được vay vốn từ ngân hàng chính sách, gia đình nào cũng cố vươn lên làm giàu và học theo cách làm của người Kinh. Nhà mình làm ăn dư dả khoảng 5 năm nay thôi, xe cộ, ti vi đều đã có đủ cả. Sang năm mình dự định sẽ mua xe ôtô vận tải 1,5 tấn để vận chuyển hàng nông sản ra thị trấn bán, như vậy sẽ được giá hơn và tiết kiệm chi phí".

Hộ “trăm triệu” không hiếm

Được Rơ Mah Chun giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà Rơ Lan Đỏ. Anh Đỏ tâm sự: "Sau khi học bổ túc, từ năm 1992 mình đi dạy lớp 1 và 2. Năm 1998 thì mình xin nghỉ dạy để về làm nông. Thời gian đầu khó khăn lắm, vừa trồng hoa màu vừa nuôi 4 con ăn học nên gia đình thiếu thốn quanh năm. Sau mấy mùa rẫy chịu khó tích luỹ, mình có tiền đầu tư trồng cà phê, học hỏi cách làm của người Kinh để có hiệu quả. Sau đó mình chuyển sang trồng tiêu, trồng cao su, nuôi bò. Mình đang dự định xây cái nhà trên 400 triệu đồng".

Hiện tại, gia đình anh Đỏ có hơn 2ha cà phê, 1.400 trụ tiêu, 6ha cao su 4 năm tuổi và đàn bò trên 25 con. Thu nhập hàng năm của gia đình luôn từ 300 - 400 triệu đồng trở lên.

Làng O Ngol ngày càng có nhiều người làm ăn giỏi, danh sách các gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng ngày một dài ra, sau Rơ Lan Đỏ là Rơ Mah Tin, Kpui Grú... Từ tập quán trồng lúa rẫy, sống dựa vào rừng, nay dân làng O Ngol chuyển sang trồng lúa nước, cà phê, cao su tiểu điền và biến một buôn làng nghèo khó trở thành trù phú chỉ trong thời gian rất ngắn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem